09/09/2021 09:09 GMT+7

Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 9: 10 ngày sinh - tử ở bệnh viện

LƯ PHƯƠNG NGỌC  - PHẠM VŨ ghi
LƯ PHƯƠNG NGỌC - PHẠM VŨ ghi

TTO - Mẹ và tôi được xếp một căn phòng trong căn hộ ở tầng 11 Bệnh viện dã chiến số 8. Cả khu tái định cư Bình Khánh, Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với rất nhiều tòa nhà đang trở thành khu bệnh viện dã chiến khổng lồ. Hàng vạn F0 đang ở đây.

Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 9: 10 ngày sinh - tử ở bệnh viện - Ảnh 1.

Sau hai tuần, cha mẹ được hội ngộ tại nhà. Còn rất mệt nhưng đã là một may mắn quá lớn - Ảnh: L.P.N.

"Không khí chắc đậm đặc virus" - ý nghĩ từ những ngày chưa phải là F0 làm run chân tôi khi bước ra khỏi xe. Chỉ một ngày sau thôi, tôi đã có những ý nghĩ hoàn toàn khác về nơi này.

Ơn tình bệnh viện dã chiến

Đón tôi là những nhân viên y tế, tình nguyện viên kín mít trong bộ đồ bảo hộ. Tôi được hướng dẫn để gia nhập nhóm trao đổi thông tin giữa bệnh nhân và các y bác sĩ, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe và những nguyên tắc của bệnh viện. 

Là khu chung cư mới nên môi trường lưu trú sạch sẽ, mỗi căn hộ được phân cho 6-7 người, vừa đủ không gian để giãn cách, lại cũng đủ không gian để nhìn ngó, chăm sóc lẫn nhau.

Bữa cơm đầu tiên được đưa đến. Lần đầu tiên cầm hộp cơm của các tổ chức từ thiện, lần đầu tiên được sự chăm sóc của các tình nguyện viên, trong tôi tràn ngập sự biết ơn. 

Những ngày sau, những bóng áo trắng lướt đi lướt đến rất nhanh, nào đưa nước đưa cơm, nào vận chuyển đồ đạc người nhà bệnh nhân gửi, nào thăm khám, đưa thuốc mỗi khi có người nhắn đau, sốt, mệt trên nhóm thông tin, nào đưa người bị khó thở, tuột oxy xuống tầng cấp cứu...

Theo dõi từ cánh cửa phòng mình, theo dõi từng tin nhắn được trả lời rất nhanh trên nhóm, tôi biết các áo trắng đang làm việc không ngừng nghỉ vì chúng tôi. Không bao giờ thấy một bước đi nào thong thả, nhưng bao giờ cũng là thái độ rất bình tĩnh và thấu hiểu để làm chỗ dựa cho bệnh nhân.

Buổi tối đầu tiên, tôi cố gắng vệ sinh thật sạch phòng của mình. Nhìn ra hàng ngàn ô cửa sổ sáng đèn bên ngoài, không tưởng tượng được có bao nhiêu người đang ở đây, mang hy vọng và cố gắng vượt qua căn bệnh như chúng tôi. 

Lại cũng không biết được có bao nhiêu người đang rời gia đình, đối mặt với nguy hiểm, ngày đêm vất vả vì chúng tôi. Một đêm thao thức, sáng hôm sau tôi ho nhiều hơn, họng rát bỏng, sốt cao hơn. Mẹ phải gượng dậy, chăm sóc cho tôi.

Ngày thứ hai, thứ ba mẹ kêu nhức mình, đau nặng ngực không dậy được. Tôi vẫn sốt, đau đầu, rồi xuất hiện tiêu chảy. Tin nhắn của cha cho biết đã phải gắn ống trợ thở oxy rồi sau đó không liên lạc được nữa. Tôi như rơi vào trầm cảm. Tôi, cha tôi, mẹ tôi liệu có tìm được cơ hội trước thử thách này hay không. Mong mỏi, cầu nguyện cho cả gia đình mình bình an liệu có là tham lam quá không?

Mấy anh chị cùng phòng an ủi, nhường chỗ cho tôi ra hành lang tập hít thở, làm vài động tác thể dục, uống ly chanh nóng mật ong, uống thuốc hạ sốt, động viên tôi và mẹ ăn cho hết phần cơm dù miếng ăn vào miệng như nhai rơm. 

Trên nhóm trao đổi thông tin của bệnh viện, mấy người cùng tầng phải chuyển xuống phòng cấp cứu thở oxy, thở máy đêm qua vẫn nhắn tin động viên mọi người "Hãy ráng ở trên cao". Trưa, mấy người phòng bên đi qua gõ gõ: "Đi về... Đi về". Hy vọng trong tôi vừa bị cơn sốt đè xuống lại bùng lên. Cố gắng. Cố gắng...

Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 9: 10 ngày sinh - tử ở bệnh viện - Ảnh 2.

Bệnh viện dã chiến số 8, nơi tôi không quên ân tình đã giúp mẹ con tôi qua bệnh hiểm - Ảnh: PHẠM VŨ

Thay đổi bản thân

"Không nghĩ đến những chuyện xấu. Không nghĩ đến chuyện không vui. Thực hiện giờ giấc sinh hoạt thật nghiêm túc và làm những việc của hôm nay thật tốt" - tôi rút ra cho mình những mệnh lệnh sau khi đọc hàng loạt tin nhắn của tất cả mọi người, thân và sơ, quen và không quen.

Sáng thức dậy, việc đầu tiên là đo nhiệt độ, sau đó làm một ly chanh ấm mật ong, tập thể dục nhẹ, bài thở sâu, chờ phần ăn sáng. Tiếp theo là một ly C. Sau đó một lát lại làm một ly ủ nước gạo lứt hoặc bột sắn pha với tương Tamari - món thức ăn hỗ trợ mà chị bạn đã gửi cho tôi trước khi lên xe vào viện.

Trưa tập thể dục rồi ăn hết phần cơm. Tối cũng phải ăn hết phần cơm. Bệnh viện không có bếp ăn, những hộp cơm được các đội nhóm mang từ ngoài vào nên có lúc sớm lúc trễ, có lúc lại thiếu phần cơm và các "áo trắng" lại tận tâm thay thế cho chúng tôi bằng những phần sữa, bánh. 

Nhận phần ăn, nhiều lúc tôi muốn bật khóc khi cảm thấy ơn tình quá lớn mà mình đang được nhận. Thức ăn đơn giản, thiếu thốn, cổ họng đắng ngắt, khô rát nhưng ngày nào tôi cũng đã ăn hết.

Theo dõi từng hơi thở, từng phản ứng của cơ thể mình và mẹ, sinh hoạt theo giờ giấc từng ngày, tôi chợt nhận ra những năm tháng trước đây mình thật có lỗi với bản thân vì cuộc sống bận rộn, ăn ngủ thất thường. 

Có lẽ vì vậy mà giờ đây khi đã ở bệnh viện, người có sức khỏe mong manh như mẹ lại thích nghi tốt hơn cả tôi, ít triệu chứng hơn tôi. "Nếu qua được lần này, mình sẽ biết cách sống tốt hơn" - tôi tự nhủ với mình như vậy.

Ngày thứ sáu bắt liên lạc lại được với cha. Cha báo vẫn còn thở oxy, còn sốt, xét nghiệm lần hai vẫn dương tính. Mẹ đã bớt sốt, còn tôi lại bị phát ban siêu vi từ đầu tới chân. Bác sĩ đến phòng cho thuốc. Tôi cảm thấy mình bình tĩnh và sáng suốt hơn bao giờ, tin rằng mình đã được đáp ứng thuốc phù hợp, mình sẽ vượt qua.

"Ngày thứ 7, thứ 8, thứ 9 là những ngày rất quan trọng, phải tập trung lắng nghe cơ thể mình"- bác sĩ dặn thế. Và tôi cũng lắng nghe xung quanh. Phòng tôi đã có hai người, rồi ba người xuất viện trong thời gian ấy. Hy vọng tràn đầy. 

Ngày thứ 8, những vết phát ban trên da lặn đi, tôi báo với bác sĩ để được làm xét nghiệm cùng mẹ. Đầu còn đau, họng còn ho nhưng tôi và mẹ đã hết sốt. Thêm hai ngày chờ đợi thật dài nhưng cũng thật bình tâm. Ngày thứ 10, tôi và mẹ được báo: chuẩn bị ra viện.

Mười ngày trước tôi đã không tin mình sẽ may mắn có ngày này: được xuất viện cùng mẹ. Buổi sáng chờ xuất viện mới xốn xang làm sao. Tôi nhắn tin lên nhóm cảm ơn các bác sĩ, các anh, chị tình nguyện và chúc bình an đến tất cả các cô, chú, anh, chị bệnh nhân đang còn ở lại. 

Lập tức một núi tin chúc mừng đổ về, và lời dặn ân cần của bác sĩ: "Chúc mẹ và con sớm hồi phục. Nhớ theo dõi sức khỏe tại nhà và liên hệ y tế địa phương khi cần nhé". Nơi này mới đây còn xa lạ mà giờ đã hóa thân thương.

Tôi đọc lại những dòng thông báo trên cổng thông tin: "Hiện tại lực lượng y tế còn rất ít người (do đã bị lây nhiễm, chỉ còn 10 người phụ trách ba khu A-B-C) nên chúng tôi không đủ người để giúp đỡ các anh chị. Nếu anh chị thấy khỏe, hãy ở yên trong phòng. 

Nếu không khỏe thì báo lên nhóm, sẽ có nhân viên y tế đến". Tôi đọc bảng thông báo tiên phong của bệnh viện dã chiến số 8: Với tinh thần lá lành đùm lá nát, chúng tôi kêu gọi sự chung tay giúp sức từ tất cả quý bà con cô bác, anh chị qua việc triển khai chương trình "F0 đồng hành với F0".

Lòng tôi xót xa như không chịu nổi. Nhưng rồi tôi vẫn phải về. Tôi còn phải chăm sóc mẹ, tôi còn phải chờ cha tôi vẫn đang nằm thở oxy. Tôi sẽ cố gắng từng ngày và sẽ thật nhanh khỏe lại để đền đáp may mắn quá lớn này của cuộc đời, đền đáp những ngày tôi đã được nhận quá nhiều ơn tình này của xã hội.

Mỗi ngày hai lần, tiếng loa phát thanh của bệnh viện vang vang động viên tôi: "Các bạn có thể ở đây ít ngày, còn cuộc chiến của chúng tôi còn dài. Xin hãy tiếp sức để chúng tôi có thể phục vụ tốt cho các bạn và những người sắp đến đây".

"Vâng. Mình phải cố gắng, trước hết là để không làm phiền mọi người" - tôi tự nhủ. "Mẹ phải cố gắng để không bị chuyển xuống tầng cấp cứu, vì như thế mẹ sẽ không được gặp con" - tôi nói với mẹ. Và tôi còn phải theo dõi cha từ xa nữa.

*********

Đi trực chốt kiểm soát khu cách ly, phụ xét nghiệm, rồi cả trăm việc phải tiếp xúc gần, xa với người dân khu phố mình, chúng tôi thật sự không biết nguồn lây đến mình từ đâu.

>> Kỳ tới: Thương lắm tình cảm của bà con với F0

Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 8: Cuống cuồng tìm bệnh viện lúc quá tải Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 8: Cuống cuồng tìm bệnh viện lúc quá tải

TTO - Không biết đến khi nào tôi mới quên được buổi sáng hôm ấy, ngày 10-8-2021. Mấy tháng thành phố giãn cách, gia đình tôi ở chung cư Conic Garden (huyện Bình Chánh, TP. HCM) hầu như không ra ngoài, nhưng cha tôi thì có.


LƯ PHƯƠNG NGỌC - PHẠM VŨ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên