Đô đốc Mohab Mamish, người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), cho biết dự án lớn này được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và từ các nước Arab, tạo động lực thúc đẩy kinh tế trong khu vực và tạo việc làm cho người lao động sinh sống tại các thành phố nằm dọc kênh đào Suez, bán đảo Sinai và các tỉnh lân cận.
Dự án này cũng tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo kỹ thuật chuyên ngành và các cộng đồng đô thị tổng hợp. Hiện 14 tập đoàn tư vấn đang cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền xây dựng quy hoạch tổng thể cho dự án. Ước tính chi phí ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án lên tới khoảng 20 tỷ USD.
Nhà kinh tế Ai Cập Abdul Nabi Abdul Muttalib cho rằng, việc phát triển kênh đào Suez đã bị chậm trễ hàng thập niên. Trên thực tế, kênh đào Suez còn có thể mang lại nhiều thu nhập hơn nữa cho Ai Cập và biến quốc gia Bắc Phi này trở thành đầu tàu kinh tế của cả khu vực, khi mà khoảng 8% khối lượng mậu dịch thế giới qua đường biển hiện đang được vận chuyển qua tuyến đường thủy chiến lược này.
Theo ông Abdul Muttalib, dự án trên sẽ được thực hiện qua 3 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, một khu vực hậu cần sẽ được xây dựng nhằm cung cấp dịch vụ cho các tàu bè. Giai đoạn hai bao gồm việc xây dựng một khu vực du lịch lớn và đồng bộ với các khu nghỉ mát và làng nghề du lịch. Giai đoạn ba sẽ tập trung phát triển các khu nông nghiệp và công nghiệp trọng điểm. Theo tính toán của SCA và một ủy ban liên bộ, dự án này dự kiến sẽ trải rộng trên tổng diện tích 76.129 km2 với khoảng 2,7 triệu dân cư.
Hiện nguồn lợi duy nhất từ kênh đào Suez chỉ là lệ phí quá cảnh của các tàu thuyền. Trong khi đó, các tuyến đường thủy tương tự trên thế giới đã được chuyển đổi thành các khu công nghiệp và dịch vụ hậu cần lớn phục vụ cho cả thế giới. Dự kiến, SCA sẽ cần ba công ty để thực hiện dự án, phụ trách các mảng xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp tài chính, triển khai dự án và phát triển hoạt động công nghiệp trong khu vực.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với các hoạt động giao thương quốc tế, kết nối châu Âu, châu Á và châu Phi - Trung Đông. Với nguồn thu hàng năm khoảng 5 tỷ USD, tuyến kênh dài hơn 193 km nối Địa Trung Hải với biển Đỏ này hiện cũng là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập bên cạnh du lịch, xuất khẩu dầu khí và kiều hối.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận