Nhà vệ sinh công cộng miễn phí vừa đưa vào sử dụng tại trạm chờ xe buýt Hàm Nghi - Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LÊ VĂN HIỆP - chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VTA) - cho biết:
- Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt. Tới nay, hiệp hội có gần 100 thành viên là doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước.
Ngay sau khi thông tin đại hội thành lập hiệp hội được đăng tải, có rất nhiều ý kiến khác nhau về tên hiệp hội. Khi vận động thành lập hiệp hội, chúng tôi cũng có cân nhắc về tên gọi, nhưng cuối cùng quyết định chọn tên là Hiệp hội Nhà vệ sinh để nêu thẳng vào bản chất vấn đề.
Tuy vấn đề vệ sinh khá tế nhị, nhưng chúng ta cần có cái nhìn và cách tiếp cận nghiêm túc để tạo ra "cuộc cách mạng" cải thiện chất lượng nhà vệ sinh Việt Nam. Tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không sạch sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh tiêu chảy, làm tử vong 800.000 trẻ em mỗi năm.
Tại Việt Nam, nỗi ám ảnh về các nhà vệ sinh trong trường học không sạch sẽ, các địa điểm công cộng, du lịch có nhiều khách nước ngoài nhưng lại thiếu nhà vệ sinh... đã được nêu ra suốt nhiều năm nhưng cải thiện rất chậm.
Vấn đề đảm bảo chất lượng nhà vệ sinh đã được thế giới tiếp cận khá nghiêm túc. Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 19-11 hằng năm là Ngày toilet thế giới. Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới (World Toilet) cũng được thành lập tại Singapore và có nhiều hoạt động rất bài bản.
Cá nhân tôi đã làm đại diện cho World Toilet tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Tổ chức World Toilet tại Việt Nam đã phối hợp một số hoạt động như các "cuộc chạy khẩn cấp" để nâng cao ý thức cộng đồng nhân ngày vệ sinh...
Tuy nhiên, để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và huy động được nguồn lực xã hội, góp ý cải thiện cơ chế chính sách... thì cần một tiếng nói lớn hơn thông qua Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam.
* Hiệp hội sẽ làm những gì để góp phần cải thiện chất lượng nhà vệ sinh Việt Nam?
- Chúng tôi đã có những nghiên cứu khá bài bản về thực trạng và các giải pháp về nhà vệ sinh ở Việt Nam. Thực tế chi phí mà xã hội đã đầu tư cho nhà vệ sinh không nhỏ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có thể do ý thức, do công nghệ lạc hậu, do cách vận hành... mà nhà vệ sinh ở Việt Nam nói chung còn khá mất vệ sinh.
Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam quan niệm không chỉ mình chúng tôi có thể thay đổi chất lượng nhà vệ sinh của cả Việt Nam, mà cần sự vào cuộc của cả xã hội, cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, hiệp hội sẽ là cơ chế để có những đóng góp thiết thực, trong đó sẽ xây dựng bộ quy chuẩn cho các loại nhà vệ sinh, ví dụ như nhà vệ sinh tại trường học, nhà vệ sinh tại công viên, nhà vệ sinh tại bãi biển... để các tổ chức, cá nhân có thể tham khảo.
Hiệp hội cũng sẽ đỡ đầu để các doanh nghiệp, nhà khoa học phát minh ra các thiết bị, giải pháp thông minh nhằm đảm bảo vệ sinh, hạ giá thành, phù hợp với môi trường Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp, học hỏi kinh nghiệm của Tổ chức World Toilet xây dựng các trường đào tạo nhân viên vệ sinh, nhân viên vận hành... để họ có kiến thức, kỹ năng đảm bảo vệ sinh theo quy chuẩn...
* Vấn đề cải thiện chất lượng nhà vệ sinh được nêu ra nhiều năm, ai cũng thấy nhưng chưa thay đổi được bao nhiêu. Hiệp hội có đề xuất gì để thay đổi điều này?
- Hiệp hội được thành lập và hoạt động dựa trên sự tham gia, hỗ trợ bằng cơ chế xã hội hóa, chứ chúng tôi không hề lấy ngân sách nhà nước. Cái cần nhất bây giờ là cơ chế chính sách để phát huy nguồn lực xã hội.
Chúng tôi quan niệm khi thực hiện các dự án cải thiện nhà vệ sinh sẽ đảm bảo: một là không lấy tiền nhà nước, hai là không thu tiền của người dân.
Bù lại, để có các nhà vệ sinh sạch đẹp cần sự vào cuộc, tạo điều kiện của cơ quan trung ương, các địa phương tháo gỡ những vướng mắc để "giải phóng" sức đóng góp của doanh nghiệp, xã hội.
Một ví dụ như hiện nay các địa điểm công cộng, chẳng hạn công viên thường có nhà vệ sinh nhưng được vận hành không tốt.
Nếu có cơ chế tốt, mạnh dạn giao cho doanh nghiệp làm thì sẽ không ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư các nhà vệ sinh thật sạch sẽ, văn minh, miễn phí để phục vụ cộng đồng.
Đổi lại, có thể cho phép doanh nghiệp đặt một vài bảng quảng cáo tại chính các nhà vệ sinh này. Đây là cách làm "win-win" (cùng thắng) giúp cả cộng đồng và doanh nghiệp cùng có lợi.
Tuy hành lang pháp lý đã có, nhưng để biến nó vào hiện thực thì các địa phương, sở ngành cần có niềm tin và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, thành viên hiệp hội đã xây dựng nhà vệ sinh miễn phí đầu tiên tại chùa Bà Thiên Hậu (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và đang tiếp tục khảo sát, tiếp tục xây dựng thêm nhà vệ sinh sạch, miễn phí tại các địa phương khác.
Điều đáng mừng là sau thông tin thành lập hiệp hội, một số ngân hàng, tập đoàn lớn... đã ngỏ ý sẵn sàng đồng hành cùng hiệp hội để xây dựng nhiều hơn các nhà vệ sinh sạch đẹp.
Sẽ nhân rộng các nhà vệ sinh miễn phí
Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước, bao gồm các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực môi trường, sản xuất, chế tạo nhà vệ sinh, thiết bị vệ sinh, cải tạo và nâng cao chất lượng nhà vệ sinh. Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành có liên quan.
Ông Lê Văn Hiệp - chủ tịch hiệp hội, thường được gọi với biệt danh "Hiệp toilet" - là doanh nhân tại Bình Dương. Ông Hiệp đồng thời là trưởng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức World Toilet, có trụ sở chính ở Singapore.
Ngoài một số nhà vệ sinh miễn phí đầu tiên được xây dựng tại Bình Dương, ông Hiệp cho biết đã làm việc với cơ quan chức năng một số địa phương như Q.1, TP.HCM; Bà Rịa - Vũng Tàu... để đặt các cabin, nhà vệ sinh miễn phí tại các địa điểm công cộng ở những địa phương này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận