27/06/2015 09:57 GMT+7

Cuộc kiếm tìm trong đêm

MY LĂNG - 
MINH PHƯỢNG
MY LĂNG - 
MINH PHƯỢNG

TT - Nhận được lệnh, tàu cảnh sát biển (CSB) 4031 xé màn đêm lao ra biển với tốc độ lên tới 25-28 hải lý/giờ (46-52 km/giờ) trong khi sóng cấp 5, gió cấp 6.

Tàu cảnh sát biển 4034 áp sáp con tàu khả nghi - Ảnh: Đức Định
Tàu cảnh sát biển 4034 áp sáp con tàu khả nghi - Ảnh: Đức Định

Bao vây tàu khả nghi

“Chúng tôi xuất phát trong đêm tối, lúc 20g30 ngày 21-11. Đi ra luồng Vũng Tàu ban ngày đã khó, đêm lại càng khó hơn. Đêm đấy xung quanh lại đang nạo vét luồng và khu vực này là khu vực dịch vụ dầu khí nên tàu bè ra vào liên tục và lại đi trong đêm. Trời tối mù. Tàu phải huy động tất cả anh em quan sát bằng rađa, mắt thường để tránh va chạm. Chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tư lệnh và bộ trưởng Bộ Quốc phòng là đi với tốc độ cao nhất trong điều kiện có thể để tìm kiếm tàu Zafirah” - đại úy Lê Hải Trường (thuyền trưởng tàu CSB 4031, biên đội trưởng biên đội tìm kiếm tàu Zafirah) nhớ lại.

Khoảng hai giờ sau khi tàu CSB 4031 xuất phát, tại sở chỉ huy trong đất liền, lúc 22g07 Cục CSB nhận được bức điện từ Trung tâm Thông báo cướp biển Cục Hàng hải quốc tế (IBM) cho biết: “Tàu Zafirah đang cách Vũng Tàu 60 hải lý. Với tốc độ hiện tại là 5 hải lý/giờ, tàu rất có thể tiếp cận mục tiêu xả hàng trong vòng 12 giờ tới. Chúng tôi chuyển tiếp thêm thông tin về tàu, về miêu tả nhận dạng: có một “máy phát điện bờ” trên mũi tàu, một máy phát điện trong khoang lái, đối diện với khoang chứa bọt”.

Đây là những thông tin rất quý để nhận dạng tàu bị cướp biển tấn công.

2g30 sáng 22-11, biên đội tàu CSB 4034, 4031 đã có mặt ở khu vực được chỉ thị. Hai tàu cách nhau chỉ 1-2 liên (200 - 300m), triển khai đội hình tìm kiếm tàu bị cướp. Đêm tối, trời lại mù. Biên đội tàu CSB cứ lặng lẽ lùng sục mục tiêu trong bóng đêm.

Một số mục tiêu khả nghi hiển thị trên màn hình rađa cuối cùng lại chỉ là tàu chở hàng bình thường. Đến 3g30 sáng, tại tọa độ 9°50'10'' vĩ độ bắc - 107°19'55" kinh độ đông, cách nam - đông nam mũi Ô Cấp (TP Vũng Tàu) 36 hải lý, màn hình rađa hai tàu CSB hiển thị một mục tiêu rất đáng nghi.

Mục tiêu này liên tục di chuyển ziczăc, vận tốc và hướng đi thay đổi liên tục. Bằng kinh nghiệm trong những lần diễn tập thực binh và kiến thức đã học, thuyền trưởng Lê Hải Trường quyết định tiếp cận gần mục tiêu này. Anh thông báo cho đại úy Nguyễn Tuấn Hải - thuyền trưởng tàu CSB 4034 - di chuyển về sát tàu mình.

Hai tàu CSB Việt Nam cơ động xung quanh con tàu khả nghi, bật đèn pha, quan sát để nhìn màu sơn, cấu trúc boong, tên tàu, số IMO. Cái khó là làm sao cơ động đến mức gần nhất để nhìn được cấu trúc boong và màu sơn. Trong đêm đen rất nguy hiểm để tiếp cận một tàu đang nằm trong diện nghi vấn. Biên đội tàu CSB 4031 và 4034 nhận được chỉ đạo phải cố gắng áp sát đến mức tối đa để quan sát và đưa ra được nhận định.

Khi đến gần mục tiêu nghi vấn, đèn pha của tàu CSB 4031 chiếu thẳng vào cabin nhưng tàu lạ không hề có động tĩnh. Trong các trường hợp khác, khi thấy tàu của CSB có hành động tương tự, các ngư dân hoặc thuyền trưởng thường hỏi lý do tại sao. Sự im lặng của con tàu càng khiến các chiến sĩ CSB đặt ra nhiều nghi vấn. Thuyền trưởng Lê Hải Trường lên máy bộ đàm qua kênh 16.

“Chúng tôi là lực lượng CSB Việt Nam đang đi tuần tra, kiểm tra. Đề nghị tàu phía trước cung cấp thông tin tên tàu, hướng đi, vận tốc, cảng đi, cảng đến, vì sao lại thay đổi hướng như vậy, đi vào khu vực này có nhiệm vụ gì...” - giọng người thuyền trưởng rắn rỏi vang lên.

Đáp lại lời của thuyền trưởng Lê Hải Trường là sự im lặng.

Anh phải nhắc lại lần thứ hai.

Phía bên kia có tiếng trả lời qua máy bộ đàm, giọng nói ngập ngừng, nhát gừng. Và những thông tin cần thiết như cảng đi, cảng đến, lượng nhiên liệu, chở cái gì... thì họ lại không trả lời. Kênh 16 là kênh thông tin quốc tế. Các tàu đi trên biển đều phải mở kênh này 24/24 giờ và khi lực lượng chức năng kiểm tra, hỏi thì phải trả lời. Theo quy định quốc tế, tàu nào không trả lời kênh này là tàu bị nghi vấn.

Thượng úy Lê Hải Trường lặp lại những câu hỏi một lần nữa thì nhận được những câu trả lời không khớp so với lúc đầu. Hai vị thuyền trưởng hội ý với nhau. Thượng úy Lê Hải Trường lập tức báo cáo về sở chỉ huy Cục CSB. Đại tá Nguyễn Quang Đạm chỉ đạo ngắn gọn: Yêu cầu gặp trực tiếp thuyền trưởng.

Khi thượng úy Lê Hải Trường nhắc lại những câu hỏi thì vị “thuyền trưởng” lại trả lời lắp bắp và không đúng với những gì họ nói trước đó. Lần trước nói họ đi đến Trung Quốc. “Thuyền trưởng” lần này lại trả lời tàu đi đến Singapore.

Những dấu hiệu này rõ ràng rất bất thường.

Không phải Zafirah?

Biên đội tàu báo cáo về sở chỉ huy: “Nhận định ban đầu đây là tàu nghi vấn”, thì nhận được lệnh từ Cục trưởng Nguyễn Quang Đạm: “Bao vây, ép cho tàu phải thả neo tại vị trí”. Để đảm bảo an toàn, cục trưởng CSB Việt Nam ra lệnh cho hai tàu 4031 và 4034 chiếm lĩnh vị trí hai bên mạn tàu lạ ở khoảng cách ngoài tầm súng AK, khống chế chờ trời sáng để xác minh.

Và đó là một đêm đầy căng thẳng. Trong suốt đêm đó, trong khi đợi tàu CSB 9001 đến hỗ trợ, biên đội tàu CSB 4031 và 4034 phải căng mình làm nhiệm vụ: bằng mọi giá phải giữ được tàu nghi vấn neo tại vị trí! Suốt từ 3g30, biên đội tàu CSB Việt Nam liên tục chạy vây xung quanh, áp sát cho tàu nghi vấn không được cơ động và lên kênh 16 thông báo yêu cầu tàu này dừng. Con tàu nghi vấn luôn im lặng, bất hợp tác, tiếp tục di chuyển.

Lệnh của sở chỉ huy là phải đọc được số IMO và tên tàu lạ. Như vậy phải vào sát rạt mục tiêu, chỉ cách 30-50m. Cấu trúc boong, hình dáng tàu này giống như tàu mà Trung tâm Thông báo cướp biển Cục Hàng hải quốc tế IBM tại Malaysia và hải quân Singapore cung cấp.

Nhưng khi lực lượng CSB bật đèn chiếu laser nhìn đêm thì thấy tàu có tên là MT Seahorse, quốc tịch Honduras, số IMO 9016081. Chỉ kịp lấy hai thông tin này, tàu CSB 4031 phải cơ động ra xa khoảng cách 200 - 500m (ngoài tầm bắn của súng AK) để giữ an toàn và cùng với tàu CSB 4034 lập đội hình bao vây.

“Chúng tôi đã xác định trong đêm có thể họ sẽ cắt neo bỏ trốn. Các tàu 100% quân số đều thức, cứ cơ động xung quanh mục tiêu, sẵn sàng cắt mũi, chặn không cho tàu này cơ động. Anh em căng mắt quan sát qua rađa và đèn pha. Anh em lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng nên suốt đêm rất căng thẳng” - thuyền trưởng Lê Hải Trường kể.

Quá trình giằng co đó kéo dài cho đến lúc tàu CSB 9001 ra hiện trường yểm trợ. Biên đội ba tàu CSB phải cắt mũi sát và yêu cầu liên tục qua kênh 16. Lúc này tàu nghi vấn mới chịu thả neo. Khi đó đã 6g30 sáng 22-11.

Thuận lợi lớn nhất lúc này là trời đã sáng nên lực lượng CSB có thể quan sát thật sự bằng mắt thường. Tàu treo cờ Honduras. Phía đuôi tàu sơn chữ màu trắng. Thuyền trưởng Lê Hải Trường lấy ống nhòm quan sát kỹ.

Khi anh zoom cận vào hai dòng chữ ở đầu (MT Sea Horse Honduras) và đuôi tàu thì phát hiện những vết lem và không sắc nét như bình thường, chứng tỏ những dòng chữ này mới được sơn và sơn rất vội. Cấu trúc boong, hình dạng tàu không khác gì tàu Zafirah.

Nhưng sơn mạn và cabin, tên tàu, số IMO, số lượng thuyền viên, quốc tịch... lại không giống tàu bị cướp. Tuy nhiên, trong khu vực lúc đó chỉ có mỗi con tàu này có những động thái bất thường.

Giữa lúc đó thì sở chỉ huy Cục CSB nhận được một thông tin rất bất ngờ và vô cùng giá trị...

Vấn đề quan trọng nhất lúc này là làm sao xác định chính xác tàu MT Sea Horse có phải là tàu Zafirah đã bị bọn cướp biển sơn lại tên và đổi số IMO hay không?

“Khi bắt giữ một chiếc tàu hay phương tiện bị tình nghi là cướp biển mà không có lý do đầy đủ, quốc gia nào đã tiến hành việc bắt giữ đó phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hay thiệt hại do hành động đó gây ra đối với quốc gia mà tàu hay phương tiện đó mang quốc tịch” - thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết.

__________________

Kỳ tới: Lệnh nổ súng

MY LĂNG - 
MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên