26/08/2017 08:27 GMT+7

Cười ra nước mắt chuyện 'Đổi tình lấy biên chế'

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Chuyện một nữ giáo viên hợp đồng một trường tiểu học ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) chấp nhận "đổi tình lấy biên chế" với hiệu phó phụ trách chuyên môn nghe thật ám ảnh.

>> Nữ giáo viên tiểu học tố hiệu phó tung clip sex tống tình

Hỏi mới biết, ra trường, làm nhiều nơi nhưng không ổn định, chồng của nữ giáo viên này đã dùng tiền lo lót để “chạy” vào dạy hợp đồng tại đây, đợi khi nào thi tuyển sẽ “chạy tiếp”. Ai ngờ…

Nỗi khát khao được vào biên chế, suy cho cùng, có nguyên nhân gốc rễ từ nhiều gia đình với quan niệm “vào nhà nước cho ổn định và an phận” dù lương ba cọc ba đồng. 

Có lần nghe một người cha khoe con gái đang làm kế toán ở một công ty nhà nước, lương cũng bình thường nhưng "được cái ổn định", thỉnh thoảng có thể "kiếm chút ít" từ việc làm lệch các chi phí trong mua sắm, ăn uống của đơn vị.

Thoạt nghe thấy khó hiểu chuyện một người cha “tự hào” vì con ông thỉnh thoảng “ăn” được một ít tiền từ kẽ hở của nhà nước.

Một lần khác, nghe chị viên chức một sở kể vào cửa hàng mua xe máy, khi biết mức lương của chị 4 triệu đồng/tháng, người quản lý cửa hàng khuyên "nghỉ việc đi". Chị tỉnh bơ: "Lương tôi thế là sướng rồi. Bằng tuổi tôi, làm cùng sở nhưng ở vị trí khác lương chỉ được hơn 2 triệu”.

Tâm lý được vào biên chế, với mức lương “ổn định”, có bảo hiểm… đã trở thành thâm căn cố đế ăn sâu vào tâm trí nhiều người.

Chính ở đó, có vẻ như, nhiều người trẻ đầy nhiệt huyết dần dần bị nhiễm thói quen “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, “chỉ 1/3 số người đã đủ làm hết công việc”…

Nhiều người, ở vị trí thấp nên cũng không dám tranh luận, phản đối khi cấp trên có những việc làm không đúng với mình, với cơ quan.

Thậm chí họ còn phải “chiều theo” sự gạ gẫm “đổi tình lấy biên chế” như nữ giáo viên kia...

Chính vì mong muốn có việc làm, được vào biên chế mà rất nhiều bạn trẻ phải bỏ tiền để “chạy” hợp đồng, chạy biên chế.

Và nhiều nơi, dù không được giao biên chế nhưng vẫn tuyển dư hàng trăm vị trí (như huyện Krông Pắk, Đắk Lắk dư hơn 500 giáo viên), trong số này cũng xôn xao có “chạy tiền”.

Vào tháng 8-2014, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) bị bắt vì làm lộ đề thi tuyển viên chức giáo dục trước khi kỳ thi diễn ra. Nhiều giáo viên thừa nhận có đưa tiền để được vào hợp đồng, để biết trước đề thi để “đảm bảo đậu”...

Tại sao nhiều giáo viên phải bỏ hàng trăm triệu đồng để chạy việc? Câu trả lời thường là "đã được cha mẹ cho ăn học, làm thầy cô giáo mà giờ về làm ruộng sẽ "rất mất mặt", hơn nữa họ "không có sức để làm công việc tay chân".

Trong khi đó, các bậc cha mẹ ở nông thôn lại tự hào khi có con họ làm trường này, ở sở nọ, huyện kia... mà ít quan tâm họ làm việc gì, lương đủ sống hay không.

Áp lực đó khiến nhiều người, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền để “vào biên chế”.

Hệ lụy là, bị gánh nặng “biên chế” ám ảnh, nhiều bạn trẻ mất đi sự phấn đấu để tự rao bán sức lao động của mình trên thị trường.

Và hệ lụy, một lần nữa, lại như một chiếc vòng luẩn quẩn: chấp nhận đánh đổi tiền bạc, cả danh dự của mình vì hai chữ “biên chế”.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên