24/03/2019 11:00 GMT+7

'Cuộc chiến' ngăn học sinh đi... lấy chồng

T.B.DŨNG - TR.MAI
T.B.DŨNG - TR.MAI

TTO - Ở những ngôi làng vùng xa trên biên giới Việt - Lào tại huyện Tây Giang (Quảng Nam), nhiều học sinh đã bỏ dở chuyện học hành để lấy chồng khi đang còn đi học. Cuộc chiến đấu với tập tục để giữ học trò của thầy cô thêm phần nặng nề.

Cuộc chiến ngăn học sinh đi... lấy chồng - Ảnh 1.

Để giữ học trò ở lại trường, giờ giải lao là lúc mà giáo viên “tháo gỡ” rất nhiều tâm sự - Ảnh: TR.MAI

Một ngày cuối học kỳ 1 vừa qua, sau nhiều ngày bỏ công dò la, cô giáo Nguyễn Thị Trà My - chủ nhiệm lớp 12C5 Trường THPT Tây Giang - chưng hửng khi biết Cơ Tu Pơloong Thị Nghị Nghị đã theo người yêu về Đà Nẵng để đi làm thuê.

Dù thủ tục kết hôn chưa được hoàn tất nhưng với nhiều học sinh, một lời hứa hôn hay đôi khi một cuộc nói chuyện bằng vài ghè rượu của hai bên gia đình cũng có nghĩa cuộc đời đã đi qua một trang khác.

Những cuộc "bắt bớ" trái ngang

Nhưng Nghị không phải là trường hợp hi hữu bỏ học giữa chừng, những cặp vợ chồng tuổi 14-15 hoặc thậm chí ít hơn quyết định dừng tuổi đến trường để lập gia đình không phải chuyện hiếm. Những câu chuyện này vẫn luôn gây ra những nỗi buồn vô tận cho các thầy cô giáo.

Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang, thầy Đinh Văn Tư mở danh sách những cái tên từng là học sinh được thầy cô hết mực theo đuổi, chăm bẵm nay đã bị bỏ trống bảng điểm. Sổ đầu bài tên các em vẫn còn nhưng người học thì đã từ lâu không tới lớp.

"Mỗi năm thầy cô giáo tiếp nhận không biết bao nhiêu trường hợp học sinh nghỉ học, trong số đó đau lòng nhất là học sinh nghỉ để lập gia đình. Chúng tôi không mong muốn có thêm em nào nghỉ học nữa" - thầy Tư tâm sự.

Một câu chuyện được cô Arâl Mai Tình, phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang, kể lại mà tất cả thầy cô nghe xong đều không biết nói gì.

Một cô học trò nghèo làng ở sát biên giới đã có một hành trình nhọc nhằn để ra trung tâm huyện Tây Giang học chữ.

Em hay nói với thầy cô chỉ ước mơ làm sao sau này học hành chứ không muốn lặp lại cảnh cõng gùi ngược núi lên rừng trỉa hạt. Em học rất khá. Tuy nhiên khi thấy khuôn mặt buồn rười rượi mới biết em đã được cha mẹ, người làng hứa hôn cho một chàng trai cùng xã từ khi còn nhỏ. Và bây giờ khi em đang học cấp III thì nhà trai đem người tới để bắt về.

Cô giáo Tình kể bằng nỗi xót xa khi bản thân cô đã dùng mọi cách ngăn cản câu chuyện tác hợp vợ chồng một cách vô lý ấy, nhưng cuối cùng chính cô cũng bất lực. Cô đã xin nhà trường đưa nữ học sinh của mình về nhà cô để ở, để cô có thêm thời gian bảo vệ học trò bé bỏng của mình trước luật làng nghiệt ngã.

"Nhưng thậm chí ở trong nhà tôi rồi mà bên gia đình nhà trai lẫn người làng của cô bé vẫn tìm tới. Ba lần bảy lượt, có lúc trong nhà tôi căng thẳng, tập trung rất nhiều người để bắt bớ cho một cuộc hôn nhân sai luật pháp nhưng theo luật làng. Cuối cùng em học trò của tôi cũng bất lực, lủi thủi dọn đồ theo nhà trai, bỏ lại sách bút cho thầy cô giáo" - cô Tình kể.

Bẵng một thời gian, cô giáo vào làng để tìm lại học sinh của mình. Học trò đã trên tay con bồng con bế, khuôn mặt già đi, hằn hiện sự lam lũ và khắc khổ. Một đôi mắt buồn như cứa ngang ruột những người làm nghề dạy chữ vùng cao.

Những người thầy giữa hai làn ranh

Nhiều thầy cô giáo ở Tây Giang kể họ biết việc học trò của mình nghỉ học, lập gia đình khi mới 15-16 tuổi là sai nhưng việc ngăn cái sai đó chẳng hề đơn giản. Luật làng cho tới nay vẫn là một sức mạnh huyền bí, quyền lực mà đôi khi sự hiểu biết và các quy định của pháp luật không thể chạm tới được.

Khi không thể ngăn học sinh mình lấy chồng, lấy vợ thì thầy cô giáo phải làm gì? "Phải kiên trì, một ngày nói không được thì hai ngày, một tháng không được thì hai ba tháng theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Mình làm thầy làm cô mà không giúp học sinh mình thay đổi nhận thức thì các em mãi sẽ lặp lại cùng một bi kịch giống nhau, ngàn đời không thay đổi được" - thầy Tư nói.

Thầy Tư cho biết ở Tây Giang không hiếm trường hợp học sinh đứng giữa ranh giới mong manh khi chịu sức ép từ luật làng mà có ý định bỏ học. Nhưng đúng lúc đó, sự xuất hiện của các thầy cô giáo đã hóa giải và đưa các em trở lại với trường, với bạn, ít nhất là giúp các em học đủ 12 năm phổ thông, kéo dài tuổi vui chơi hồn nhiên của đời người.

Thầy Tư kể mới đây chính thầy biết một nữ học sinh lớp 12 nhà ở thôn Tưr, xã Giang đã có ý định nghỉ học lấy chồng.

"Khi biết chuyện, tôi nhờ thầy cô tìm hiểu hoàn cảnh rồi chính tôi gọi điện thoại cho cán bộ xã dưới đó mời hai gia đình lên" - thầy Tư nói. Ở trụ sở xã, bằng những lời giải thích hợp tình hợp lý, đám cưới theo phong tục cho cô học trò đã được hai bên gia đình tạm hoãn để chờ cô gái học hết chương trình.

Vợ chồng... học sinh

Thầy Đinh Văn Tư cho biết bằng nhữxng nỗ lực bền bỉ của các thầy cô giáo, số lượng học sinh bỏ học để lập gia đình đã giảm dần theo từng năm.

Đáng mừng hơn, thay vì bỏ ngang để theo tục hứa hôn khi mới 15-16 tuổi, nhiều em khi không thể chống lại tục làng đã nghe theo thầy cô để tiếp tục đến trường, vừa làm học sinh vừa làm vợ, làm chồng.

"Hiện nay trong trường có hai cặp vợ chồng đều đang là học sinh của trường. Có em thì vừa đi học vừa sống với nhau theo tục lệ tại một ngôi nhà ở gần trường, em thì hằng ngày đi học, cuối tuần về ở với nhà chồng" - thầy Tư nói.

T.B.DŨNG - TR.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên