Phóng to |
Ông Lại Xuân Thanh - Ảnh: T.Phùng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh, phó cục trưởng Cục Hàng không, nói:
- Đây là vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của Cảng vụ hàng không miền Trung nhưng là việc được dư luận xã hội quan tâm nên Cục hàng không đã rút toàn bộ hồ sơ để trực tiếp thụ lý. Hiện nay đã giao cho thanh tra cục xem xét. Cục chưa nhận được báo cáo chính thức của Vietnam Airlines (VNA) nhưng đã nhận được biên bản phi hành đoàn lập và đây là một văn bản chính thức cho việc xem xét xử lý vì luật quy định phi hành đoàn có quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung là đơn vị chịu trách nhiệm về an ninh mặt đất cũng có báo cáo nhưng các báo cáo này chưa nêu được ý kiến phản ảnh từ các nhân chứng khác. Ở đây phân tách hai giai đoạn, khi an ninh hàng không xử lý và trước khi an ninh hàng không có mặt. Việc ông Khương có vi phạm hay không nằm ở giai đoạn trước khi an ninh hàng không có mặt, trong giai đoạn khi máy bay đã lăn bánh và theo quy định của pháp luật, đây được xem là tình huống máy bay đang bay.
Sẽ gặp một số nhân chứng Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 22-4, luật sư Trần Thu Nam - trưởng văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự - cho biết hôm nay 23-4, ông sẽ làm việc với một số nhân chứng tại TP.HCM là hành khách trên chuyến bay VN1169 ngày 18-4-2011. Luật sư Nam cũng đề nghị các hành khách khác trên chuyến bay VN1169 chứng kiến sự việc hãy tiếp xúc với ông và thông tin khách quan về vụ việc để phía luật sư chuẩn bị hồ sơ trước khi có ý kiến chính thức với VNA và cơ quan chức năng. Trong khi đó, ông Lê Minh Khương cho Tuổi Trẻ biết hiện tình hình sức khỏe của ông đã bình thường. Ông Khương tiếp tục khẳng định hành vi của mình không có sự vi phạm về an ninh hàng không vì còn có nhiều người trên máy bay chứng kiến sự việc. |
- Hiện nay chưa thể khẳng định điều này mà chỉ chắc chắn khi thụ lý điều tra, cục ra quyết định chính thức. Việc cục quyết định thụ lý vì đánh giá sơ bộ ban đầu là ông Khương có hành vi vi phạm hành chính, cụ thể là gây rối trật tự trên máy bay nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không còn phải có cả một quy trình theo quy định của pháp luật, phải xác định được rõ ràng hành vi.
Và để đảm bảo tính khách quan phải có sự thẩm định, nguồn cung cấp của các nhân chứng là rất quan trọng. Nếu người ra quyết định tự đánh giá tài liệu của phi hành đoàn, hãng hàng không là tốt mà không đi tìm hiểu nhân chứng thì người ra quyết định phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
* Trong sự việc này, mức độ vi phạm như thế nào mà đến mức cơ trưởng phải yêu cầu an ninh hàng không can thiệp?
- Theo quy định, nếu có hành khách gây rối mà cơ trưởng thấy rằng nếu tiếp tục chuyến bay sẽ không bảo đảm được an toàn, an ninh chuyến bay đó thì hoàn toàn có quyền quyết định dừng chuyến bay và đề nghị can thiệp. Luật pháp đã trao cho cơ trưởng quyền như vậy và an ninh hàng không phải thực hiện theo yêu cầu của cơ trưởng chứ không có nhiệm vụ phải lên tìm hiểu vấn đề rồi quyết định hành khách đó được ở lại máy bay hay không.
* Một số nhân chứng cho rằng có sự rối loạn và an ninh hàng không có hành vi hành hung với ông Khương?
- Ở đây chúng ta phải hiểu thế nào là hành hung. Nếu hành khách chống đối thì phải trấn áp, còn khách không chống đối mới là hành hung. Do đó phải làm rõ tất cả các chi tiết. Việc an ninh hàng không thực hiện theo yêu cầu của cơ trưởng là cưỡng chế.
* Cục có xem xét mức độ báo cáo của cơ trưởng yêu cầu để đảm bảo đúng bản chất sự việc hoặc thông báo thái quá dẫn đến can thiệp của an ninh hàng không hay không?
- Theo đánh giá ban đầu thì cơ trưởng không thái quá mà chính xác trong việc này. Kể cả các luồng trái chiều đều nói rằng ông Khương không tuân thủ các yêu cầu của phi hành đoàn, kể cả yêu cầu cơ bản nhất là anh phải về chỗ ngồi và thắt dây an toàn. Với việc không thực hiện yêu cầu này thì cơ trưởng có thể dừng chuyến bay rồi.
* Trường hợp tiếp viên của VNA sai trong cách ứng xử với ông Khương thì có điều khoản nào xử lý VNA hay không?
- Phải xem xét xử lý sai thế nào, nếu VNA xử lý sai với hành khách thì đó là quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ (VNA) và người sử dụng dịch vụ (hành khách). Việc cơ trưởng quyết định quay lại mà không phải vì an ninh an toàn thì cục không thể xử lý vi phạm hành chính về hành vi đó. Nếu vi phạm về an ninh an toàn thì có thể xử lý về mặt hành chính, còn hành vi của anh (phi hành đoàn - PV) không đúng với vai trò người cung cấp dịch vụ thì đó là quan hệ dân sự giữa khách hàng được cung cấp dịch vụ và người cung cấp.
Với Cục hàng không, hành vi sai của tiếp viên không thể biện hộ cho hành vi gây rối của hành khách nếu có. Tiếp viên sai mà vì cớ đó khách có quyền thế này thế khác thì quyền lợi của bao nhiêu hành khách trên máy bay xử lý thế nào? Với hàng không thì không có sự biện hộ này.
* Việc VNA tuyên bố sẽ đưa hành khách Lê Minh Khương vào “danh sách cấm bay” có đúng hay không?
- Việc từ chối vận chuyển hành khách nằm trong điều lệ vận chuyển của hãng hàng không. Quyền đi lại là của công dân, nhưng cấm phải đúng quy định.
Tòa án là nơi giải quyết tốt nhất Luật sư Hà Hải, đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng: Hành vi của ông Khương nếu vì bức xúc do trễ chuyến cũng không nằm trong quy định của điều 12 Luật hàng không về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng. Vì vậy nếu VNA sử dụng lực lượng an ninh đánh, cưỡng chế ông Khương ra khỏi máy bay trước mặt nhiều hành khách là hành vi thái quá, lạm quyền. Theo Luật dân sự, ông Khương có quyền khởi kiện yêu cầu VNA xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, theo luật sư Trương Xuân Tám - phó chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: điều 12 nghị định 60/2010/NĐ-CP có quy định xử phạt hành vi gây rối, gây mất trật tự trên chuyến bay có thể bị xử phạt tiền từ 1-3 triệu đồng, nhưng VNA cần phải chứng minh được hành vi vi phạm trật tự, kỷ luật trong máy bay. Trường hợp nếu HLV Lê Minh Khương có chứng cứ, người làm chứng cho mình không có lỗi thì hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án để yêu cầu VNA bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị thiệt hại. Chỉ tại tòa án, nơi tốt nhất để các bên có quyền bình đẳng và sẽ chủ động đưa ra các chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. |
Tin bài liên quan:
HLV Lê Minh Khương "không bị đánh"?Đạo diễn Trần Lực sẵn sàng làm chứngCục Hàng không xử lý vụ hành khách Lê Minh Khương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận