07/08/2014 12:33 GMT+7

Cuộc chiến kênh đào nhân tạo

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Chạy đua cạnh tranh để giành ảnh hưởng thương mại quốc tế bằng những con kênh đào đang diễn ra sôi nổi, khi chỉ trong vòng chưa đầy một tháng có hai dự án khổng lồ được công bố.

Ai Cập sẽ phát triển hành lang kênh đào SuezTrung Quốc đào kênh ngang “cửa sau” của Mỹ

bd9qXGHT.jpgPhóng to
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (giữa) nhấn nút nổ mìn phá đá khởi động dự án đào kênh mới tại Cairo ngày 5-8 - Ảnh: Reuters

Báo South China Morning Post cho biết hồi đầu tháng 7-2014 ở Trung Mỹ, chính quyền Nicaragua đã ký thỏa thuận giao cho một doanh nghiệp của Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện dự án kênh đào Nicaragua thì đến đầu tháng 8-2014, chính quyền Ai Cập đã tuyên bố khởi công công trình kênh đào mới chạy song song kênh đào Suez 145 năm tuổi.

Chính phủ các nước tham gia các dự án này đều tuyên bố thực hiện dự án chỉ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Nhưng giới chuyên gia lại cho rằng một trong hai dự án trên có yếu tố Trung Quốc cho thấy nước này vẫn đang muốn gây ảnh hưởng về địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới.

Cạnh tranh với kênh đào Panama

Hôm 8-7, tại thủ đô Managua của Nicaragua, ông Vương Tịnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua (HKND) của Hong Kong - cùng đại diện Chính phủ Nicaragua công bố chi tiết dự án kênh đào Nicaragua với tổng vốn đầu tư lên đến 40 tỉ USD. Kênh đào này chạy xuyên qua Nicaragua, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Dự án, một khi hoàn thành, được đánh giá sẽ là đối trọng với kênh đào Panama do Mỹ điều hành.

Ông Đổng Tuấn Tùng, kỹ sư trưởng của HKND, cho biết đây được xem là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới và sẽ khởi công vào tháng 12-2014, hoàn thành trong năm năm.

Sau khi khảo sát, HKND và Chính phủ Nicaragua đã quyết định con kênh này sẽ bắt đầu ở cửa sông Brit, chạy theo hướng nam xuyên qua thành phố Rivas và băng ngang hồ Nicaragua.

Từ đây kênh đào sẽ đi dọc hai con sông Tule và Punta Gordas cho đến khi chạm vào vịnh Bluefield ở miền nam Caribe. Đại diện HKND ước tính mỗi năm có khoảng 5.100 lượt tàu của quốc tế sẽ đi qua con kênh đào này.

Tuyến đường thủy này nằm gần biên giới Costa Rica, dài 278km, rộng 520m và sâu đến 30m. “Dự án này là dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó có ích cho người dân Nicaragua và cả thế giới vì ngành thương mại thế giới cần nó” - ông Vương Tịnh tuyên bố.

Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cho rằng nếu dự án này thành hiện thực thì ngoài việc hút bớt lượng tàu quốc tế đi qua kênh đào Panama, Trung Quốc cũng sẽ gây được sức ảnh hưởng lớn về địa chính trị ở Nicaragua, điều mà Washington không hề muốn.

“Kênh đào Panama là con kênh đào của Mỹ trong thế kỷ 20 nhưng kênh đào xuyên Nicaragua dần dần sẽ trở thành kênh đào của Trung Quốc trong thế kỷ 21” - Juan Gabriel Tokatlian, chuyên gia thuộc Đại học Di Tella của Argentina, nhận định.

Dự án trên tuy vậy đã vấp phải sự phản ứng của giới chuyên gia luật pháp Nicaragua. Họ cho rằng thỏa thuận đào kênh Nicaragua giữa Chính phủ Nicaragua và HKND đã vi phạm chủ quyền của quốc gia này. Các cộng đồng ở địa phương đã kiện lên Tòa án tối cao Nicaragua dù dự án đã được Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega và phần lớn chính phủ nước này ủng hộ.

MOUvnd50.jpg
Kênh đào Nicaragua (đường màu xanh) chạy xuyên qua lãnh thổ Nicaragua (Nguồn: scmp) - Đồ họa: V.CƯỜNG

Ai Cập vội vào cuộc

Hôm 5-8, Chính phủ Ai Cập cũng nhanh chóng tuyên bố khởi công dự án “kênh đào Suez mới” dài 72km, chạy song song với kênh đào Suez cũ nhằm thu hút thêm tàu thuyền thương mại của quốc tế và thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển.

Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi cho biết chi phí đầu tư cho dự án này ước tính lên đến 4 tỉ USD và sẽ tạo ra 1 triệu việc làm trong thời điểm Ai Cập đang chật vật hồi phục nền kinh tế do khủng hoảng chính trị kéo dài ba năm qua. “Dự án này phải hoàn thành trong một năm, đó là những gì người dân Ai Cập mong đợi” - Reuters dẫn lời Tổng thống Sisi tuyên bố tại lễ khởi công ở thành phố Ismailiya.

Con kênh đầu tiên, tiền thân của kênh đào Suez hiện tại, nối Địa Trung Hải và biển Đỏ thông qua sông Nile được đào năm 1874 trước Công nguyên. Sau đó nhà ngoại giao Pháp Ferdinand de Lesseps và phó vương Ai Cập Said Pasha đã phát triển kênh đào Suez hiện tại vào giữa thế kỷ 19.

Công trình kéo dài 10 năm với tổng chiều dài 193km. Kênh đào Suez mở cửa cho lưu thông hàng hải vào ngày 17-11-1869.

Mỗi năm kênh đào Suez mang lại cho Ai Cập 5 tỉ USD. AFP dẫn nguồn tin Chính phủ Ai Cập cho biết mục tiêu xây dựng kênh đào Suez mới nhằm nâng tổng thu nhập hằng năm từ con kênh này lên 13,5 tỉ USD vào năm 2023. Đây được xem là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách của Ai Cập từ xưa đến nay.

Giới quan chức Ai Cập cho biết chính phủ nước này và các nhà đầu tư nước ngoài cùng rót tiền cho dự án này. Tổng thống Sisi khẳng định có 17 doanh nghiệp Ai Cập tham gia dự án.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên