Ông Tài bên con cò trưởng thành vừa bị đánh bẫy - Ảnh: QUANG THẾ
Chúng tôi đến Vị Giang đúng lúc trời chiều. Hướng mắt nhìn về rặng tre nối dài sau nhà, ông Bùi Văn Tài (thôn Vị Giang, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình) nói: "Ban ngày chúng đi kiếm ăn, chiều tối mới về. Trải qua bao nhiêu giông bão nhưng chúng vẫn về. Cò không bao giờ bỏ gia đình tôi đâu…".
Trận "bão" lớn
Với ông Tài, để giữ được đàn cò đến ngày hôm nay là một "cuộc chiến". Trồng cây, chăm cò, bao nhiêu công sức bỏ ra trong suốt 20 năm gắn bó với đàn cò, nhưng có lẽ không gì gian nan bằng việc giữ cò.
Trong đó, có lẽ trận bão năm 2015 khiến ông cùng gia đình phải "khắc cốt ghi tâm".
"Hôm đó mưa lớn, gió giật mạnh nên tôi phải ở trên nhà trông nom cửa nẻo. Bão tan, ra vườn đã thấy tan hoang hết. Cây cối ngã đổ, cò mẹ, cò con rơi cả xuống đất. Trộm cứ thế mang theo cả bao tải vào vườn bắt cò. Tôi và vợ còn nhìn trộm vác mấy bao tải cò đi mà không làm gì kịp…", ông Tài nhớ lại.
20 năm, dù ban ngày hay đêm, mỗi khi nghe tiếng súng nổ, thấy cò bay tán loạn ông lại gọi vợ con tức tốc chạy ra sau vườn xua đuổi trộm.
Trộm thường là thanh niên ở địa phương hoặc các vùng lân cận, mỗi khi bắn cò đi thành từng tốp bốn năm người. Có lần vợ chồng ông giáp mặt, đánh nhau với nhóm thanh niên để xua đuổi không cho bắt cò.
"Chúng tôi giữ được cả súng của một nhóm thanh niên ở huyện Đông Hưng giao nộp cho Công an xã. Nhưng thời gian sau lại có nhóm khác tới. Bây giờ tinh vi hơn chúng còn dùng cả súng giảm thanh" - bà Vũ Thị Lân (vợ ông Tài) nói.
Những người nông dân đã dành trọn cả vài hecta đất trồng cây xanh kín mít chỉ để cho cò đậu - Ảnh: QUANG THẾ
Ông Tài thở dài: "Chúng về trú ngụ ở đây đã tròn 20 năm, từ đàn cò mấy trăm con đến nay đã lên đến hàng chục vạn. Nhưng cứ có thêm cò con thì cò trưởng thành lại bị dính bẫy…".
Bỏ tiền túi làm cả hàng rào thép bao quanh rặng tre ngăn trộm đột nhập bắt cò, rồi một hệ thống camera 16 mắt hiện đại cũng đã được gia đình ông vay mượn tiền lắp đặt xung quanh khu vực cò đậu.
"Có máy ghi hình nên chỉ cần theo dõi qua màn hình tivi có thể nhìn thấy được tất cả các vị trí trong vườn. Từ ngày lắp đặt hệ thống camera này trộm mới giảm bớt…" - ông Tài cho hay.
Như đã hẹn, 5h chiều, từng đàn cả nghìn con gọi bầy, chao lượn trên địa bàn xã Chí Hòa rồi mới đậu vào vườn cây, rặng tre.
Nói về duyên nợ với đàn cò, ông Tài chậm rãi kể một mạch như đã học thuộc lòng. Năm 1994 ông được giao khoảng 4 ha đất làm mô hình VAC (vườn, ao, chuồng). Cạnh khu vực được giao là một bãi đất bỏ không nên gia đình ông đến khai hoang.
Cấy lúa, trồng cây được 4 mùa, đến năm 1998 cò bắt đầu xuất hiện và bay về trú ngụ trên những cây xanh gia đình đã trồng trước đó.
Thấy cò về đông, ông đi Yên Bái mua tre về trồng thêm để cò đậu và từ đó đến nay dân săn khắp nơi cũng đổ về. Vợ chồng ông ngày đêm trông nom cẩn mật trước những tay súng…
Cò bay về vườn nhà ông Tài sau một ngày dài đi kiếm ăn - Ảnh: QUANG THẾ
Ông Tài cho biết hàng ngày ông không cần nhìn đồng hồ cũng biết được giờ vì cứ 5h - 6h chiều hàng ngày, cò sẽ bay về vườn và 5h sáng lại rời tổ.
Nếu trời nắng ấm thì trước Tết Nguyên đán mấy ngày cò sẽ bay về làm tổ, sinh nở, đậu trắng vườn.
Đến nay, cạnh những rặng tre cò sinh sống, gia đình ông còn cải tạo làm ao nuôi cá rô đồng, vịt trời, lợn rừng…
Dự án bảo vệ cò còn trên giấy
Có thời gian hơn 5 tháng thấy cò không bay về vườn ông Tài đưa người tới phá vườn tre bán để lấy đất canh tác nhưng đang phá thì cò bất ngờ bay về từng đàn.
Vẫn còn nhớ như in, ông Phòng (thôn Vị Giang) kể: "Cũng may mới phá được vài cây thì cò bay về chứ phá xong mới về thì không còn nơi mà đậu".
"Tôi đã cho dừng ngay và không chặt tre nữa. Từ đó đến nay gia đình chỉ trồng thêm cây xanh cho cò lấy nơi đậu chứ không dám chặt…" - ông Tài nói.
Cứ thế, mỗi năm cứ đến mùa cò sinh nở, ông Tài cùng người thân lại cắt cỏ dại để khô cho cò làm tổ.
"Nhìn chúng thương lắm. Có con thoát bẫy bay về, chân đau sà xuống phải nhặt bỏ lên cây. Vào mùa sinh nở, cò con đông nên hay bị rơi xuống đất, lại phải bỏ cẩn thận lên tổ. Nhiều hôm đi làm cả ngày nhưng tối đến vẫn phải thay nhau trông cò" - ông Tài kể.
Những người nông dân đã dành trọn mấy hecta đất trồng cây xanh chỉ để cho cò đậu - Ảnh: QUANG THẾ
Tiếng lành đồn xa, cán bộ trên tỉnh, người dân nhiều tỉnh thành lân cận cũng đến xem tận mắt đàn cò hàng vạn con chao nghiêng trên bầu trời mỗi khi tắt nắng.
Nhưng niềm vui "ngắn chẳng tày gang", dự án bảo vệ cò được lập, hàng loạt giấy tờ liên quan đã chuẩn bị, nhưng nhiều năm trôi qua dự án vẫn chưa được thực hiện.
"Sau mỗi trận bão, áp thấp vợ chồng tôi lại điêu đứng. Cây cối đổ hết không có tiền để dựng lại. Ai về chơi cũng động viên cố gắng giữ lấy đàn cò. Người dân Chí Hòa ngày ngày được thấy đàn cò bay lượn về tổ cũng chính là mong mỏi của chúng tôi. Chỉ mong sao dự án được triển khai để đàn cò được bảo vệ lâu dài" - bà Lân nói.
Ông Nguyễn Xuân Diến - chủ tịch UBND xã Chí Hòa - cho biết "dự án bảo vệ cò đang được tỉnh thực hiện nhưng do vướng mắc trong công tác đền bù, diện tích đất, kinh phí đầu tư vẫn chưa làm được nên gia đình ông Tài tiếp tục trông coi".
Gia đình ông Tài lắp hệ thống camera để chống bắn trộm cò - Ảnh: QUANG THẾ
Lo lắng mất đàn cò đồng
Một ngày tháng 7-1989, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy chịu ảnh hưởng trực tiếp đợt áp thấp nhiệt đới cũng là ngày cả trăm con cò trắng, cò ốc bay về vườn nhà ông Bùi Thanh Bảy (thôn Hoành Quan, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy) trú ẩn.
Mới đầu ông Bảy cùng anh em bắt cò bị rớt dưới đất giết thịt nhưng sau thấy cò bay về ngày một nhiều ông đã tìm cách bảo vệ.
"Sau này đến mùa sinh nở cả cò ốc gần 2 kg/con bay về cả đàn làm tổ, đẻ trứng. Nhiều người dân hỏi mua nhưng tôi không bán. Tội lắm. Mỗi năm đàn cò sẽ xa nhà khoảng 1 tháng là vào thời gian phơi đầm để nuôi vụ cá mới" - ông Bảy nói.
Ông Bảy cũng cho biết có nhiều lần cả nhóm thanh niên đi xe máy lao vào vườn bắn cò.
"Không chỉ bắn súng hơi mà họ còn bắn đạn chùm vào đàn cò, có hôm đạn rơi cả vào mặt vợ chồng tôi" - bà Lê Thị Chuyên (vợ ông Bảy) kể.
Mấy năm trước cũng có người đến trả mấy chục triệu một cây sanh làm cảnh và mua đứt cả đầm cá nhưng ông Bảy không bán vì muốn giữ lại để cò có chỗ trú. Có người nói gia đình ông "bị thần kinh".
Từ đàn cò chỉ mấy trăm con, được gia đình ông bảo vệ nay số lượng đã lên đến hàng vạn.
Ông Bảy tâm sự: "Mình bán đi rồi vào tay người khác không biết đàn cò sẽ ra sao. Khu công nghiệp về đàn cò cũng sẽ biến mất. Nếu muốn giữ đàn cò phải quy hoạch cụ thể, lâu dài…".
Ông Quân - chủ tịch Hội nông dân xã Thụy Liên - cho biết xã cũng tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ động vật, cân bằng sinh thái tự nhiên. Nhưng để bảo vệ đàn cò lâu dài thì xã không có khả năng, phải chính quyền cấp huyện, tỉnh mới làm được… ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận