02/08/2022 08:20 GMT+7

Bà Pelosi đẩy căng thẳng Đài Loan lên cao

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Hôm 1-8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đặt chân đến Singapore, chính thức bắt đầu chuyến công du châu Á. Theo lịch trình chính thức, sau Singapore, bà Pelosi sẽ đến thăm Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bà Pelosi đẩy căng thẳng Đài Loan lên cao - Ảnh 1.

Một người đàn ông ở Bắc Kinh đọc tờ báo đưa tin về chuyến công du châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, việc truyền thông Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản cùng ngày dẫn các nguồn tin tiết lộ bà Pelosi dự kiến sẽ đến Đài Loan vào ngày 2-8 và các cảnh báo mạnh mẽ từ Bắc Kinh đã đẩy căng thẳng quanh eo biển Đài Loan lên cao.

Bối rối ở Washington

Trong hệ thống chính trị Mỹ, bà Pelosi xếp thứ hai (sau phó tổng thống) trong danh sách thay thế tổng thống nếu tổng thống không làm hết nhiệm kỳ. Một số người thậm chí còn hiểu rằng vị trí của bà Pelosi bên nhánh lập pháp của Mỹ ngang hàng với tổng thống - nhân vật đứng đầu nhánh hành pháp trong hệ thống tam quyền phân lập. Năm 2019, bà Pelosi cũng từng nói mình là người "đồng hạng" với tổng thống Donald Trump.

Dù thế nào đi nữa, trước thông tin cho rằng bà Pelosi thăm Đài Loan, phía Trung Quốc đại lục hiểu đây là một động thái khiêu khích về mặt ngoại giao vì nước này xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Bắc Kinh yêu cầu cộng đồng quốc tế phải tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" này.

Bản thân Mỹ thực tế cũng có chính sách "một Trung Quốc", trong đó Washington "ghi nhận" quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc nhưng không "công nhận" điều này. Nói cách khác, dù Mỹ công nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là "chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc", nhưng Washington lâu nay không "chọn phe" và sẽ để hai bên eo biển Đài Loan tự thu xếp bằng biện pháp hòa bình.

Điều này cũng có nghĩa Mỹ ủng hộ khả năng tự vệ của Đài Loan nhưng lại không ủng hộ hòn đảo này độc lập.

Dù cách tiếp cận trên được duy trì suốt 40 năm qua, nhưng thông tin bà Pelosi thăm Đài Loan cũng khiến nội bộ Washington không khỏi bối rối. Hồi tháng 7, khi thông tin này được tờ Financial Times đưa ra lần đầu, Tổng thống Joe Biden còn bình luận rằng một chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan sẽ "không phải là ý tưởng hay vào lúc này". Trong khi đó, các thành viên thuộc đảng đối lập Cộng hòa, điển hình là cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, lại tuyên bố ủng hộ bà Pelosi.

Trong tình thế này, việc bà Pelosi đến Đài Loan sẽ là hành động rất nhạy cảm. Nhưng nếu không đi, Đảng Dân chủ sẽ mất thể diện và có thể là cả uy tín trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới đây.

Khó xung đột trực tiếp, nhưng…

Cách Mỹ và Trung Quốc phản ứng trước vụ việc tâm điểm này nói lên nhiều điều về bức tranh an ninh của khu vực trong tương lai.

"Nếu họ (chính quyền Tổng thống Biden) gây áp lực buộc bà Pelosi lùi lại, họ sẽ gợi lên mối đe dọa và áp lực lớn hơn từ Trung Quốc trong tương lai và gia tăng khả năng đối diện một cuộc khủng hoảng lần nữa… Nhưng nếu họ ủng hộ bà ấy, họ sẽ mạo hiểm trong việc leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan", Đài CNBC dẫn lời GS Julian Ku, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại ĐH Hofstra (Mỹ), nói.

Tới nay Trung Quốc đã tỏ ra quyết đoán trong câu chữ ngoại giao, thậm chí đề cập tới vai trò của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng chưa rõ liệu Bắc Kinh sẽ hành động ra sao.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc không đẩy xung đột tới mức đối đầu vũ trang. Thay vào đó, Bắc Kinh có khả năng "khoe cơ bắp" bằng cách khác.

Hãng tin AP ngày 26-7 cho biết chính quyền ông Biden đặc biệt lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng rất dữ dội, xét việc Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục lãnh đạo, và vì vậy càng không thể ngồi yên trước các thông tin như vụ Đài Loan lần này.

Các quan chức trong bản tin của Hãng tin AP cũng cho biết không loại trừ việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động bên ngoài khu vực Đài Loan nhằm thị uy sức mạnh. Điều này có nghĩa các hoạt động quân sự sẽ được mở rộng ở các khu vực có tranh chấp.

Tương tự, GS khoa học chính trị và luật tại ĐH Thượng Hải, ông Ni Lexiong, cũng cho rằng Trung Quốc có thể tránh xung đột quân sự trực tiếp nhưng sẽ tìm cách khiến Mỹ tổn thương bằng nhiều phương án từ quân sự, chính trị, ngoại giao cho tới kinh tế. Các khu vực có thể chứng kiến Trung Quốc hành động cũng đa dạng, từ eo biển Đài Loan cho tới các vùng biển khác như phía nam hoặc phía đông.

Nhà Trắng: Bà Pelosi có quyền đến thăm Đài Loan Nhà Trắng: Bà Pelosi có quyền đến thăm Đài Loan

TTO - Hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Loan ngày 2-8. Nhà Trắng cho biết Mỹ không sợ những lời đe dọa của Trung Quốc và nói bà Pelosi có quyền thăm hòn đảo này.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: pelosi Đài Loan