23/06/2014 08:28 GMT+7

Cuộc chiến ứng dụng tin nhắn ở Đông Nam Á

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hồi tháng 2-2014, thế giới công nghệ chấn động với tin Facebook mua lại WhatsApp Messenger với giá 19 tỉ USD.

j7ZMOzhn.jpg
Các ứng dụng tin nhắn miễn phí không thể thiếu đối với người sử dụng smartphone - Ảnh: AFP

Nhưng ở Đông Nam Á, ứng dụng tin nhắn thu hút hơn 500 triệu người sử dụng này vấp phải sự cạnh tranh dữ dội của các đối thủ khu vực.

Bất kỳ ai sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) tại Đông Nam Á hiện nay cũng có thể lựa chọn nhiều ứng dụng tin nhắn miễn phí khác nhau, từ WhatsApp, Line của Naver Corp (Nhật), Kakao Talk của Kakao Corp (Hàn Quốc), hay WeChat của Tecent Holdings (Trung Quốc). Viber mới được công ty Nhật Rakuten mua lại, trong khi Zalo của Tập đoàn VN VNG Group cũng đang phát triển nhanh chóng. Giới công nghệ nhận định Đông Nam Á đang trở thành một chiến trường khốc liệt giữa các ứng dụng tin nhắn.

Hiện tại, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ở Đông Nam Á chưa quá nhiều. Báo Wall Street Journal (WSJ) cho biết theo khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường Niesel, chỉ 50% người sử dụng điện thoại di động ở Thái Lan dùng điện thoại thông minh, ở Indonesia là 23%, Philippines 15%... Nhưng tiềm năng của thị trường Đông Nam Á 600 triệu dân này là cực lớn. Khảo sát của Hãng One Device Research năm 2013 cho thấy ở Indonesia người sử dụng smartphone tải trung bình 4,2 ứng dụng tin nhắn, cao gấp đôi tại Mỹ.

Cạnh tranh gay gắt

“Chúng tôi muốn địa phương hóa và tập trung sự chú ý vào từng chi tiết, tối ưu hóa dịch vụ cho từng đất nước” - WSJ dẫn lời giám đốc Line Takeshi Idezawa cho biết. Ở Malaysia, những người sử dụng WeChat có thể được giảm giá khi uống trà của chuỗi cửa hàng Chatime. Tại Indonesia, WeChat tài trợ các chương trình truyền hình như “Thần tượng Indonesia”.

Guardian trích lời một số chuyên gia công nghệ nhận định tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, các hãng công nghệ khu vực đang trực tiếp thách thức các đối thủ phương Tây trong lĩnh vực tin nhắn và mạng xã hội.

WeChat của Tecent hiện có 450 triệu người sử dụng ở Trung Quốc và 150 triệu ở nước ngoài. Kakao Talk hiện có hơn 130 triệu người sử dụng và có mặt trên 95% smartphone tại Hàn Quốc, đạt doanh số 200 triệu USD năm 2013. Line đã có 360 triệu người sử dụng, đạt doanh số 338 triệu USD năm 2013 và 156 triệu USD trong quý vừa qua. Có tin đồn Line đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu đợt đầu (IPO) với tổng giá trị ước tính lên đến 28 tỉ USD. Hồi tháng 2, Tập đoàn Nhật Rakuten đã mua lại ứng dụng Viber của Hãng Viber Media (Cyprus) với giá 900 triệu USD. Trong khi đó, ứng dụng Zalo của VNG Group đã thu hút được 10 triệu người sử dụng trong nước kể từ khi ra mắt vào năm 2012, tuy nhiên vẫn đang chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.

“Đây là cuộc chiến rất nóng bỏng tại Đông Nam Á - WSJ dẫn lời nhà phân tích Neha Dharia thuộc Hãng nghiên cứu Ovum nhận định - Các ứng dụng tin nhắn miễn phí là rất quan trọng”.

Dù các ứng dụng tin nhắn là miễn phí, ngành kinh doanh này vẫn đem lại lợi nhuận lớn bởi phần lớn người sử dụng thường xuyên bỏ tiền mua các dịch vụ bổ sung, ví dụ như hàng hóa ảo cho các trò chơi và hình dán (sticker) gửi kèm trong các tin nhắn.

Địa phương hóa và tham vọng toàn cầu

Dù đang chiếm vị thế mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu với hơn 500 triệu người sử dụng, WhatsApp vẫn chưa xâm nhập sâu được vào Đông Nam Á. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân xuất phát từ việc các ứng dụng cạnh tranh luôn phát triển để thích ứng với nhu cầu nội địa ở từng quốc gia trong khu vực. Ví dụ, ở Thái Lan Line thu hút 27 triệu người sử dụng bằng cách tạo ra các sticker đặc thù cho thị trường này. Tại Indonesia, nơi có 20 triệu người sử dụng, Line phát triển một số sticker hình nhân vật hoạt hình để thu hút bộ phận người Hồi giáo. Trong lễ Ramadan, các hình sticker trên Line hoặc cầu nguyện, hoặc ăn mừng với pháo hoa.

Các lãnh đạo của Viber và Kakao Talk đều xác định các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Việt Nam hay Indonesia là thị trường quan trọng của họ. Tuy nhiên, các ứng dụng tin nhắn châu Á còn có tham vọng thách thức vị thế của WhatsApp và Facebook trên phạm vi toàn cầu. Theo WSJ, Line và WeChat đang có tham vọng tấn công thị trường Mỹ Latin và Tây Ban Nha. Trong chiến dịch quảng cáo toàn cầu, WeChat đã thuê siêu sao bóng đá Lionel Messi. Line đặt tham vọng sẽ thu hút 500 triệu người sử dụng toàn cầu trong năm 2014.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên