10/05/2020 10:15 GMT+7

Cùng gìn giữ gia sản cha ông

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Những vườn quế có giá bạc triệu, bạc tỉ tại xã Phước Thành, huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam được nhiều người dân ở đây xem như là gia sản mà cha ông để dành cho con cháu đời sau người Giẻ Triêng.

Cùng gìn giữ gia sản cha ông - Ảnh 1.

Những cây quế cổ thụ, có đường kính lớn được người dân bảo tồn, nhân giống - Ảnh: LÊ TRUNG

Quanh các gốc, vườn quế có chuyện làm kinh tế, chuyện chia sẻ yêu thương và sâu thẳm là chuyện gìn giữ một đặc sản truyền đời.

Của để dành

"Vườn quế đó do cha tôi trồng, cha mất rồi để lại cho tôi. Bây giờ mình vun vén, trồng thêm cây con, khi túng tiền thì mới đụng đến một khoảnh nhỏ nhưng bán những cây có thân xấu xí, cây có tuổi đời nhỏ chừng 10-13 năm thôi, còn cây cổ thụ mình giữ lại để bảo tồn, nhân giống" - anh Hồ Văn Xíu (35 tuổi, thôn 4, xã Phước Thành) chỉ vào vườn quế rộng chừng 0,5ha trên đồi núi cao nói.

Cha anh cách đây vài chục năm đã đổ mồ hôi, lăn lộn ở rừng tìm những cây quế con tự nhiên đem về rẫy nhà, bỏ công chăm sóc. Sau nhiều năm bền chí, vườn quế cho hạt, được gia đình ươm giống trồng dày thêm. 

Anh Xíu kể thời ấy cây quế chưa có giá trị cao như bây giờ, nhưng cha anh cũng như nhiều người già ở làng đều tin rằng cây quế sẽ giúp con cháu mình đổi đời trong nay mai.

Thật vậy, đến giờ anh Xíu không tin vào mắt mình, khi gia sản của cha để lại có giá trị đến vậy. Hàng trăm cây quế lớn nhỏ xếp dày đặc trên đồi mà theo anh, trong đó có tầm chục cây có tuổi 25-30 năm, có giá 3-5 triệu đồng. 

Nếu tính cả vườn quế hơn 300 cây của nhà anh Xíu thì cũng ngót nghét hàng trăm triệu đồng. Công sức, tâm huyết của cha để lại thì phải giữ, anh Xíu không cho phép mình chặt bán bừa bãi, mà dặn lòng phải vun vén cho rừng quế thêm tốt tươi. Anh Xíu nhẩm tính mỗi năm anh có thể bỏ túi vài chục triệu đồng từ vườn quế.

Cũng vậy, anh Hồ Văn Sơn (40 tuổi, thôn 4, xã Phước Thành) cũng có vườn quế rộng chừng 1ha là của để dành mà cha để lại cho vợ chồng anh. Anh Sơn cho biết những năm gần đây giá trị cây quế được nâng cao, thương lái mua vỏ, lá, hạt nhiều vô kể. "Mỗi vụ bán quế tôi có thể cầm trong tay hàng chục triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái" - anh Sơn tâm sự.

San sẻ yêu thương

Ở Phước Thành, người sở hữu vườn quế lớn nhất phải kể đến già Hồ Văn Ngòi (76 tuổi). Khu rừng quế rộng khoảng 10ha cách nhà già Ngòi chừng một giờ đi bộ về phía rừng. Mấy chục năm trước, già Ngòi đã lăn lộn vào nhiều cánh rừng tìm cây quế con đem về rẫy mình trồng. 

Giờ đây, vườn quế của già có hàng nghìn cây, trong đó hàng trăm cây là quế cổ thụ, có tuổi 40-50 năm, đó là một gia sản khổng lồ, tiền tỉ. "Mình già rồi, giờ chia lại rừng quế cho các con chăm sóc để chúng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo" - già Ngòi bộc bạch.

Ông Hồ Văn Phức - phó chủ tịch UBND xã Phước Thành - cho biết địa phương có 500 hộ thì hầu như nhà nào cũng trồng quế. Quế được trồng tầm 10-15 năm sẽ thu hoạch. 

"Mỗi năm Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm về cây giống, kỹ thuật để bà con chung tay trồng thêm, để quế Phước Thành được nhân rộng diện tích" - ông Phức nói. Theo ông Phức, quế là cây trồng chủ đạo, là cây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân trong xã. Nhà trồng ít thì thu nhập bình quân 50-70 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều mỗi năm thu 100-200 triệu đồng. Hiện đầu ra của cây quế bản địa Phước Thành rất tốt. Phước Thành từ một xã nghèo của huyện Phước Sơn nhờ cây quế mà dân Giẻ Triêng phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Nhưng trồng quế không chỉ là một cách để phát triển kinh tế, mà quan trọng nhất là để giữ nguồn giống quế bản địa. Vì thế, người dân Phước Thành giữ nguyên tắc không đụng đến những cây quế cổ thụ, là những cây được dân làng gắn bảng tên, đánh dấu thứ tự để theo dõi, chỉ đến mùa lấy hạt đem bán.

Với người cùng địa phương thì khác, chuyện bán hạt giống là chuyện không có. Người Giẻ Triêng ở đây đã san sẻ yêu thương với những hộ gia đình khó khăn. 

Đến mùa, những vườn quế cổ thụ cho hạt, rơi xuống đất thì những chủ vườn cho dân làng mình nhặt về ươm giống, trồng. Anh Xíu nói đến mùa thu hạt, người dân trong vùng đều có thể vào vườn quế của gia đình anh lấy hạt mang về tự gieo ươm giống để phát triển kinh tế. 

"Tui chỉ nghĩ đơn giản là mình có thì tạo điều kiện để bà con cũng có giống, chung tay trồng giữ rừng, vừa bảo tồn giống quế bản địa của mình" - anh Xíu tâm sự.

Ở Phước Thành, không chỉ người dân mà mỗi cán bộ xã ai cũng chung tay trồng quế, nhiều người sở hữu trong tay vườn quế bạc triệu, bạc tỉ. 

Ngay như ông Phức từ vườn quế cổ thụ tầm 20 cây được cha để lại, nhiều năm nay vợ chồng ông tích cực trồng cây con, nhân rộng diện tích được 1ha, mỗi đợt bán quế gia đình thu cũng tầm trăm triệu đồng. 

"Chúng tôi tin cây quế sẽ giúp dân bản thoát nghèo, vừa bảo tồn được giống quế bản địa nên cán bộ ở xã cũng trồng để bà con tin" - ông Phức nói.

Bảo tồn, nhân giống

ps gia sản của cha ông (1) (1) 3(read-only)

Những vườn quế bạt ngàn ở xã Phước Thành - Ảnh: LÊ TRUNG

Ông Nguyễn Quảng - phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết để bảo tồn giống quế bản địa, từ 3 năm trước huyện đã đầu tư kinh phí mời Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật lâm sinh (Viện Nghiên cứu lâm sinh, trụ sở tại TP Hà Nội) khảo sát rừng quế ở xã Phước Thành và chọn được 30 cây quế trội (quế cổ thụ có tuổi hàng chục năm) để bảo tồn, nhân giống trồng ở nhiều xã khác.

Hiện nay, bình quân mỗi năm thu hoạch hạt từ những cây quế này khoảng 60kg, từ nguồn này huyện tổ chức lực lượng gieo ươm mỗi năm 100.000 cây quế con để cấp phát, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân toàn huyện trồng nhằm phát triển kinh tế, bảo tồn nguồn giống.

"Sau ba năm triển khai, đến giờ diện tích trồng mới quế ở nhiều xã trên địa bàn huyện là hơn 140ha và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích những năm tới. Chúng tôi muốn bảo tồn giống quế bản địa, vừa tạo thu nhập cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo" - ông Quảng nói.

"250ha" là diện tích trồng quế ở xã Phước Thành với khoảng 100.000 cây quế lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm cây cổ thụ có đường kính 30-50cm, tuổi đời vài chục năm. Mỗi năm sản lượng khai thác quế ở địa phương này chừng 30ha. Thương lái thường mua cả thân, vỏ, lá và hạt quế với giá thị trường hiện khoảng 50.000 đồng/kg vỏ đã phơi khô, 270.000 đồng/kg hạt.

Gìn giữ trời xuân Gìn giữ trời xuân

TTO - 4h35. Không gian tĩnh lặng của trạm rađa 55 (trung đoàn 292 - sư đoàn 377 - Quân chủng phòng không không quân) đóng trên đảo Phú Quý, cách bờ biển Bình Thuận hơn 100km như bị rung lên bởi thanh âm hối hả từ kẻng báo động.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên