Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Đài Loan đang sụt giảm nghiêm trọng về xuất khẩu khiến các dự báo về tăng trưởng phải giảm xuống mức 1,4%, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
"Vùng xanh" về sinh kế
Những lo lắng về triển vọng kinh tế u ám và mối quan hệ giữa hai bờ eo biển sẽ trở thành hai nhân tố quyết định chiến thắng của cuộc bầu cử lần này.
Mặc dù có xu hướng đối trọng với nhau nhưng giữa cả ba cặp ứng viên đại diện cho các đảng đang dẫn đầu là ông Lại Thanh Đức - bà Tiêu Mỹ Cầm (Đảng Dân chủ tiến bộ - DPP), ông Hầu Hữu Nghi - ông Triệu Thiếu Khang (Quốc dân Đảng - KMT) và ông Kha Văn Triết - bà Ngô Hân Doanh (Đảng Dân chúng Đài Loan - TPP) trên thực tế đều đề xuất các giải pháp tập trung cải thiện nhu cầu cấp thiết về năng lượng và an sinh xã hội.
Ông Hầu Hữu Nghi đưa ra "kế hoạch mua nhà cho thanh niên" hướng đến miễn hoàn toàn tiền đặt cọc cho những người trẻ tuổi mua nhà lần đầu và hỗ trợ lãi suất cho vay khi đáp ứng đủ điều kiện.
Ứng viên Lại Thanh Đức thì tập trung mở rộng các khoản vay đa dạng với nhiều ưu tiên cho người trẻ, trong khi ứng viên Kha Văn Triết đề xuất gia tăng và đa dạng hóa các đơn vị nhà ở xã hội và cung cấp thêm trợ cấp tiền thuê nhà.
Đối với chương trình nghị sự về an ninh năng lượng, ông Kha Văn Triết đặt ưu tiên cao hơn cho sự phát triển ổn định về năng lượng tái tạo, bao gồm cả việc tiếp tục duy trì các nhà máy điện hạt nhân của Đài Loan chứ không theo kế hoạch cho dừng hoạt động vào năm 2025.
Cả hai ứng viên cũng ủng hộ quan điểm duy trì điện hạt nhân với điều kiện đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Không chỉ vậy, quan điểm thiết lập một "vùng xanh" đồng thuận để đảm bảo sự phát triển về kinh tế cũng nhận được sự tiếp nối mang tính chiến thuật từ phía Trung Quốc.
Liên tiếp trong giai đoạn từ 2018 đến nay, Trung Quốc đã lần lượt ban hành "31 biện pháp", "26 biện pháp" và mới đây nhất là "14 biện pháp" trong năm lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực thương mại, bao gồm hỗ trợ Phúc Kiến mở cửa và hợp tác với Đài Loan, thương mại chất lượng cao và phát triển công nghiệp tổng hợp.
"Vùng xám" về quân sự
Nhu cầu dâng cao về các vấn đề cải thiện kinh tế đối nội lẫn quan hệ thương mại ở hai bờ eo biển Đài Loan cũng đã tạo nên các đồng thuận quan trọng cho cả ba đảng trong định hướng "giữ nguyên trạng" mối quan hệ với Trung Quốc đại lục.
Ứng viên Hầu Hữu Nghi luôn khẳng định vai trò cầu nối duy nhất của ông nhằm duy trì hòa bình giữa hai bờ eo biển với lập trường "hai bờ eo biển Đài Loan là một gia đình".
Trong khi ông Lại Thanh Đức cho thấy sự khác biệt chỉ ở lập trường cam kết "tin tưởng vào Đài Loan" chứ không chủ trương kiến tạo hòa bình dựa vào đại lục như các bên còn lại chấp nhận văn bản đồng thuận 1992. Tuy nhiên, cả ba bên đều ủng hộ tăng ngân sách quân sự từ 2,4 lên 3% như mong muốn của phía Mỹ.
Những đồng thuận "vùng xanh" trong định hướng giữ ổn định để phát triển an ninh kinh tế, an ninh năng lượng và nguyên trạng quan hệ của đại diện ba đảng cũng đã góp phần đẩy các hoạt động gây áp lực từ phía Trung Quốc có xu hướng chuyển từ "vùng đỏ" sang "vùng xám".
Trung Quốc đã chuyển dần từ các hoạt động tập trận bắn đạn thật xung quanh Đài Loan từ cuối năm 2023 sang các động thái viễn thám ở khu vực lân cận đảo Đài Loan.
Điển hình nhất là sự xuất hiện nổi trội của các khinh khí cầu (được ghi nhận đến năm chiếc bay qua đảo Đài Loan chỉ trong ngày 9-1).
Nhìn chung, dù cuộc đua giữa ba đảng ở Đài Loan vẫn đang diễn ra rất sít sao nhưng các chương trình nghị sự của cả ba đều đang hướng đến một kịch bản kiến tạo trở lại các "vùng xanh" đồng thuận về phát triển kinh tế, giảm dần các "vùng đỏ" về quân sự giữa hai bờ eo biển.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn khẳng định ông Lại Thanh Đức là "kẻ gây rối" và tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực lấy lại Đài Loan, không chấp nhận chủ trương "ly khai, độc lập" của bất cứ ứng viên nào. Do đó, việc ứng viên nào được chọn sẽ định hình quan hệ tương lai hòn đảo này với đại lục.
Lá phiếu của cử tri trẻ
Theo Ủy ban Bầu cử Đài Loan, năm nay không chỉ có 1,2 triệu lá phiếu đến từ những người trẻ lần đầu tiên tham gia, mà ngay cả tỉ lệ những người trẻ trong độ tuổi từ 25 - 29 đã đăng ký bỏ phiếu cũng có tỉ lệ tăng đến 15,5% so với thời điểm 4 năm trước - cao nhất trong các độ tuổi được thống kê.
Do đó, ảnh hưởng từ các lá phiếu có quan điểm mới đến từ giới trẻ Đài Loan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sức ép từ bên trong đến ứng viên đại diện của cả ba đảng tranh cử tại Đài Loan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận