09/03/2021 10:02 GMT+7

Cuộc chiến thầm lặng với bệnh sốt xuất huyết của vị bác sĩ 'tỉnh lẻ'

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TTO - Lặng lẽ làm việc ở 'tỉnh lẻ', lặng lẽ tìm tòi, nghiên cứu, thầy thuốc nhân dân Tạ Văn Trầm đã có nhiều đóng góp trong cuộc chiến chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em.

Cuộc chiến thầm lặng với bệnh sốt xuất huyết của vị bác sĩ tỉnh lẻ - Ảnh 1.

Giáo sư Trầm (trái) tại Đại hội Đảng lần thứ 13 - Ảnh: NVCC

Ông là nguồn cảm hứng và động viên cho tất cả thầy thuốc ở tuyến cơ sở có tâm huyết với nghề, phấn đấu vươn lên.

Sự lựa chọn vì trẻ em quê hương mình

Bệnh trẻ em ở Tiền Giang giống như các tỉnh sông nước khác ở miền Tây. Vào thời điểm năm 1989, sốt xuất huyết hoành hành. Theo các tài liệu y học thì Tiền Giang là "cái nôi" của bệnh sốt xuất huyết, các nhà khoa học ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên của Việt Nam đã xảy ra tại xã An Hữu, huyện Cái Bè vào năm 1958. 

Từ đó về sau, bệnh sốt xuất huyết như bóng ma bao phủ lên khắp khu vực Nam Bộ, được bà con gọi bằng một cái tên khá u ám là "ban đen", nếu chẳng may bị ban đen là đồng nghĩa với cái chết. 

Tỉ lệ tử vong, theo thống kê thời điểm đó, là từ 15 - 20%. Số lượng này thật khủng khiếp, vì cứ mười bé nhập viện do bệnh sốt xuất huyết thì có đến hai bé chết. Mỗi ngày bệnh nhân sốt xuất huyết trẻ em tràn ngập khoa nhi, nằm ra cả hành lang của khoa, và rất đau lòng là không có đêm nào mà không có ca sốt xuất huyết bị tử vong.

Cốt lõi nguyên nhân tử vong của bệnh sốt xuất huyết là sốc trụy tim mạch và chảy máu. Đây là hai cánh cửa tử của thần chết mà người thầy thuốc phải lèo lái làm sao để giúp các bé vượt qua một cách bình an.

Cuộc chiến thầm lặng với bệnh sốt xuất huyết của vị bác sĩ tỉnh lẻ - Ảnh 2.

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ thực tế này mà BS Tạ Văn Trầm, khi ấy dù còn rất trẻ, mới 24 tuổi, đã có ý thức tham gia cuộc chiến chống lại căn bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ lựa chọn dấn thân vào con đường chống lại một căn bệnh phổ biến và nguy hiểm của trẻ em ở quê hương mình. 

Người ta thấy BS Trầm lúc nào cũng có mặt ở phòng cấp cứu của khoa nhi, anh tỉ mỉ khám bệnh, tự tay đo huyết áp, bắt mạch, điều chỉnh tốc độ dịch truyền. Những buổi tối trực, anh luôn túc trực, theo dõi sát những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

BS Tạ Văn Trầm ngày đó nay đã là GS Trầm. Ông luôn là chỗ dựa cho chúng tôi khi gặp những tình huống bệnh nặng, kết hợp với sự tham vấn của các thầy cô ở bệnh viện tuyến trên, rất nhiều bệnh nhân nặng đã được điều trị thành công.

Sau hơn mười năm lăn lộn với công tác điều trị, đề tài năm 2004 - "Các yếu tố liên quan đến sốc sốt xuất huyết Dengue kéo dài ở trẻ em" - của bác sĩ Tạ Văn Trầm đã mở ra cánh cửa khả thi để có thể cứu sống các trường hợp sốc kéo dài và đã xác định được các biện pháp cụ thể để ngăn ngừa, điều trị thích hợp.

Ngày nay, bệnh sốt xuất huyết ở Tiền Giang có tỉ lệ tử vong trong những năm gần đây đều dưới 0,1%, có nghĩa là phải trên một ngàn ca mắc sốt xuất huyết thì mới có thể có một ca tử vong. Đáng mừng hơn là có một vài năm không có ca bệnh sốt xuất huyết tử vong.

Cuộc chiến thầm lặng với bệnh sốt xuất huyết của vị bác sĩ tỉnh lẻ - Ảnh 3.

BS Tạ Văn Trầm

Góp phần vào cuộc chiến chống dịch bệnh

Hiện tại, với vai trò là giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, GS Tạ Văn Trầm đã lãnh đạo đơn vị nâng cao chất lượng chuyên môn cho tất cả các khoa lâm sàng, nhất là chuyên khoa nhi. 

Bệnh viện đã thành lập nhiều khoa mới, trong đó có khoa hồi sức tích cực và chống độc nhi - một chuyên khoa sâu trong lĩnh vực cấp cứu các bệnh nặng trẻ em, chú trọng đào tạo nhân lực chuyên môn, đạt chỉ tiêu tất cả nhân viên trong khoa đều có khả năng thao tác thành thục các kỹ thuật hồi sức cấp cứu như đặt nội khí quản thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter động mạch có hướng dẫn của máy soi mạch máu... Nhất là đã có máy siêu âm tĩnh mạch chủ dưới, để tiến hành siêu âm ngay tại giường bệnh nhằm theo dõi lượng dịch cơ thể đủ hay thiếu, từ đó có biện pháp xử trí chính xác hơn xưa. 

Còn đối với kỹ thuật lọc máu liên tục, một kỹ thuật hiện đại, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và trang thiết bị y tế và triển khai cấp cứu nhiều bệnh nhân nặng.

Một lời góp ý, cứu một mạng người

Trong một đêm trực cuối năm 1993 của tôi có một ca sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhân là một bé gái 12 tuổi, bị béo phì, mới sốt năm ngày. Bé xuất hiện triệu chứng ói, đau bụng, vào viện trong tình trạng tay chân lạnh, huyết áp tụt. Diễn tiến bệnh của bé rất phức tạp: biểu hiện sốc kéo dài, tràn dịch màng bụng, màng phổi nhiều.

Mặc dù đã được truyền dịch cao phân tử, thuốc trợ tim, thở oxy, nhưng sau 6 giờ huyết áp bé vẫn chưa lên, mạch còn nhẹ lắm. Tôi làm mọi cách để đưa cháu ra khỏi sốc. Nhưng sau đó bé xuất hiện dấu hiệu thở ì ạch, bứt rứt.

Tôi quyết định hội chẩn với BS Trầm. Giữa khuya đang nghỉ ở nhà, BS Trầm tức tốc chạy vô bệnh viện giúp tôi. Hai anh em xem xét kỹ lưỡng các xét nghiệm, rồi khám cẩn thận lại cho bé. BS Trầm nói với tôi là có thể cháu bị sốc kéo dài ngoài lý do thất thoát huyết tương và độc lực virus, còn do bé có cơ địa béo phì, có thể do mất máu nữa dù mình không thấy chảy máu ra ngoài, nên đề nghị truyền máu cho bé.

Theo góp ý của BS Trầm, tôi cho y lệnh truyền một đơn vị máu cho bé. Mười lăm phút, nửa giờ, rồi một giờ trôi qua chầm chậm. Nhìn chai máu đỏ tươi nhỏ từng giọt, từng giọt xuống bầu hơi của dây dịch truyền, ai cũng lo lắng. Tôi cứ chạy ra chạy vô đo huyết áp, đếm mạch của bé. Người mẹ ngồi cạnh con mân mê từng ngón tay bé bỏng của bé, hết xoa tới bóp rồi ngước nhìn tôi, đôi mắt đau đáu lo âu. Tôi động viên chị hãy cùng hợp tác và bình tĩnh cùng chúng tôi "còn nước còn tát".

Khi chai máu vừa cạn, tôi cảm nhận mạch của bé nẩy mạnh hơn dưới hai ngón tay của tôi, huyết áp giãn ra và tăng lên từ từ. Tôi nói với chị: "Tốt rồi, bé ra khỏi sốc rồi!". Chị kêu lên: "Thiệt hả bác sĩ? Con tôi khỏe rồi hả bác sĩ?". Tôi gật đầu, nước mắt của người mẹ rơi lả chả trên gương mặt héo hon vì lo lắng. Sau một tuần thì cháu bé khỏe và xuất viện.

Ông Võ Văn Thưởng thăm thầy thuốc nhân dân Đoàn Thúy Ba Ông Võ Văn Thưởng thăm thầy thuốc nhân dân Đoàn Thúy Ba

TTO - Chiều 21-2, ông Võ Văn Thưởng - trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - đã đến nhà thăm và tặng quà Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Đoàn Thúy Ba nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên