17/02/2019 12:15 GMT+7

Cuộc đua âm lượng

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Ta vẫn thường nghe những người hoài cổ phàn nàn rằng âm nhạc hình như ngày càng ầm ĩ. Đó không chỉ là một nhận xét cảm tính, mà quả thực âm nhạc hiện đại đang trải qua một cuộc "cải tổ" lớn về độ lớn của âm thanh.

Cuộc đua âm lượng - Ảnh 1.

Childish Gambino (Donald Glover) trong video This is America. Anh chiến thắng hai giải quan trọng nhưng không có mặt tại lễ trao giải Grammy lần 61 - Ảnh: NBC News

Các chuyên gia âm nhạc thậm chí còn đặt tên cho nó bằng thuật ngữ "chiến tranh âm lượng" (loudness war).

Âm lượng ở đây không nói đến thước đo đề-xi-ben, mà nó ám chỉ khoảng cách của một dải âm thanh, từ âm thanh nhỏ nhất tới âm thanh lớn nhất. Thực tế, chính khoảng cách này là nhân tố quyết định một ca khúc có ồn hay không.

Hãy đem hai ca khúc được vinh danh tại Grammy ra so sánh. Nếu như This is America của Childish Gambino - ca khúc vừa giành hai giải thưởng quan trọng là ghi âm và bài hát của năm - có một dải âm thanh rất hẹp, cứ nửa giây một lần lại đạt đến cực đại âm thanh, thì ca khúc The first time ever I saw your face của Roberta Flack - cũng nhận đúng hai giải thưởng trên vào 46 năm trước - lại có một dải âm thanh rộng, lên bổng xuống trầm.

This is America không phải trường hợp cá biệt. Trong danh sách 8 ca khúc được đề cử giải ghi âm của năm, ca khúc nào cũng "ồn ĩ" thế, từ các nhạc phẩm rap như God’s Plan của Drake, All the stars của Kendrick Lamar và SZA cho đến The Joke của Brandi Carlile, một ca khúc Americana nghe qua thì hết sức cổ điển. Chỉ có duy nhất Shallow của Lady Gaga và Bradley Cooper là được xử lý theo cách cũ.

Mà không riêng gì các nghệ sĩ trẻ rơi vào vòng xoáy của cuộc đua âm lượng. Những ai còn chịu khó nghe Bob Dylan, Led Zeppelin, Paul McCartney, Metallica sẽ thấy rằng các album thế kỷ 21 của họ cũng ồn ào chẳng kém. 

Hồi Metallica phát hành Death Magnetic, 10.000 người hâm mộ còn biểu tình đòi ban nhạc... remix lại album.

Nguyên nhân chiến tranh âm lượng được đổ cho sự ra đời của compressor, một thiết bị xử lý tín hiệu giúp mang lại sự cân bằng về âm lượng. 

Compressor khiến âm nhạc nghe mềm mại hơn, nhưng lại lấy đi những khoảnh khắc cực khoái của đôi tai.

"Âm thanh của cú đánh sắc gọn vào mặt chiếc trống lẫy không còn nữa, mà giờ nó nghe như thể ai đó gõ lên một miếng da độn vậy" - kỹ sư Bob Ludwig bày tỏ. Ludwig, 40 năm qua, là người thẩm định chất lượng âm thanh cho album của Jimi Hendrix hay Tony Bennett trước khi chúng sẵn sàng ra lò. 

Trong quá khứ, chỉ những kỹ sư chuyên ngành như Bob Ludwig có khả năng điều chỉnh compressor. 

Nhưng công nghệ mới cho ra đời các thiết bị compressor quá thông minh, khiến cho thời buổi này ai cũng có thể làm chủ được kỹ thuật trên. 

Nhưng quan trọng hơn, người ta dùng compressor "quá liều" vì tin rằng một ca khúc với âm thanh "phô trương" sẽ bắt tai hơn.

Bạn có thể phản đối rằng những album bán chạy nhất mọi thời đại như Greatest Hits của The Eagles có một dải âm thanh rộng khủng khiếp. Song đó là chuyện của quá khứ. 1989 - đỉnh cao của Taylor Swift và là một trong những album bán chạy nhất của thế kỷ 21, rất ồn ào. 

Trong một thời đại khác, con người ta học cách nghe nhạc khác.

Người hâm mộ ngày nay chủ yếu nghe nhạc qua tai nghe và những thiết bị vi tính rẻ tiền.

Mà chiếc iPod bé nhỏ thì không thể nào sánh được với những dàn máy âm nhạc đồ sộ cổ xưa, và rất tự nhiên, compressor trở thành một vị cứu tinh và được coi là có thể quyết định sự thành bại về mặt thương mại của một bài hát.

Hồi hộp đợi chủ nhân "Bài hát của năm" ở Grammy 2019 Hồi hộp đợi chủ nhân 'Bài hát của năm' ở Grammy 2019

TTO - Shallow của Bradley Cooper và Lady Gaga tiếp tục là ứng cử viên nặng ký cho giải 'Bài hát của năm' tại Grammy 2019, sau khi đã giành chiến thắng tại hạng mục 'Nhạc phim hay nhất' tại Quả Cầu Vàng vào đầu tháng 1.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên