Ban đầu khi đến Việt Nam, tôi rơi vào cảm giác bỡ ngỡ ngôn ngữ và văn hóa ở môi trường mới, nhưng tôi đã dần thích nghi và đặc biệt dành tình cảm lớn cho ẩm thực Việt Nam.
Một ngày nọ, tôi cùng người bạn Việt Nam tên Mai đến một quán phở hơi xa trung tâm TP.HCM. Ngay khi bước vào quán, tôi nghe tiếng chuyện trò vui vẻ, đa phần là khách bản địa, tôi có cảm giác đây là quán ăn ngon thực sự.
Chúng tôi đã gọi một bát phở bò được yêu thích nhất. Trong lúc chờ đồ ăn, Mai dạy cho tôi những câu mà những người trẻ Việt Nam thường viết: "Phải vui vẻ học thì mới học lâu được". Trong lúc chúng tôi đang học một cách thích thú thì phở được mang tới.
Tôi hít một hơi thật sâu để cảm nhận hương vị quyến rũ ấy trước khi nhấp thử một ngụm nước dùng đầu tiên, rất đậm đà. Sau đó, tôi ăn một miếng sợi phở dai, vị ngọt thanh lan tỏa trong miệng khiến tôi không kìm được cảm thán.
Vì tham lam nên tôi đã thử cho giá đỗ, hành tây, thịt vào miệng đầy rồi ăn thử. Ngoài cảm giác mềm mại, cảm giác giòn giòn còn nhiều màu sắc và tất cả hòa quyện với nhau tạo nên hương vị đầy sống động. Mai nhìn phản ứng của tôi và nở nụ cười nhẹ.
Thường thì tôi hay tránh xa các loại rau thơm, đặc biệt là mùi tàu, nhưng không hiểu sao hôm đó lại muốn thử một lần. Thật bất ngờ, mùi thơm của rau hòa vào nước dùng lại mang đến một tầng hương vị khác, tươi mới và độc đáo. Chính khoảnh khắc ấy đã làm tôi thay đổi hoàn toàn định kiến về rau thơm.
Hôm đó, tôi và Mai ăn phở chắc bụng xong, chúng tôi đi ăn món tráng miệng truyền thống của Việt Nam là chè. Hương vị ngọt ngào của chè, hòa cùng tiếng cười của hai chúng tôi, đã tạo nên một ngày thật trọn vẹn, một kỷ niệm mà tôi biết sẽ còn lưu mãi trong tim.
Trong khoảng thời gian sống ở Việt Nam, cũng có những lúc nỗi cô đơn bất chợt ùa về. Nhưng những khoảnh khắc như ngày hôm đó, được ăn phở và chuyện trò cùng bạn bè, dường như xua tan tất cả.
Phải chăng chính sự ấm áp từ tô phở đã an ủi tôi? Hay đó là hơi ấm từ tình người mà Mai mang lại? Tôi không chắc, nhưng điều tôi biết rõ là những kỷ niệm ấy đã trở thành động lực để tôi tiếp tục bước đi và khám phá hành trình của riêng mình.
Phở và ký ức về ngoại
Bà ngoại tôi thích phở.
Mỗi lần nhà tôi về ngoại, ba mẹ tôi lại ghé vào tiệm phở mua cho ngoại.
Ngoại tôi hiền lắm. Bà rất thương con cháu. Mỗi lần mẹ tôi mang phở đến, bà đều lấy thêm một cái bát, chia một ít phở trong bát của mình ra cho tôi ăn.
Tôi không nhớ lý do tại sao mẹ tôi không mua riêng cho tôi một bát nữa. Hình như mẹ đã từng như vậy, mua riêng cho tôi một bát khác, nhưng sau đó lại không làm thế nữa. Chắc bởi vì tôi chẳng bao giờ ăn hết một bát phở cho đến khi nó nở trương lên. Hoặc có lẽ vì tôi yêu cái cảm giác hạnh phúc khi bà chia phở cho tôi.
Hẳn là vì thế mà tôi rất thích về ngoại chơi chăng. Được ngoại yêu chiều đến thế, ai mà chẳng thích!
Thẳng đến tận khi ngoại mất, không, đến tận nhiều năm sau đó, đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những bát phở tôi được ăn cạnh ngoại. Những bát phở thời thơ ấu, quả là ngon lành và đầy tình yêu của ngoại nhất.
Ngoại tôi yêu Hà Nội, dù bà chưa từng được đặt chân đến nơi ấy. Ngoại nghe nói ở Hà Nội có Bác Hồ, ngoại tôi quý Bác lắm, như kiểu thần tượng mà ngày nay giới trẻ hay làm ấy.
Ngoại tôi có một tập truyện "Hà Nội băm sáu phố phường" của tác giả Thạch Lam, trong đó phần truyện thường xuyên được ngoại đọc nhất là "Phở".
Tôi không biết ngoại yêu phở vì Hà Nội, hay ngoại yêu phở vì chính hương vị của nó. Ngoại tôi hay bảo: "Phở là ký ức, là gắn bó, là tình yêu với Hà Nội, là tình nghĩa với quê hương".
Tôi lúc bốn, năm tuổi sao hiểu được những điều ấy. Tôi chỉ biết, ồ, phở ngon lắm.
Phở ngon thật.
Mỗi lần ăn phở, nhìn nước dùng trong vắt lại đậm đà, sợi phở đẫy đà trắng loáng dai mềm, tôi ước gì mình có thể thu nhỏ lại, nhảy vào trong bát phở, thế là mình có thể ăn được cả một thế giới phở luôn rồi.
Vậy nên tôi ăn chậm lắm. Ăn chậm để cảm nhận được hương vị của phở, của ký ức, của quê hương như lời bà ngoại tôi nói.
Tôi của bốn, năm tuổi là thế đấy.
Ngoài trời mưa lích rích, tôi vừa ôm đùi bà ngoại tôi, vừa chầm chậm ăn phở. Mẹ tôi mắng sao mà ăn lâu thế, thế là bà ngoại ôm tôi vào lòng, bà nhẹ nhàng cầm lấy bát đút cho tôi ăn. Tôi cười hì hì, ngoại đúng là tuyệt nhất!
Ngoại mất năm tôi sáu tuổi.
Thế là những bát phở của ngoại chỉ còn là kỷ niệm trong ký ức.
Tôi cũng hay vào mua phở ở quán xưa, quán phở mà mẹ tôi hay mua về cho ngoại.
Nhưng vài năm sau quán đó cũng đóng cửa.
Cả nhà tôi chưa có ai đến Hà Nội bao giờ.
Nhưng tôi biết sẽ có một ngày tôi đến Hà Nội, cầm theo tập truyện "Hà Nội băm sáu phố phường", thang lang khắp phố cùng ngõ hẻm, đi tìm bát phở trong mơ của ngoại.
PHAN THỊ THU HUYỀN
Cuộc thi viết Phở Việt trong mắt tôi
Nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam thuộc chương trình "Ngày của phở" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, cuộc thi viết "Phở Việt trong mắt tôi" được phát động nhân sự kiện Vietnam Phở Festival 2024, diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 5, 6-10 vừa qua.
Cuộc thi dành cho du học sinh Việt Nam, sinh viên Hàn Quốc đang học tập trong các trường đại học tại Hàn Quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc; là nơi để họ chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về phở, những kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam hoặc Hàn Quốc gắn liền với món phở, kỷ niệm về một nhân vật có thật, gắn bó hoặc có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.
Những bài viết hay, ấn tượng có cơ hội nhận giải:
1 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
1 giải nhì: Trị giá 10.000.000 đồng.
1 giải ba: Trị giá 5.000.000 đồng.
3 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt like cao nhất trên Tuổi Trẻ Online): Trị giá 10.000.000 đồng.
1 giải cho người có nhiều bài dự thi nhất: Trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức nhận bài dự thi trước 7-10-2024, dự kiến công bố giải vào ngày 12-12-2024.
Ngày của phở 12-12 là chương trình do báo Tuổi Trẻ khởi xướng và liên tục tổ chức từ năm 2017 đến nay. Từ năm 2018, ngày 12-12 chính thức được xác lập là "Ngày của phở Việt Nam".
Hiện "Ngày của phở" đã trở thành một hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực thường niên quan trọng, góp phần nâng tầm và lan tỏa mạnh mẽ món phở nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung ra khắp thế giới.
Trong "Ngày của phở", rất nhiều hoạt động được tổ chức như: cuộc thi Ký ức về phở; Hiến kế phát triển Ngày của phở; Triển lãm phở và Hành trình trở về phở xưa; Bình chọn những quán phở được ưa thích nhất hay cuộc thi ảnh và viết Phở trong tôi...
Đặc biệt cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon với danh hiệu Hoa hồi vàng thu hút nhiều đầu bếp trẻ tham gia và đoạt giải. Nhiều tổ chức, đơn vị, quán phở nổi tiếng ở khắp cả nước đã cùng hưởng ứng, đồng hành quảng bá cùng Ngày của phở 12-12 trong suốt 7 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận