Phóng to |
Bà Trương Thị Thúy Năm Ảnh: Hà Bình |
Bốn mẹ con cùng học đại học
Chiều 12-8, chúng tôi tìm đến nhà bà Trương Thị Thúy Năm. Lúc này, bà Năm vừa tan ca làm tạp vụ ở một công ty gần nhà. Dành thời gian tiếp chúng tôi, bà kể: “Các con tôi reo lên khi biết tôi vừa đủ điểm trúng tuyển”.
“Tôi động viên vợ đi học” Ông Văn Dũng - chồng bà Trương Thị Thúy Năm - cho biết khi nghe vợ bảo muốn đi thi đại học trở lại, ông rất vui và luôn động viên vợ cố gắng thu xếp, cân đối thời gian giữa công việc, chăm lo cho các con và việc học. “Nhiều người hỏi tôi vợ lớn tuổi như thế rồi, đi làm lo cho con chứ đi học làm gì. Tôi nghĩ chỉ sợ không học được thôi chứ học được thì cứ học, chứ thật ra cũng chưa có dự định gì. Tôi động viên vợ cứ đi học, thi không đậu thì cũng biết thêm được nhiều điều...”. Ông Dũng đang làm việc tại một công ty ở Lâm Đồng, mỗi tháng ông về với vợ con bốn ngày. |
Thế là năm học tới, gia đình năm người của bà Trương Thị Thúy Năm sẽ có bốn người là sinh viên - bà Năm và ba người con. Con trai đầu của bà Năm hiện là sinh viên năm cuối ngành tài chính - ngân hàng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Con gái thứ hai bước vào năm 3 ngành hóa học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Thực hiện ước mơ dang dở
Bà Trương Thị Thúy Năm nhớ lại mình tốt nghiệp THPT từ năm 1984 tại Thanh Hóa. Khi ấy gia đình không đủ điều kiện nên bà đành gác lại việc thi ĐH. Sau đó bà theo gia đình đi kinh tế mới ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2003, bà Năm cùng chồng và các con chuyển đến sinh sống tại TP.HCM. Chồng đi làm xa, bà Năm ở nhà học nghề may để chăm lo cho ba người con ăn học.
Cuộc mưu sinh cứ như thế trôi đi. Thế rồi trong những buổi các con đến trường, sau giờ may vá bà tranh thủ lấy sách của con ra đọc. “Kiến thức văn, sử trong những trang sách ngấm vào người tôi lúc nào chẳng hay - bà Năm kể lại - Tôi hỏi các con: Hay là mẹ đi thi ĐH?”. Ủng hộ mẹ nhưng các con bà trêu: “Nếu không đậu thì mẹ... đừng có sốc”.
Quyết tâm thi ĐH và để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi, đầu năm 2011 bà Năm đăng ký luyện thi ĐH khối C tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM). “Mới vào lớp, các học sinh tưởng tôi là... giáo viên. Sau đó, chính các bạn và thầy cô giáo ở lớp thấy tôi lớn tuổi lại chịu khó học nên động viên thêm” - bà Năm kể.
Hỏi vì sao lại quyết định thi ĐH, bà Năm thật lòng tâm sự: “Ước mơ thuở bé được ngồi trên ghế giảng đường nhưng chưa thực hiện được nên bây giờ tôi cố gắng. Với lại, mình làm công việc tay chân, không có bằng cấp, không có trình độ nên ý kiến của mình không phải lúc nào cũng được người khác lắng nghe. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi đi học trở lại”.
Trò chuyện với bà Năm mới cảm nhận được sự say mê học tập của người phụ nữ này. Căn nhà nhỏ của gia đình bà ở P.Bình Hưng Hòa A có một kệ sách nhỏ, trên đó bên cạnh những cuốn sách về lịch sử, văn học trong nước còn có những tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng như Trăm năm cô đơn, Cuốn theo chiều gió, Ruồi trâu... bà và các con thường đọc.
Bà Năm say mê kể sau thời gian tích lũy kiến thức, bà đã hiểu thêm về lịch sử nước nhà, biết thêm về các đời vua chúa ở Việt Nam, biết được hoạt động của các tổ chức như Liên minh châu Âu hay Liên Hiệp Quốc... Bên cạnh đó, bà cũng theo dõi thông tin từ tivi, báo đài để cập nhật kiến thức.
Đã đậu ĐH, điều mà tân sinh viên 44 tuổi băn khoăn lúc này là không biết có xin được chuyển ca làm (hiện bà làm từ 7g-14g30) sang ban đêm để ban ngày đến trường hay không. Rồi cả những nỗi lo “rất sinh viên” như học quốc phòng sẽ phải ở lại trung tâm trong một tháng nên rất khó sắp xếp thời gian cho công việc và gia đình.
Trước những băn khoăn ấy, bà Năm lạc quan bảo “tùy cơ ứng biến” và lấy đó làm phương châm sống của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận