22/08/2021 09:27 GMT+7

Cuộc đua tiêm vắc xin cho trẻ nóng dần

TS TRẦN MINH TRANG (Đại học Ghent, Bỉ)
TS TRẦN MINH TRANG (Đại học Ghent, Bỉ)

TTO - Với sự xuất hiện của biến thể Delta, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh và chết vì COVID-19 có xu hướng tăng cao gần đây. Để bảo vệ các em, bảo vệ cộng đồng, nhiều nước đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho nhóm tuổi này.

Cuộc đua tiêm vắc xin cho trẻ nóng dần - Ảnh 1.

Một em trai tiêm vắc xin Sinovac tại thành phố Pekanbaru, tỉnh Riau, ngày 9-7 trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng mở rộng của Indonesia - Ảnh: AFP

Xu hướng đáng lo ngại về dịch COVID-19 ở trẻ em đã được ghi nhận ở Mỹ khi thống kê vào cuối tháng 7 cho thấy có đến 18% số ca mắc COVID-19 là trẻ em (0-17 tuổi), trong đó hơn 350 em đã chết. COVID-19 cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 trẻ em Indonesia, 1.500 trẻ em Ấn Độ và hơn 2.000 trẻ em Brazil.

Tại Việt Nam, xu hướng trẻ em mắc COVID-19 cũng đang tăng. Theo Bộ Y tế, vào đầu tháng 8 có đến 5% trong tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. May mắn là chưa có trường hợp nào tử vong.

Vắc xin nào cho trẻ em?

Trước tình hình đó, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Úc và Israel đã gấp rút triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ tháng 6. Trong khi đó, tại Anh ngày 19-7, các cố vấn về vắc xin đã khuyến cáo nên hoãn tiêm vắc xin cho hầu hết thanh niên dưới 16 tuổi tại Anh, với lý do tỉ lệ mắc bệnh nghiêm trọng ở nhóm tuổi này rất thấp.

Hiện tại, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày. FDA lần đầu cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này cho người từ 16 tuổi trở lên vào cuối năm 2020.

Nghiên cứu đã chỉ ra vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 ở trẻ em từ 12-15 tuổi. Nghiên cứu trước đây cho thấy vắc xin này có hiệu quả bảo vệ 95% ở những người từ 16 tuổi trở lên, và hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng do biến thể Delta lên tới 96%.

Ngoài ra ngày 23-7, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã cấp phép dùng khẩn cấp vắc xin Moderna cho trẻ em từ 12-17 tuổi với hai mũi tiêm cách nhau ít nhất 4 tuần. 

Nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ 12 -17 tuổi tiêm vắc xin Moderna sinh miễn dịch kháng SARS-CoV-2 tương đương với nhóm 18-25 tuổi. Trong số 2.163 trẻ tiêm vắc xin này, không có trường hợp nào mắc COVID-19. Trong khi đó, nhóm trẻ tiêm giả dược có 4/1.073 trẻ mắc COVID-19.

Cho đến nay, tại Mỹ và châu Âu chưa có vắc xin nào được cấp phép sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Các thử nghiệm an toàn và hiệu quả của hai loại vắc xin do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển đang được thực hiện trên nhóm tuổi này. Hy vọng các kết quả sẽ được công bố sớm vào mùa thu năm nay.

Dù vậy, một trong những nước đầu tiên đã phê chuẩn vắc xin dành cho trẻ dưới 12 tuổi là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ngày 2-8, UAE phê chuẩn dùng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi sau khi đã phê chuẩn vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi trong tháng 5. Trung Quốc cũng đã phê chuẩn vắc xin COVID-19 của Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi.

Vì sao trẻ em cần tiêm?

Có 3 lợi ích chính vắc xin COVID 19 mang lại cho trẻ. Thứ nhất, vắc xin giúp ngăn nguy cơ nhiễm COVID-19. Dù COVID-19 ở trẻ em đôi khi nhẹ hơn người lớn nhưng một số em có thể bị nhiễm trùng phổi nặng, bệnh nặng và phải nhập viện. Các em cũng có thể gặp các biến chứng cần chăm sóc đặc biệt, hoặc các triệu chứng kéo dài gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, trong một số trường hợp có thể tử vong.

Thứ hai, vắc xin giúp ngăn ngừa hoặc giảm sự lây lan của virus. Giống như người lớn, trẻ em cũng có thể phát tán virus nếu mắc bệnh, ngay cả khi không có triệu chứng. Tiêm vắc xin COVID-19 giúp bảo vệ trẻ và những người khác, giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác, bao gồm người nhà và bạn bè, nhất là những người có nguy cơ bị nặng. Do đó, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em cũng là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thứ ba, tiêm vắc xin COVID-19 có thể giúp ngăn chặn các biến thể khác xuất hiện. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, đã xuất hiện nhiều biến thể của SARS-CoV-2. Trong đó, biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn các phiên bản trước đó.

Việc mắc COVID-19 đang gia tăng ở trẻ em dường như có liên quan đến biến thể Delta. Giảm lây lan virus bằng tiêm vắc xin cũng góp phần giảm nguy cơ virus đột biến thành các biến thể mới nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, việc tiêm chủng không đầy đủ, nghĩa là không tiêm mũi thứ 2 (đối với vắc xin cần tiêm 2 mũi), cũng sẽ tạo cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện.

Tóm lại, tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể ngăn diễn tiến bệnh nặng và giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện nay vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech được ưu tiên sử dụng vì cho thấy hiệu quả và an toàn.

Trong giai đoạn chờ đợi Bộ Y tế phê chuẩn và triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em ở Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em càng nên được chú trọng tối đa.

Lưu ý tác dụng phụ

Giống như nhiều vắc xin khác, vắc xin ngừa COVID-19 có thể có một số tác dụng phụ với trẻ em. Một số tình trạng thường gặp giống như người lớn gồm đau, đỏ và sưng tấy chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt và buồn nôn. Đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang được bảo vệ.

Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hằng ngày của trẻ, nhưng thường nhẹ và sẽ biến mất sau một vài ngày. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ. Không nên cho trẻ uống thuốc giảm đau trước khi tiêm chủng với mục đích ngăn ngừa các phản ứng phụ.

Số ca trẻ em nhập viện vì COVID-19 tăng kỷ lục ở Mỹ Số ca trẻ em nhập viện vì COVID-19 tăng kỷ lục ở Mỹ

TTO - Mỹ đang ghi nhận số ca trẻ em nhập viện do COVID-19 tăng kỷ lục, đặc biệt trong khu chăm sóc tích cực (ICU), trong bối cảnh biến thể Delta đang hoành hành trên cả nước.

TS TRẦN MINH TRANG (Đại học Ghent, Bỉ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên