09/09/2016 08:08 GMT+7

Cứu bệnh nhân từ tay tử thần

LÊ THANH HÀ, LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN
LÊ THANH HÀ, LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN

TTO - “Điểm ơi, khỏe thì gật đầu cảm ơn bác sĩ Tân đi”. Chị Công Thị Mỹ Tưởng âu yếm nói với chồng khi thấy bác sĩ và chúng tôi bước vào. Nghe vợ gọi, dù chưa nói được, anh Điểm vẫn nở nụ cười tươi rói, gật đầu cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Nguyễn Văn Tân đang thăm khám cho bệnh nhân Điểm sáng 8-9 - Ảnh: HỮU KHOA
TS.BS Nguyễn Văn Tân đang thăm khám cho bệnh nhân Điểm sáng 8-9 - Ảnh: HỮU KHOA

Nhìn TS.BS Nguyễn Văn Tân - phó khoa tim mạch cấp cứu và can thiệp Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM - thăm khám bệnh nhân Điểm, tôi thấy giữa thầy thuốc và bệnh nhân chỉ có tình yêu thương, chia sẻ, chứ không có khoảng cách nào.

Cứu người ngưng tim ngưng thở

Sau gần một tháng rưỡi được cấp cứu, can thiệp mạch vành, bệnh nhân Nguyễn Chánh Điểm (46 tuổi, quê Quảng Nam, tạm trú TP.HCM) đã chiến thắng cái chết nhờ tấm lòng và sự nỗ lực của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất.

Chị Tưởng - vợ anh Điểm - cho biết anh chị mới vào TP.HCM thuê nhà ở làm việc được hơn một tháng. Sáng 29-7, chồng chị ôm ngực than tức ngực, mệt nhiều, chị pha nước đường cho anh uống thì khoảng năm phút sau anh Điểm thở gấp, hụt hơi và bất tỉnh trên tay chị.

Chị kêu taxi đưa chồng đi cấp cứu nhưng bị kẹt xe, taxi không vào đón được nên chị và người bạn phải chở anh bằng xe máy vào Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng anh đã ngưng tim ngưng thở.

“Khi bệnh nhân đến bệnh viện đã mê sâu, ngưng tim ngưng thở 30 phút. Chúng tôi tiến hành đặt nội khí quản, hồi sức tim phổi, dùng thuốc vận mạch, sốc điện nhiều lần. Sau hơn một giờ cấp cứu thì bệnh nhân có mạch, huyết áp trở lại nhưng bị chết não do ngưng tim, ngưng thở hơn một giờ. Vì bệnh nhân còn trẻ, người nhà tha thiết cứu chữa nên còn hi vọng dù chỉ 1% chúng tôi cũng cố gắng cứu” - TS Tân chia sẻ.

Từ kết quả chụp mạch vành, thấy bệnh nhân bị tắc một nhánh rất lớn nên các bác sĩ quyết định đặt stent can thiệp để nong mạch vành bị tắc. Sau khi được đặt stent, bệnh nhân phục hồi dần nhưng tổn thương não phục hồi chậm do thời gian thiếu máu não kéo dài hơn một tiếng.

Thời gian đầu, bệnh nhân sống đời sống thực vật nhưng nhờ được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo nên bệnh nhân từ từ hồi phục, có tri giác lại, hiểu được và tiếp xúc được.

Sáng 8-9, khi thấy TS Tân vào khám, hỏi thăm sức khỏe, anh Điểm cứ cười tươi rói dù anh chưa nói được do còn phải thở qua đường mở khí quản.

Chuẩn bị chôn nhưng được cứu sống

Đặc biệt, ngày 8-9 một bệnh nhân “chết đi sống lại” đã quay trở lại Bệnh viện Thống Nhất để các bác sĩ tiếp tục đặt stent điều trị nhánh mạch vành bị tắc còn lại.

Đó là bà Lê Thị Minh (70 tuổi, Bình Dương) đã được bác sĩ của một bệnh viện lớn ở TP.HCM “chê”, cho về nhà chờ chết nhưng đã được các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất cứu sống rất ngoạn mục chỉ sau 10 ngày nằm viện.

Chị Nguyễn Thị Huy, con gái bà Minh, cho biết sáng 31-7 mẹ chị bị đau ngực, sau đó chuyển sang ngưng tim ngưng thở, hôn mê sâu tại một phòng khám tư nhân với chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp.

Sau đó mẹ chị được cho chuyển viện đến ba bệnh viện khác nhau ở TP.HCM. Đến bệnh viện thứ ba thì bác sĩ cho về và nói không cứu được.

Gia đình chị đành đưa mẹ về, mọi chuyện hậu sự cho bà đã sẵn sàng nhưng hàng xóm đến thăm ai cũng khuyên đưa đi bệnh viện khác xem sao vì mắt bà thi thoảng vẫn còn chớp.

Gia đình chị đã đưa bà đến Bệnh viện Thống Nhất ngay trong tối cùng ngày.

“Hiện mẹ tôi khỏe, ăn uống, đi lại bình thường, mới nhập viện để chuẩn bị điều trị một nhánh mạch vành khác bị tắc” - chị Huy cho hay.

Theo TS Tân, từ lúc bệnh nhân Minh ngưng tim ngưng thở cho đến khi gia đình đưa bà Minh vào Bệnh viện Thống Nhất lúc 21g đêm 31-7 là khoảng 14-15 giờ.  Khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân mê sâu, đồng tử giãn tối đa, suy gan, suy thận.

Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, tiêm thuốc vận mạch, tiến hành đặt stent can thiệp mạch vành bị tắc...

Chỉ sau mười ngày cứu chữa, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường và xuất viện ngày 11-8.

Còn nước còn tát

Theo TS Tân, Bệnh viện Thống Nhất đã từng cấp cứu, can thiệp tim mạch thành công cứu sống nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh như bà Minh.

Bệnh viện còn có ba êkíp cấp cứu tim mạch và can thiệp sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân bất cứ lúc nào. Nếu bệnh nhân vào cấp cứu trong đêm, bác sĩ tim mạch có thể hội chẩn với bác sĩ cấp cứu qua điện thoại và phòng thông tim can thiệp chuẩn bị sẵn sàng để chỉ trong vòng 20-30 phút là có thể can thiệp cứu bệnh nhân ngay.

“Dù còn một tia hi vọng, dù còn 1% cơ may, chúng tôi vẫn cố gắng cứu sống người bệnh. Khi gia đình đã tha thiết, bác sĩ nỡ lòng nào không cứu người bệnh”, bác sĩ Tân chia sẻ.

PGS.TS Hồ Thượng Dũng - phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết thêm trước một bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim ngưng thở, người thầy thuốc có khi rất phân vân giữa nhiều yếu tố.

Bác sĩ quyết tâm cứu nhưng cũng lo. Lỡ không thành công, lại thêm tốn kém cho người bệnh, không khéo gia đình người bệnh không thông cảm, họ đi kiện thì thế nào...

Tuy nhiên, theo TS Tân, các bác sĩ trong khoa luôn xem bệnh nhân như người nhà. Nếu bệnh nhân nghèo, khó khăn, các y, bác sĩ luôn tìm cách giúp đỡ.

“Có khi người nhà bệnh nhân nói họ chỉ có 10 triệu, nhưng chúng tôi nỡ lòng nào không cứu bệnh nhân. Cứ phải làm, sau đó tìm cách gói ghém, lèo lái sao cho bệnh nhân đỡ chi phí nhất. Có những khi chúng tôi cấp cứu, can thiệp mạch vành cho bệnh nhân từ nửa đêm đến sáng, thấy bệnh nhân sống lại thì không còn niềm vui, hạnh phúc nào bằng.

Trường hợp bệnh nhân Điểm và bệnh nhân Minh, cơ may cứu sống chưa đến 1% nhưng khi gia đình bệnh nhân hợp tác, chúng tôi quyết tâm thì cơ may cứu sống người bệnh vẫn có” - TS Tân chia sẻ.

Cưu mang người bệnh

Theo PGS.TS Hồ Thượng Dũng, thời gian qua bệnh viện cứu sống nhiều bệnh nhân bị tắc mạch vành cấp, đưa đến bệnh cảnh nhồi máu tim cấp, rung thất, choáng tim... nếu không can thiệp tim mạch kịp thời thì bệnh nhân không thể qua khỏi. Nhiều bệnh nhân vào viện rất nặng, nguy cơ tử vong gần như 100%.

GS.TS Nguyễn Đức Công - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết thêm trường hợp của bệnh nhân Điểm, ngay từ khi biết thông tin bệnh nhân bệnh rất nặng và hoàn cảnh gia đình khó khăn, chúng tôi vẫn chỉ đạo “Nặng thì nặng, nghèo thì nghèo vẫn phải cố gắng cứu bệnh nhân trước, mọi cái tính sau”.

Anh Điểm sẽ được bệnh viện hỗ trợ 30 triệu đồng viện phí bằng việc miễn giảm chi phí tiền giường, tiền công chăm sóc và những chi phí khác trong khả năng của bệnh viện để giúp bệnh nhân bớt phần nào gánh nặng viện phí.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khác luôn được bệnh viện hỗ trợ bằng nhiều cách như xin công ty cung cấp thiết bị đặt stent hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nhờ báo chí viết bài kêu gọi giúp đỡ cho người bệnh, có khi Đoàn thanh niên của bệnh viện cũng đi quyên góp trong bệnh viện để giúp bệnh nhân.

LÊ THANH HÀ, LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên