14/11/2021 07:42 GMT+7

Cùng dẫn dắt đội tuyển quốc gia lẫn U23: Không có lợi về lâu dài

HOÀI DƯ
HOÀI DƯ

TTO - Những năm gần đây, các quốc gia châu Á đang dần từ bỏ mô hình HLV tuyển quốc gia kiêm nhiệm đội tuyển U23 do mô hình này dù có nhiều ưu điểm nhưng về lâu dài là không có lợi.

Cùng dẫn dắt đội tuyển quốc gia lẫn U23: Không có lợi về lâu dài - Ảnh 1.

HLV Park Hang Seo chỉ đạo các cầu thủ trong trận Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong quá khứ, bóng đá Malaysia có giai đoạn rực rỡ khi HLV kiêm nhiệm Rajagopal Krishnasamy giúp đội U23 lẫn tuyển Malaysia vô địch SEA Games 2009 rồi AFF Cup 2010. HLV Kiatisak Senamuang cũng từng thành công với vai trò kiêm nhiệm khi đưa Olympic Thái Lan vào kết Asiad 2014 và đội tuyển Thái Lan lên ngôi tại AFF Cup 2014 và 2016.

HLV Park Hang Seo cũng gặt hái rất nhiêu thành công khi giúp U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á 2018, bán kết Asiad 2018, vô địch SEA Games 2019 còn tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian 2019 và vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Tuy nhiên, một số quốc gia từng thành công với mô hình HLV tuyển quốc gia kiêm nhiệm HLV tuyển U23 đang bắt đầu từ bỏ mô hình này. Tại vòng loại Giải U23 châu Á 2022 vừa qua, trừ Việt Nam và Indonesia sử dụng HLV kiêm nhiệm, các đội bóng khu vực Đông Nam Á đều có HLV đội tuyển U23 riêng.

Những đội bóng châu Á có mô hình kiêm nhiệm như Úc, Nhật Bản... cũng đã cử người khác nắm đội U23 tại vòng loại U23 châu Á 2022 để HLV tuyển quốc gia tập trung cho vòng loại World Cup 2022. Riêng HLV Park Hang Seo vừa mới cùng tuyển Việt Nam dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 phải lập tức sang tiếp quản đội U23 Việt Nam với mục tiêu giành vé dự vòng chung kết ở Uzbekistan.

Lợi thế của việc kiêm nhiệm là HLV có thể xây dựng một lối chơi thống nhất. Từ đó, các cầu thủ U23 khi lên tuyển quốc gia sẽ sớm bắt nhịp với cách thức vận hành lối chơi của "đội 1". Ngoài ra, HLV kiêm nhiệm sẽ hiểu được các cầu thủ ngay khi họ còn trẻ để tiếp tục uốn nắn phát triển trong màu áo tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, điều này mang đến cho HLV kiêm nhiệm rất nhiều thách thức. Đầu tiên, công việc của họ sẽ rất nhiều, dẫn đến việc bào mòn sự sáng tạo. Chẳng hạn trong năm 2021, HLV Park Hang Seo phải dẫn dắt tuyển Việt Nam đá vòng loại thứ 3 World Cup 2022, rồi tuyển U23 ở vòng loại U23 châu Á 2022. Với số lượng trận đấu lớn như vậy, ông Park không có nhiều thời gian để tìm tòi, tạo ra những thay đổi cho đội tuyển Việt Nam.

Ngoài ra, việc sử dụng HLV kiêm nhiệm sẽ dẫn đến việc ít sự phản biện. Điều này lý giải vì sao bóng đá Đông Nam Á vốn ưa chuộng mô hình HLV kiêm nhiệm lại đang có dấu hiệu thoát ra do về lâu dài là không có lợi.

Dẫn dắt đội tuyển quốc gia lẫn U22 Việt Nam: Ông Park căng mình trên các mặt trận Dẫn dắt đội tuyển quốc gia lẫn U22 Việt Nam: Ông Park căng mình trên các mặt trận

TTO - HLV Park Hang Seo sẽ không trở lại Việt Nam sau trận đấu với Oman, mà bay thẳng sang UAE để cùng đội tuyển U22 Việt Nam đang tập huấn tại đây chuẩn bị tham dự vòng loại Giải U23 châu Á 2022.

HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên