Thi thơ haiku lần 3Cuộc thi sáng tác thơ Haiku Nhật - Việt 2011
Phóng to |
Hay nói cách khác, nó biết làm cho vỏ ốc có thể uống vào mình thứ biển thơ dường như xa lạ đó rồi vang lên giọng điệu riêng trong một ngôn ngữ đầy nhạc tính là tiếng Việt.
Bên sóngVỏ ốc rỗngUống biển liên hồi
(Trần Quốc Minh)
Một bài haiku Việt có thể thu gọn trong chín âm tự hoặc ít hơn nữa trong khi haiku Nhật thường là 17 âm tự.
Và không chỉ là hình thức, thơ haiku tiếng Việt mang màu sắc và hương vị của những cánh đồng mưa nắng ẩn hiện bóng chim tăm cá, của mùa lũ bềnh bồng cuộc chơi nguy hiểm, của giàn mướp chuyển mình từ hoa sang quả trong cuộc biến hóa đời... Đó là những hình ảnh ở đây và bây giờ rất Việt Nam, không dễ tìm thấy ở nơi nào khác:
Mưa rước cá Mải rơi trên cánh đồngBiệt tăm bóng cá
(Hồ Trường)
Tác giả Hồ Trường đã ghi thêm lời chú cần thiết: "Mưa rước cá - tên gọi những cơn mưa cuối mùa ở miền Nam - thường vào tiết mang chủng tháng 10 âm lịch, cũng là lúc các loại cá trên đồng tìm đường ra sông...".
Bài thơ dựng lên một hình ảnh thiên nhiên Nam bộ đặc thù là mưa rước cá. Cái tên mưa dân dã ấy tự nó đã độc đáo. Mưa cuối mùa đang tưng bừng lễ hội. Bắc cầu giữa cánh đồng và dòng sông. Đón rước từng con cá nhỏ. Nước của đời sống bay trong điệu múa mời gọi. Nhưng mà cá đâu, cá đâu? Mưa cứ mải rơi, mải mưa.
Một hình ảnh thiên nhiên được đưa ra để gợi lên cái phi tự nhiên của cõi sống bị hủy hoại, cá đồng đã biệt tăm. Có lẽ không lâu nữa sẽ đến cá sông, cá biển... Hãy giật mình đi. Thiên nhiên đã mất hàng trăm triệu năm mới tạo ra được tăm cá và bóng chim đấy, tôi xin nhại giọng của văn hào Marquez - tác giả Trăm năm cô đơn.
Và cái cô đơn lần này hiện ra từ thiên nhiên đến thành phố:
Quả mướp dàiCon ong vụt đếnĐâu người tình xưa?
(Tôn Thất Thọ)
Người tình là hoa mướp mơn mởn nồng nàn hay quả mướp dài nặng nhọc lê thê? Điều gì đã xảy ra cho tình yêu vậy? Hoan lạc và khổ đau. Đắm say và chán chường. Bước đi tàn khốc của vô thường và bước đi vô tâm của cái gọi là người tình.
Nhảy trong lồngCon chim nhỏ nhìn qua chấn songCả bầu trời bị giam
(Hồ Thúy An)
Cũng như cá không về được với sông, ở đây chim không về được với trời. Dòng sông bị giam, bầu trời bị giam, thiên nhiên bị giam. Vầng trăng như bị treo cổ giữa cái giá treo là hai tòa nhà cao ốc:
Khoảng trống Hai tòa cao ốcNửa vầng trăng treo
(Trần Đức Việt)
Dẫu vậy, cái nhân gian tự đày đọa mình vẫn nhìn ra cái đẹp trong khoảng trống nhỏ hẹp ấy. Đó là haiku. Nó vẫn say sưa nhìn ngắm hoa đào, trăng sáng dẫu đang bước đi trên mặt đất lưu đày.
Haiku thích nhìn vạn sự qua đôi mắt trẻ thơ:
Trong chiếc chậuĐứa bé giật mình tỉnh giấcBơi qua mùa lũ
(Đoàn Văn Tiềm)
Nước Nhật có động đất. Việt Nam có lũ. Sức sống của trẻ thơ là diệu kỳ và bất tận. Chiếc chậu đủng đỉnh đưa đứa bé qua mùa lũ như thể bé là một bồ tát hiện thân. Vì bé chính là đời sống.
Đời sống cứ đi lên, băng qua mọi thảm họa kinh hoàng nhất:
Bé phơi nhiễm da camKhoe con bọ sắc xanh biêng biếcBập bẹ: "On... ánh... am"
(Tạ Thị Phương Đông)
Qua cái vẻ dường như vô tình, cái tình của thơ haiku hiện lên như một làn hương. Làn hương đó phảng phất quanh ta, từ từ thấm xuyên tâm hồn ta cho dù có thể ta không nhìn thấy nó.
Thơ haiku lần nay đang khởi sự đón gió tìm trầm.
Trao giải cuộc thi Sáng tác thơ haiku Việt - Nhật lần 3 Lễ trao giải cuộc thi Sáng tác thơ haiku Việt - Nhật lần 3 vừa diễn ra sáng nay 17-2 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Ở nội dung dự thi bằng tiếng Việt, giải nhất thuộc về tác giả Tôn Thất Thọ (cộng tác viên báo Xưa và Nay). Hai giải nhì thuộc về Lê Tiến Đạt (Hà Nội) và Lê Thị Phương Quyên (TP.HCM). Ở nội dung dự thi bằng tiếng Nhật, giải nhất thuộc về tác giả Mạnh Thị Lệ Chinh (phó tổng thư ký Hội Doanh nghiệp Việt - Nhật), giải nhì thuộc về Nguyễn Vũ Ngọc Ánh (SV ĐH Sư phạm TP.HCM).
Trong lần thứ ba tổ chức, với đề tài tự do, cuộc thi thu hút 1.675 bài thơ haiku sáng tác tiếng Việt và 110 bài thơ sáng tác bằng tiếng Nhật, được gửi bởi 608 thí sinh từ khắp các tỉnh thành cả nước. Cuộc thi do Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM phối hợp với báo Tuổi Trẻ, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức, dành cho người Việt Nam và người Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam, không giới hạn độ tuổi.
Thơ haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản, lịch sử hơn 400 năm, gồm 17 âm tiết 5-7-5, ngắt nhịp thành ba câu. Thơ haiku là nơi gửi gắm những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên, con người...
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận