Mamadou Gassama vẫn giữ được sự hồn hậu - Ảnh: AFP
Mamadou Gassama là tên trên giấy tờ "công dân Pháp" của Mamoudou (như cách bạn bè, người thân ở Mali vẫn gọi anh), vẫn giữ nét hồn hậu, chân thật của một thanh niên nông dân bên Mali. Vì thế giờ đây khi tiếp xúc với những người mới, anh vẫn thường đi cùng "mẹ đỡ đầu" Djeneba Keita là phó thị trưởng thành phố Montreuil ở ngoại ô Paris.
Đấy là nơi Mamadou đã sinh sống khi đặt chân đến nước Pháp vào cuối năm 2017. Đến tháng 5-2018, anh đã cứu sống đứa bé 4 tuổi đu lơ lửng trên bancông tầng 4 một tòa nhà ở phía bắc Paris. Đó là buổi chiều tối định mệnh 26-5-2018 đối với cuộc đời đầy gian truân của chàng trai nhập cư lậu không giấy tờ 22 tuổi.
"Tôi chạy. Tôi băng qua đường để cứu thằng bé. Tôi không nghĩ gì hết. Tôi cứ leo thẳng lên... Khi đã bắt đầu rồi, tôi được tiếp thêm can đảm để leo. Chúa cũng giúp tôi nữa. Ơn trời tôi cứu được đứa bé" - Mamadou kể lại khoảnh khắc đó cho Tổng thống Emmanuel Macron khi được ông mời đến Điện Elysée hai ngày sau đó.
Mamadou Gassama (phải) được mời đến gặp Tổng thống Pháp Macron tại Điện Elysée ngày 28-5-2018. Anh đã đến trong bộ cánh là chiếc quần jeans sờn cũ và áo sơmi giản dị - Ảnh: AFP
Đoạn phim quay cảnh cứu người phi thường của Mamadou diễn ra trong vòng chỉ 30 giây đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội và nhanh chóng được chia sẻ khắp thế giới. Nhiều người gọi anh là "người nhện đen", "người nhện châu Phi", anh hùng... với sự cảm phục và biết ơn.
Đài truyền hình Pháp làm tin về trường hợp Mamadou cứu người - Clip: YOUTUBE
Sau cuộc gặp với Tổng thống Macron, Mamadou được cấp quốc tịch Pháp như một cách nước Pháp thể hiện lòng biết ơn với hành động quả cảm của anh. Đó là sự đặc cách thay vì phải 5 năm ở Pháp mới được xét quốc tịch.
"Hành động đầy quả cảm đó là ví dụ minh chứng tiêu biểu cho việc một số giá trị góp phần nối kết các thành viên trong cộng đồng quốc gia như lòng can đảm, sự xả thân, lòng vị tha, sự chú tâm đến những trường hợp đang nguy kịch". Đó là những lời lẽ giải thích trong quyết định công nhận nhập tịch cho Mamadou do Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đặt bút ký.
Mamadou bỗng chốc trở thành một biểu tượng ở Pháp, một niềm hi vọng cho người nhập cư. Các đơn vị truyền thông săn đón đến mức chính quyền Montreuil phải đưa anh từ nơi ở là một khu tạm cư cho người nhập cư đến một khách sạn.
Sau đó, Mamadou được tổng thống Mali mời về quê nhà và được tiếp đón như anh hùng quốc gia. Anh được gặp lại cha ruột sau nhiều năm rời quê nhà lên đường tìm miền đất hứa ở châu Âu.
Mamadou còn được mời sang Bờ Biển Ngà là nơi anh từng có thời gian lưu trú trên con đường đi tìm ngõ sang châu Âu.
Cũng trong năm 2018, chàng trai chưa từng được đi học ở quê nhà Mali còn được tặng giải thưởng BET Awards của kênh truyền hình Black Entertainment Television (BET) trong hạng mục "Anh hùng nhân đạo" vì hành động dũng cảm tại Los Angeles (Mỹ), vốn tôn vinh hằng năm những người da màu có đóng góp cho cộng đồng.
Mamadou (thứ tư từ trái sang) nhận giải thưởng tại Los Angeles (Mỹ) của kênh truyền hình Black Entertainment Television (BET) - Ảnh: BET
Sau những giải thưởng và tôn vinh, Mamadou còn được chính quyền Montreuil cưu mang, cho đi học tiếng Pháp để nhanh chóng hòa nhập, được học nghề và thực tập với đội cứu hỏa, cứu hộ của Paris trong 10 tháng.
Đến nay, anh vẫn mơ ước trở thành nhân viên cứu hộ - giấc mơ anh đang tạm dừng vì phải chữa bệnh liên quan đến máu mắc phải.
Trong thời gian này, anh chuẩn bị cho một cuốn sách kể về cuộc đời anh, một thiếu niên rời nhà khi 15 tuổi, đi qua Burkina, Niger, Libya rồi từ đó vượt biển vào Ý.
Anh cũng nói mong ước học tiếng Pháp thật tốt và sau này sẽ mở một hiệp hội giúp đỡ những người nhập cư. Anh muốn nối dài giấc mơ có thật của đời mình.
Mamadou ngồi bên xe cứu hỏa của lực lượng cứu hộ, cứu hỏa Paris - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận