Bữa cơm tất niên quây quần của công nhân trong khu trọ của gia đình chú Phùng Văn Phong (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: VŨ THỦY
Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, khi Tết đến, người Việt vẫn hướng về cội nguồn, vẫn sẻ chia và lạc quan nhìn về năm mới. Vì thế, người Việt ở đâu trong những ngày này, xuân thắm màu ở đó.
Những ngày giáp Tết, PV Tuổi Trẻ tìm đến những xóm trọ công nhân, dùng bữa cơm tất niên cùng họ để lắng nghe đầy đủ ân tình từ hai miền thương nhớ.
Với nhiều người không về quê, cùng ở lại đón Tết xa nhà, không khí ấy giúp họ thấy bớt chạnh lòng. Tất niên xóm trọ của công nhân xa quê cũng vì thế mà ấm áp hơn bên cạnh sự sẻ chia từ chính các chủ nhà trọ.
Gác lại một năm nhọc nhằn
Dắt hai đứa con nhỏ ra ngồi chung mâm cơm với nhiều gia đình khác năm nay cũng ăn Tết xa quê, chị Nguyễn Thị Hoài Thương (34 tuổi, quê Quảng Ngãi) tạm gác hết những ưu lo cuối năm. Bữa cơm tất niên này là bữa tiệc "hoành tráng" nhất, đông vui nhất của hai đứa con. "Được chủ nhà trọ lì xì, mấy đứa bé cũng có chút không khí Tết, con nít mong Tết nhất mà", chị tâm sự.
Kể chuyện năm qua, chị Thương tổng kết ngắn gọn "thất bát dữ lắm". Công ty may chỗ chị làm có chừng 12-13 chuyền giờ chỉ còn 2-3 chuyền cầm chừng. Không có việc làm, chị mua một chiếc máy may cũ về nhà nhận may hàng gia công cho các cửa hàng nhỏ. Ngày thì không có hàng, ngày thì may chạy hàng dồn tới nửa đêm chưa xong.
Chồng chị làm giao nhận cho một xưởng tư nhân thì đầu năm nghỉ hết mấy tháng không lương, cuối năm thì không có thưởng Tết. Vậy mà bữa tất niên, ngồi quây quần với những gia đình công nhân khác, chị Thương nói cũng bớt chạnh lòng vì năm nay gần nửa dãy trọ ở lại ăn Tết.
"Tôi mua 4-5 con vịt quay, rồi cuốn chả, nấu xôi... làm chừng 6 mâm cơm, lì xì mỗi phòng 200.000 đồng mua quà Tết. Bên Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân cũng gửi quà tặng cho các gia đình" - chú Phùng Văn Phong (71 tuổi), chủ khu trọ tại quận Bình Tân, chia sẻ. Tại buổi tất niên, chú Phong cao hứng mở màn hát một bài nhạc xuân, rồi lần lượt nhiều anh chị khu trọ cũng lên góp vui, gác lại một năm nhọc nhằn.
Ở sân sinh hoạt chung của khu lưu trú số 26 (phường Thạnh Lộc, quận 12), mấy chục phòng trọ cũng chung nhau một bữa tất niên xa nhà. Từ lúc chiều, hơn chục đứa trẻ đã hăng hái cùng các anh chị tình nguyện viên ở Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM trang hoàng cho bữa tiệc tất niên.
Đôi bạn Quốc Đại (12 tuổi) và Minh Hiếu (10 tuổi, cùng trọ tại khu lưu trú số 26) miệt mài gắn từng bông hoa mai, hoa đào lên cây. Trong bếp, cô Hồng Phượng (46 tuổi, trọ thuê tại khu lưu trú số 26) cùng mọi người đang tất bật chuẩn bị món ăn. Theo dự kiến bữa tiệc tất niên năm nay sẽ có khoảng 26 bàn tiệc, tuy nhiên để phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên rút gọn chỉ còn 4 bàn.
Để tiếp đãi mọi người, cô Nguyễn Thị Sen (55 tuổi, chủ khu lưu trú 26) đã tự tay chọn lựa cả chục món ăn đặc sản Bình Định quê mình như nem chả, tôm đất ram, bò tơ... "Không tổ chức tiệc thì mình dành số tiền đó mua quà tặng bà con, cứ mỗi phòng một phần quà Tết, đầy đủ mắm muối, bánh kẹo... thôi" - ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu lưu trú, tâm sự.
Con em lao động nghèo với món quà xuân - Ảnh: C.TRIỆU
Mong năm sau con mình đỡ vất vả
Tết đến nơi rồi nhưng ở quê nhà, chú Phạm Đình Thanh (Nghệ An) vẫn còn đang ngoài đồng cấy cho xong vụ lúa. "Tết đến con cháu không về được cũng buồn lắm. Nhưng năm nay hết dịch bệnh lại tới bão lũ, mấy ngày nay lại đang bùng dịch, tôi cũng động viên các con thôi năm nay ăn Tết xa nhà một năm. Chỉ mong năm sau mọi thứ sáng sủa hơn, con cái mình đỡ vất vả", chú Thanh chia sẻ.
Chú có ba người con thì hai con lớn đang làm ăn xa ở TP.HCM, nhà chỉ còn mình cậu con út đang đi học. "Các nhà đều thế cả, coi như xóm giềng ăn Tết với nhau là chính", chú Thanh nói.
Năm nay các cụ ở quê còn tiếp tế ngược cho các gia đình ăn Tết xa nhà. "Bà nội có ruộng trồng lúa, có vườn trồng rau, tôm cá rẻ nên đóng thùng gửi vào. Tết thì bà gửi bánh chưng, gửi gạo, gửi rau vào" - chị Phạm Thị Lịch (30 tuổi), công nhân may ở KCX Linh Trung 1 (TP Thủ Đức), chia sẻ". Chị Lịch còn cho biết ở xóm trọ, bà chủ trọ phòng dịch kỹ không tổ chức tất niên nhưng lì xì cho mỗi phòng 500.000 đồng, có tiền lì xì mấy đứa nhỏ cũng mừng.
Trong khi đó, từ quê nhà Quảng Ngãi, mẹ chị Hoài Thương giờ chỉ mong con trai út về ăn Tết vì nhà chị Thương đã xác định ở lại. "Thằng con trai bảo 28 tháng chạp mới về được nhưng không biết phút cuối có về được không" - cô Vân, mẹ chị Thương, lo lắng.
Cô bảo Tết nhà quê có con có cháu về mới chuẩn bị nhiều, còn năm nay thì "đến giờ này cũng chưa mua sắm gì". Người mẹ này nói giờ cũng chẳng trông chờ quà cáp của con cái làm chi, chỉ mong có năm nào con cái về ăn Tết được với gia đình thì vui.
Vui xuân nghĩ về người khó hơn mình
Mấy ngày này chị Thương cũng sắp xếp máy may nghỉ Tết vì hết hàng. "Dịch bệnh ai cũng vậy thôi, nên phải cố gắng. Thấy mình cũng còn may mắn vì còn bình yên và khỏe mạnh. Tết xa nhà thì đâu chỉ có mình. Nhiều người cũng phải ăn tết xa nhà, ăn tết trong khu cách ly. Mình còn được ăn tất niên với xóm giềng vậy là may mắn lắm rồi", chị tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận