24/05/2018 12:24 GMT+7

Cuộc sống kinh hoàng phía sau đồi trà xanh mướt ở Ấn Độ

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Phụ nữ được thuê làm việc trên các đồn điền trà ở đông bắc Ấn Độ chỉ kiếm được chưa đến 50.000 đồng VN/ngày và hiện phải sống trong điều kiện "kinh hoàng" khi gần như không có nhà vệ sinh.

Cuộc sống kinh hoàng phía sau đồi trà xanh mướt ở Ấn Độ  - Ảnh 1.

Người lao động làm việc tại một cánh đồng trà ở bang Assam của Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Đó là một phần trong báo cáo vừa được công bố hôm 22-5. Theo hãng tin Reuters, cuộc điều tra được tiến hành bởi tổ chức từ thiện mang tên Traidcraft Exchange đến từ Anh cho thấy các lao động làm việc tại bang Assam nổi tiếng trồng trà của Ấn Độ chỉ được trả 137 rupee (chưa đến 50.000 đồng VN)/ngày.

Con số này thấp hơn mức lương tối thiểu 250 rupee/ngày của Ấn Độ vốn dành cho các lao động thiếu tay nghề. Đồng thời, hơn một nửa số người đang chịu cảnh bóc lột sức lao động như vậy là phụ nữ.

Assam, bang đông bắc Ấn Độ, là nơi sản xuất trà lớn nhất ở Ấn Độ. Các cánh đồng trà tại đây cung cấp trà cho nhiều thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Twinnings của Anh và Tetley.

"Những người phụ nữ hái trà cho chúng ta uống sống trong điều kiện kinh hoàng và được trả lương thấp thảm hại trong các đồn điền trà ở Assam" - bà Fiona Gooch, cố vấn chính sách của Traidcraft Exchange, mô tả.

Công nhân phải sống trong những nơi trú ngụ mục nát, mái nhà lỗ chỗ lỗ thủng. Họ có rất ít cơ hội và hầu như không được tiếp cận các hệ thống vệ sinh. Các lao động phải đi vào bụi rậm để đại tiện, theo báo cáo.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8-2017, cô Pinky Munda (25 tuổi) - đang mang thai 8 tháng vào thời điểm đó, cho biết 6 ngày mỗi tuần, các công nhân trà ở Assam như cô phải hái ít nhất 22 kg lá trà với đồng lương được trả là 137 rupee/ngày.

Hầu hết các đồn điền không có nhà vệ sinh, không có nước uống và nước sinh hoạt. Công nhân buộc phải đi tiêu trong các bụi cây trà và không có nước để rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Cuộc sống kinh hoàng phía sau đồi trà xanh mướt ở Ấn Độ  - Ảnh 2.

Ngôi nhà mà gia đình cô Pinky Munda được cấp trên đồn điền trà ở Assam không có phòng tắm và nước sinh hoạt tại chỗ - Ảnh chụp màn hình

Sau báo cáo trên, phía Twinnings và Tata Global Beverages - công ty sở hữu dòng sản phẩm Tetley, khẳng định họ hoàn toàn tuân thủ các quy định về việc thuê lao động, đồng thời đang nỗ lực cải thiện điều kiện sống tại các cánh đồng trà ở bang Assam.

Tuy nhiên, ông Stephen Ekka đến từ PAJHRA - một tổ chức từ thiện ở Assam đấu tranh đòi quyền lợi cho các công nhân trà, đã kêu gọi các công ty trà minh bạch hơn về cách họ thuê lao động.

Để bào chữa cho tình trạng lương thấp, chủ sở hữu của các đồn điền trà thường viện dẫn các lợi ích mà họ vốn phải đáp ứng theo quy định chẳng hạn như nhà ở, nhà vệ sinh, hỗ trợ y tế, hỗ trợ thức ăn…

Tuy nhiên, người lao động không hề được hưởng các lợi ích như những công ty này nói. Công nhân thường than phiền về các bữa ăn tại những đồn điền trà như thiếu thức ăn, ôi thiu… Tuy nhiên, các ông chủ vẫn phớt lờ khiếu nại.

Một số khác than phiền về việc thiếu thuốc uống cũng như thiếu nhân viên y tế bên trong các đồn điền. Điều đó buộc các lao động phải trả những khoản tiền đắt đỏ tại các bệnh viện bên ngoài chỗ làm.

Ông Nick Kightley đến từ tổ chức Ethical Trading Initiative (Anh) kêu gọi nhà chức trách Ấn Độ cần hành động kịp thời để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người lao động.

Trước tình trạng trên, ông Pallab Lochan, người đứng đầu cơ quan lao động và giới thiệu việc làm của bang Assam, đã hứa hẹn sẽ tăng lương và cải thiện điều kiện sống của người lao động lên "một số mức đúng đắn".

"Đến cuối tháng này, chúng tôi sẽ có một cuộc gặp cấp cao để đưa ra luật mới nhằm bảo vệ các công nhân trà" - ông Lochan đưa ra lời hứa.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên