05/02/2015 10:05 GMT+7

​Cướp biển có vũ trang tăng 22% ở châu Á

DƯƠNG ÐỖ
DƯƠNG ÐỖ

TT - Năm qua tổng số vụ cướp biển xảy ra trên vùng biển châu Á đã tăng 22%.

Hiệp ước hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp biển có vũ trang ở châu Á (gọi tắt ReCAAP) vừa công bố báo cáo tổng kết. Theo đó, năm qua tổng số vụ cướp biển xảy ra trên vùng biển châu Á đã tăng 22%.

Theo trang Gcaptain, trong báo cáo thường niên của ReCAAP mới công bố, tổng số 183 vụ cướp (168 vụ cướp thật và 15 vụ giả cướp bất thành) xảy ra trong năm 2014 được chia thành ba loại (tương ứng ba cấp độ): loại 1: rất nghiêm trọng, loại 2: nghiêm trọng vừa và loại 3: ít nghiêm trọng.

Với các vụ cướp biển đã ghi nhận có thể thấy so với năm 2013, số vụ tăng 22%. Ðây cũng là số vụ cao nhất trong năm năm, từ 2010-2014. Trong 183 vụ có 13 vụ (7%) loại 1; 41 vụ (23%) loại 2 và 114 vụ (62%) loại 3.

Cũng theo báo cáo của ReCAAP, trong số 13 vụ loại 1 có 11 vụ liên quan tới việc cướp biển chủ động tấn công và cướp dầu thành công trên các tàu. Hầu hết các vụ này được xếp loại 1 vì kẻ tấn công thường trang bị súng, dao và đi theo đoàn lớn để giành quyền kiểm soát tàu.

Thủ đoạn tiếp theo của chúng thường là khóa cửa cabin điều khiển, rút dầu sang tàu chúng, trấn lột toàn bộ tiền bạc, tư trang của thủy thủ đoàn, trước khi rời đi còn phá hỏng toàn bộ hệ thống định vị và liên lạc của tàu.

Năm 2014 cũng ghi nhận sự gia tăng số vụ cướp biển xảy ra ở eo Malacca và Singapore (SOMS) và khu vực biển Ðông. Các vụ cướp loại 3 thường xảy ra với các tàu đang trên hải trình đi vào SOMS hoặc đang thả neo ở biển Ðông.

Tuy nhiên trong các vụ này, bọn cướp thường có tính tranh thủ chớp thời cơ, không gây nguy hiểm tới tính mạng thủy thủ đoàn và nếu bị những người trên tàu phát giác la lối, chúng thường rút chạy ngay nên các tàu ít bị thiệt hại về kinh tế.

Cụ thể, theo báo cáo của ReCAAP, có tới 55% vụ tấn công ở SOMS và 65% các vụ tại biển Ðông, bọn cướp biển đã chạy trốn khi bị phát hiện mà không lấy được gì.

Trước tình trạng gia tăng cướp biển ở châu Á năm 2014, ReCAAP cảnh báo cộng đồng hàng hải và các cơ quan chính phủ tham gia hiệp ước cần tăng cường chia sẻ thông tin, báo cáo kịp thời và nâng cao biện pháp phòng vệ trong hoạt động đi lại trên biển.

DƯƠNG ÐỖ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên