30/05/2015 09:57 GMT+7

Cùng nhìn lại mình

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TT - LTS: Câu chuyện “Vô cảm từ trong gia đình” của các bạn trẻ trong tuần đã thu hút được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn đọc.

Cha mẹ cũng phải “học” về cách yêu thương con cái - Ảnh: Quang Định
Cha mẹ cũng phải “học” về cách yêu thương con cái - Ảnh: Quang Định

Đa số ý kiến cho rằng có hiện tượng này là do phụ huynh đã bỏ qua, không để ý chăm chút đến cảm xúc của con cái bằng việc nuông chiều hoặc tạo áp lực quá mức. Nhưng cũng có một số ý kiến khác. Để khép lại câu chuyện, Nhịp sống trẻ xin nêu một số ý kiến với cùng tâm sự: tất cả cùng phải nhìn lại mình.

Thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ (giám đốc Công ty Tâm lý trẻ) chia sẻ:

Ở độ tuổi học sinh cuối cấp II, đầu cấp III, những đứa trẻ bắt đầu có hiện tượng khó khăn giao tiếp với những người trong gia đình. Thời điểm này, có thể cha mẹ vẫn chưa thích nghi được với việc con đang bắt đầu trưởng thành mà vẫn đối xử với một đứa trẻ nhỏ trong thể xác lớn: làm thay mọi việc, khen chê, la mắng, không hài lòng về con ngay trước mặt nhiều người, các mối quan tâm, các câu chuyện muốn trao đổi cũng khác. Đây là một giai đoạn tâm lý cực kỳ khó chịu vì chính bọn trẻ cũng không biết mình là người lớn hay trẻ con, không biết nên làm gì, vì thế chúng lựa chọn giải pháp an toàn là thu mình lại.

Ở những thế hệ trước, môi trường xã hội khi ấy an toàn nên bố mẹ cho con ra ngoài hoạt động nhiều, các bạn trẻ có thể tự “bắt song”, tìm bạn chơi với nhau. Bây giờ thì khác, chưa kể học hành lại quá nhiều nên trẻ không có cơ hội sống riêng, không có lấy khoảnh khắc riêng để suy nghĩ về mình, mơ mộng về tương lai, tương tư một chút về những thứ đang có. Cha mẹ tìm bạn, kết bạn cho con, nghĩ sự quan tâm của mình là an toàn nhưng thật ra lại là không vì họ đã tước đi quyền tự trải nghiệm của trẻ.

Với trẻ “vô cảm”, phải hiểu tâm sinh lý thông qua kiến thức ở sách vở, phương tiện truyền thông, phải quan sát con cái, lắng nghe, khuyến khích, tôn trọng ý kiến của trẻ để hỗ trợ trẻ vượt qua khó khăn. “Người lớn vô cảm” cũng nên có sân chơi cho họ phát huy khả năng, giúp họ hiểu mình thông qua các khóa học, hoạt động nhóm, đoàn thể, nhận biết và vượt qua hậu quả sang chấn tâm lý thời niên thiếu. Nếu buộc phải đến phòng khám tâm lý, cần có sự hợp tác giữa phụ huynh và trẻ. Vai trò nhà tâm lý là cầu nối nên nếu không có sự cởi mở và hợp tác sẽ không giải quyết được vấn đề. Thông thường, chỉ khoảng vài buổi là có thể cải thiện nếu đây là vấn đề chưa thuộc về bệnh lý.

HỒNG NHUNG ghi

Làm giàu cảm xúc cho giới trẻ

Có nhận định rằng cuộc sống của giới trẻ ngày nay dường như thiếu cảm xúc, vui buồn không biết thể hiện ra bên ngoài. Có ý kiến lại cho rằng đó là hiện tượng vô cảm. Song, thiếu cảm xúc ở đây cũng không phải hoàn toàn vô cảm  mà là hiện nay đang có một bộ phận giới trẻ thiếu kỹ năng bộc lộ cảm xúc, dẫn đến dễ bị mọi người xem là vô tâm, vô cảm...

Tuy nhiên, không bộc lộ thái độ cũng là một dạng cảm xúc tiêu cực. Chính việc không biết cách thể hiện cảm xúc hay sự quan tâm, yêu thương đúng mực khiến người thân trong gia đình cảm thấy trống trải, đau buồn... Hậu quả nghiêm trọng nhất với chính người không biết bộc lộ, bày tỏ cảm xúc là sự khô khan về đời sống tinh thần, sự lạnh lùng, nghèo nàn trong cách thể hiện, sự nhạt nhòa, nông cạn trong các mối quan hệ và dần dẫn đến sự ích kỷ trong suy nghĩ, thái độ cũng như hành vi đối với mọi người.

Thiếu cảm xúc là con đường ngắn nhất dẫn đến vô cảm, lệch lạc về nhân cách và tâm hồn. Có thể làm giàu cảm xúc bằng những việc cụ thể:

- Gia đình: cha mẹ phải tạo điều kiện tốt nhất để thường xuyên chia sẻ cùng con cái: vui có, buồn có. Hãy dạy cho các em cách bày tỏ thái độ phù hợp. Cho con được khóc, được cười hồn nhiên đúng với tuổi của chúng. Cha mẹ chính là tấm gương cho con bởi lời nói, hành động và sự quan tâm của cha mẹ đều phản chiếu trực tiếp đến con cái. Cha mẹ bày cho con cách bộc lộ cảm xúc của mình. Tốt nhất, tạo nên bầu không khí tâm lý vui vẻ trong gia đình. Đừng bao giờ nhốt các em trong các bức tường ngột ngạt. Những cảm xúc nếu được bộc lộ sẽ làm chúng ta thoát khỏi những cảm xúc dồn nén. Khi giải thoát những cảm xúc của mình, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn vì đã “quẳng gánh lo đi”.

- Nhà trường và xã hội: tạo điều kiện cho các em trải nghiệm, thể hiện được thái độ của mình với người khác, tạo các diễn đàn là nơi giúp các bạn trẻ có thể bộc lộ được những tâm tư, nguyện vọng cũng như cảm xúc của chính mình. Thường xuyên tổ chức các hoạt động mang tính sôi động, vui vẻ và huy động mọi thành viên tham gia. Bên cạnh đó cũng phê bình, nhắc nhở hoặc phê phán những thói hư tật xấu như thờ ơ vô cảm với những người xung quanh, với các hiện tượng bạo lực học đường, lối sống thực dụng...

Với những trường hợp bạn trẻ “ở trọ trong chính nhà mình” thì có thể thấy: ích kỷ là bản chất đã có từ khi sinh ra và nó sẽ như thế mãi nếu gia đình không giúp trẻ nhận ra điều này. Một đứa trẻ được khích lệ khi tự chăm sóc bản thân và chăm sóc, giúp đỡ người khác thì sẽ thành thói quen và thấy vui khi làm những việc đó. Nếu không được dạy, đứa trẻ chỉ biết mình. Gần như các trường hợp đến khám đều không tự lập, không chia sẻ, không biết đối nhân xử thế và cô đơn trong ngôi nhà mình là lẽ tất nhiên. 

 

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên