Các học sinh đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM giành giải nhất phần thi giao hữu giữa các tỉnh, thành Đông Nam bộ - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Sáng 30-10 tại hội trường Sở GD-ĐT TP, ngay từ chặng Khởi động, đội học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (mỗi đội 4 học sinh) đã tự tin loại hết 3 đội còn lại (THPT Nguyễn Hữu Cầu, THPT Bà Điểm, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7) và giành số điểm rất thuyết phục.
Thua trong nước mắt
Với những câu hỏi về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người Việt Nam - cuộc thi không chỉ gay cấn đối với các đội thi mà còn “làm khó” cả người dự khán. Ví dụ như câu hỏi về cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn, các đội đã thi nhau trả lời là: Lê Hồng Sơn, Dương Hồng Sơn,...
Ở chặng đua Lăn Bánh, câu hỏi không quá khó khi yêu cầu các đội điền vào chỗ trống những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ. Và một lần nữa, đội học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân lại liên tiếp ghi điểm khi thể hiện khả năng bấm chuông rất nhanh (giành được quyền trả lời).
Sau hai vòng thi: số điểm đã phân chia theo thứ tự: hạng nhất Trường THPT Bùi Thị Xuân; hạng nhì Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu; hạng ba Trường THPT Bà Điểm; hạng tư Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7.
Tuy nhiên, đến vòng 3 và 4 (Tăng tốc và Cất cánh), 4 cô gái Trường THPT Bà Điểm đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục khi liên tục giành quyền trả lời và đạt số điểm sát nút đội của 4 chàng trai Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Khi MC thông báo: “Rất có thể ngôi vị á quân sẽ thay đổi” - cả hội trường như nín thở nghe câu hỏi cuối cùng của cuộc thi.
Các cổ động viên Trường THPT Bà Điểm hét to: “Bà Điểm! cố lên” đồng thời hi vọng đội thi của trường mình sẽ trả lời đúng câu hỏi cuối và giành ngôi á quân. Và... các cô gái Trường THPT Bà Điểm đã bật khóc khi đội bấm chuông giành quyền trả lời lại là... học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7.
Một MC đã đặt câu hỏi: “Tại sao các bạn Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7 không để cho hai đội Nguyễn Hữu Cầu và Bà Điểm đấu với nhau?” - một thí sinh đội Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7 đã trả lời rất vui vẻ: “Vì đội chúng em đi thi với tinh thần chơi hết mình”.
Các học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM chăm chú trả lời câu hỏi - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Cuộc thi duy nhất về khoa học xã hội
Theo ThS Nguyễn Minh - trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM, mỗi năm Sở GD-ĐT TP tổ chức nhiều cuộc thi phong trào nhưng “Cùng non sông cất cánh” là cuộc thi duy nhất có nội dung về kiến thức khoa học xã hội với mong muốn đào tạo một thế hệ trẻ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có lòng yêu nước, tự hào dân tộc và có lý tưởng sống.
Năm nay, nhằm mở rộng cuộc thi đến đông đảo học sinh thuộc các tỉnh thành phía Nam, ngay sau vòng chung kết giữa các đội trên địa bàn TP, ban tổ chức đã mở vòng thi đấu giao hữu giữa đội TP với các đội thi đến từ các tỉnh thành miền Đông Nam bộ”.
Các học sinh thuộc Sở GD-ĐT các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM đã có những màn tranh tài sôi động, quyết liệt để giành tấm vé vào chung kết.
Vượt qua các đội còn lại, các đội thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước là 3 cái tên được bước tiếp vào vòng chung kết. Ngay từ khi bắt đầu vòng chung kết, các học sinh thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho thấy khả năng vượt trội của mình khi chỉ sau 4 câu hỏi đầu tiên đã loại hết những thí sinh của hai đội Bình Dương và Bình Phước.
Trải qua 3 vòng đấu với những màn so tài kiến thức tổng hợp về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam các học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (Q.5,TP.HCM) thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM đã xuất sắc vượt qua những đội còn lại cuối cùng để giành ngôi vị quán quân trong vòng đấu giao hữu.
Trường THPT Bùi Thị Xuân giành giải nhất tại vòng chung kết cuộc thi Cùng non sông cất cánh lần 6 - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Câu hỏi không quá khó, nhưng để trả lời được buộc các em phải nhạy bén và có vốn kiến thức phong phú. Trương Kính Trí, thành viên đội thi thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Các câu hỏi trong chương trình vừa sức với chúng em, có nhiều câu tưởng chừng như rất khó nhưng khi xâu chuỗi các dữ liệu mà ban tổ chức gợi ý thì sẽ dễ dàng đưa ra đáp án. Các câu hỏi về lịch sử, địa lý Việt Nam thật sự rất thú vị”.
Không những thế, nhiều học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7 còn nhận xét: “Tham dự cuộc thi, chúng em thấy mình được mở rộng tầm hiểu biết hơn. Chúng em mong có nhiều cuộc thi như thế này, vừa là dịp học sinh trau dồi kiến thức vừa là dịp giải trí vì chúng em có những giây phút rất thoải mái và vui vẻ”.
Phát biểu tổng kết cuộc thi bà Bùi Thị Diễm Thu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - nhận định: “Trải qua 6 lần tổ chức, Cùng non sông cất cánh đã thực sự trở thành một sân chơi kiến thức bổ ích cho các em học sinh. Nội dung các câu hỏi trong cuộc thi sẽ góp phần bồi dưỡng, xây dựng và phát triển lòng yêu nước cũng như tinh thần tự hào dân tộc cho giới trẻ”.
“Ở vòng sơ kết, cuộc thi đã thu hút 125 đội (mỗi đội 4 học sinh) đến từ các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP. Cuộc thi bao gồm 6 vòng thi tương ứng với văn hóa vùng miền đặc sắc như: Hành trình đất phương Nam, Tây nguyên núi rừng hùng vĩ, Hành trình di sản văn hóa miền Trung, Thăng Long - ngàn năm văn hiến, Xin chào Việt Nam, Miền Đông - đất đỏ anh hùng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận