10/10/2020 10:45 GMT+7

Cùng bắt tay làm cho du lịch biển đảo tỏa sáng

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG
NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG

TTO - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp cơ sở lưu trú, giải quyết các vấn đề môi trường... Các địa phương đang tìm cách thúc đẩy du lịch biển đảo phát triển một cách bền vững.

Cùng bắt tay làm cho du lịch biển đảo tỏa sáng - Ảnh 1.

Nhộn nhịp người dân thăm đảo Phú Quý - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 9-10, tại hội thảo “Sơ kết Diễn đàn du lịch: Ấn tượng Việt Nam giai đoạn 1”, lãnh đạo 12 huyện đảo Việt Nam cùng Tổng cục Du lịch chung tay ấn nút phát động chương trình “Phát triển du lịch biển đảo”, sẵn sàng kích cầu du lịch những tháng cuối năm.

Du lịch biển đảo sẽ là sản phẩm, điểm nhấn của Diễn đàn du lịch: Ấn tượng Việt Nam giai đoạn 2. Nhiều sản phẩm mới sẽ được hình thành, mở ra những tour tuyến mới. Nhưng điều này cũng sẽ đặt ra bài toán làm sao để du lịch biển đảo phát triển một cách bền vững.

Phát huy thế mạnh của du lịch Việt

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng ý tưởng phát triển du lịch biển đảo mang rất nhiều ý nghĩa. Tổng cục Du lịch trân trọng và hoan nghênh sáng kiến và sự tích cực của báo Tuổi Trẻ đã đi cùng du lịch Việt Nam trong thời gian qua và tiếp tục chủ động hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa bằng việc phát động chương trình Ấn tượng Việt Nam giai đoạn 2 với chủ đề "Phát triển du lịch biển đảo".

Thực tế, hiện nay du lịch biển đảo đã rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhiều huyện đảo như Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) được nhiều du khách biết đến và đón hàng triệu lượt khách mỗi năm. Lãnh đạo các huyện đảo đều nhất trí rằng để giữ chân du khách, điều tiên quyết phải giữ được thương hiệu, bản sắc riêng của địa phương.

Ông Chu Việt Cường, thành viên hội đồng quản trị Vietjet Air, cho biết hãng bay nhìn thấy rất nhiều tiềm năng trong các điểm đến du lịch biển đảo. Để khai thác tiềm năng biển đảo, đại diện Vietjet cũng cho biết đã "phủ sóng" tất cả sân bay trong nước và lượng khách đi đến các điểm này có sự tăng trưởng cùng thời gian.

"Chúng tôi dự kiến trong thời gian tới sẽ nghiên cứu bay đến Côn Đảo, đưa khách tới một trong những điểm đến nhiều tiềm năng của du lịch Việt Nam", ông Cường nói.

Ông Phạm Huy Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Saigontourist Group, chia sẻ các huyện đảo luôn gợi cảm hứng cháy bỏng trong quá trình tìm kiếm, giới thiệu, khai thác các sản phẩm du lịch. Thực tế, du lịch biển, đảo Việt Nam đang lên ngôi và luôn sẽ là sản phẩm mang thế mạnh khác biệt và độc đáo, tạo ra nhiều giá trị cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Cùng bắt tay làm cho du lịch biển đảo tỏa sáng - Ảnh 2.

Từ trái qua: chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Trần Hùng Việt, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, hoa hậu Phan Thị Mơ thực hiện nghi thức phát động “Phát triển du lịch biển đảo” - Ảnh: T.T.D.

Lãnh đạo các huyện đảo tìm hướng đi riêng

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô, để giải quyết bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường, tất cả phương tiện di chuyển của du khách ở đảo này sẽ bằng xe điện, thân thiện với môi trường. 

Hiện nay cơ sở lưu trú ở Cô Tô có đến 3.000 phòng và 4 khách sạn 3 sao đang hoạt động. Đảo cũng ghi điểm với du khách khi chú trọng đến văn minh ứng xử du lịch, tuyên truyền việc làm thiết thực và được du khách ghi nhận.

"Chỉ cần khách rơi ví tiền, người dân nhặt được sẽ nhanh chóng liên hệ công an để hỗ trợ trả lại, tạo môi trường du lịch thân thiện với khách hàng" - ông Hùng nói và cho biết để thu hút khách du lịch đến với Cô Tô, trong những tháng cuối năm, địa phương sẽ vận động các cơ sở nâng cấp, tiếp tục kích cầu đón khách.

Ông Trương Mạnh Hùng - chủ tịch UBND huyện, phó Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn - tự tin: nếu tỉnh Quảng Ninh có 2.077 hòn đảo thì chỉ riêng ở Vân Đồn có đến 600 hòn đảo với hơn 200 hòn đảo có người dân ở. Do đó, việc phát triển du lịch biển đảo, ông Hùng cho biết sẽ có những bước tiến đột phá trong thời gian tới.

Bắt đầu đón khách du lịch từ năm 2017, ông Võ Viết Cường - bí thư Huyện ủy Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) - cho biết đây là hòn đảo nhỏ, khách từ đất liền ra đảo phải di chuyển hơn 17 hải lý. Tuy hấp dẫn nhiều du khách thập phương nhưng hiện nay cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. 

Với tiềm năng trong phát triển du lịch biển với cát trắng, tài nguyên hải sản phong phú, ông Cường cho biết ngoài vẻ đẹp hoang sơ của đảo, huyện này sẽ tập trung hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh, tìm hiểu về lịch sử. 

"Trong quá trình này, chúng tôi rất cần những sự tư vấn, góp ý của các công ty du lịch để phát triển những tour du lịch đến với Cồn Cỏ nhiều hơn", ông Cường nói.

Đảo ngọc mà sao lắm rác thế

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong quá trình hồi phục và phát triển du lịch sau dịch, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề và phải giải quyết câu hỏi để du lịch Việt Nam phát triển mạnh, chúng ta phải vượt qua những rào cản nào?

"Với các huyện đảo, khó khăn lớn nhất là xử lý môi trường. Trong dịp đến Phú Quốc cùng các chuyên gia, truyền thông quốc tế, trên đường từ sân bay trở về khách sạn, chúng tôi đã nhìn thấy bãi rác rất lớn. Rất nhiều khách quốc tế lúc đó hỏi: tại sao hòn đảo mệnh danh là đảo ngọc mà lại rác nhiều thế?", ông Khánh cho biết.

"Rõ ràng, tác động của môi trường là vấn đề lớn đối với tất cả các điểm đến du lịch. Tôi cho rằng trong phát triển du lịch biển đảo, cần tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng. Chúng ta đón những vị khách có khả năng chi trả cao, ở dài ngày, những người thực sự yêu thiên nhiên, biển cả", ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Viết Vy - bí thư Huyện ủy Lý Sơn - cũng thừa nhận ngay tại huyện đảo đang đối mặt với áp lực môi trường về nguồn nước. Với 2.000 giếng khoan nhưng 50% đã nhiễm mặn, nguồn nước ngọt thiếu hụt để phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân...

"Với diện tích chỉ 10km2 nhưng đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thu hút đông du khách đến tham quan, gia tăng nỗi lo về sức chứa khách lưu trú. Năm 2019, huyện đảo đón 270.000 lượt khách, hiện nay du lịch, dịch vụ đang đóng góp hơn 50% vào kinh tế của huyện đảo. Lý Sơn sẽ tiếp tục thu hút khách du lịch nhưng chú trọng chiều sâu, tạo sản phẩm chất lượng khách tiêu được nhiều tiền. Tăng trưởng doanh thu chứ không phải tăng nhiều khách" - ông Vy khẳng định.

Tương tự, dù doanh thu du lịch tăng đột biến trong những năm gần đây nhưng ông Nguyễn Anh Nhựt - phó bí thư, phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - cho biết đang đối diện với nhiều phát sinh về môi trường như bãi rác quá tải. "Các bãi rác cũng như những cái gai trong mắt du khách mà chúng tôi phải giải quyết nếu muốn thu hút thêm du khách", ông Nhựt chia sẻ.

Theo ông Trương Quốc Thanh - giám đốc Trung tâm văn hóa, thông tin và truyền thông huyện Phú Quốc, thời gian qua các tập đoàn lớn đầu tư khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Phú Quốc, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, người dân phấn khởi nhờ cải thiện và ổn định. 

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện, giao thông kết nối từ máy bay đến đường tàu cao tốc Hà Tiên, Rạch Giá - Phú Quốc được hình thành, mới đây là tuyến Phú Quốc - Cà Mau. Những công trình này giúp hành khách tới Phú Quốc ngày càng dễ dàng.

"Trong thời gian tới, Phú Quốc sẽ tập trung phát triển du lịch biển, trở thành điểm đến thu hút khách quốc tế khi tổ chức nhiều sự kiện thành công như thi hoa hậu, đám cưới tỉ phú" - ông Thanh nói...

Ông Nguyễn Trùng Khánh (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):

Sẽ tiếp tục các chương trình kích cầu

Tổng cục Du lịch cam kết luôn đồng hành chặt chẽ với các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp trong kết nối phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, cũng như phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông kích cầu du lịch nội địa. Bên cạnh đó, cũng sẽ tiếp tục chuẩn bị để du lịch Việt Nam thực sự an toàn và hấp dẫn, sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất.

Diễn đàn du lịch: Ấn tượng Việt Nam với chủ đề Phát triển du lịch biển đảo và liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục cùng chương trình kích cầu cả nước làm nên những thành công mới cho ngành du lịch Việt Nam.

Những "đơn hàng" từ cuộc thi "Quê hương tôi"

lyson

Đảo Bé cách đảo Lớn Lý Sơn 10 phút đi tàu, vé 40.000 đồng/người, bán từ 7h - Ảnh: T.T.D.

Nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn du lịch: Ấn tượng Việt Nam 2020, cuộc thi đã nhận về hàng trăm bài viết dự thi chia sẻ về cảnh đẹp, văn hóa, sản vật địa phương, cùng các ý kiến đóng góp, hiến kế… của bạn đọc gửi về. Cuộc thi lần này không chỉ là sân chơi bổ ích báo Tuổi Trẻ gửi đến bạn đọc cả nước, mà đó cũng là thông điệp: mỗi công dân trở thành đại sứ quảng bá du lịch cho quê hương, đất nước.

Chia sẻ với tác giả bài viết về huyện đảo mình, ông Nguyễn Viết Vy, bí thư Huyện ủy Lý Sơn, đánh giá bài viết của tác giả rất phù hợp định hướng của địa phương thời gian tới, đó là giải quyết thách thức, mặt trái của phát triển kinh tế: làm sao để quá trình này không ảnh hưởng đến tính cách con người địa phương.

Buổi sơ kết đọng lại trong màn trao giải cuộc thi viết "Quê hương tôi" khi tác giả Lê Thị Hiệp, người đoạt giải nhất cuộc thi với bài viết "Ở Lý Sơn người ta dùng tình đón nhau", cho biết những cảm xúc trong chuyến tham quan Lý Sơn đã đem đến thêm cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước.

Mở diễn đàn hiến kế, phát động du lịch biển đảo nhằm kích cầu du lịch lần 2 Mở diễn đàn hiến kế, phát động du lịch biển đảo nhằm kích cầu du lịch lần 2

TTO - Chiều 9-10, lãnh đạo của 12 huyện đảo Việt Nam đã cùng gặp nhau nhau giữa lòng Sài Gòn, bàn cách liên kết, hợp tác phát triển du lịch biển đảo.

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên