04/05/2019 08:23 GMT+7

Của riêng còn một chút này...

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Trong khi Đà Nẵng đang tính đến chuyện "chọn lọc du khách", dẹp "tour 0 đồng" vì lo ngại cơ sở hạ tầng quá tải thì Cù Lao Chàm "của riêng còn một chút này", sao không để dành cho những lần quay lại miền đất di sản của du khách phương xa?

Của riêng còn một chút này... - Ảnh 1.

Trình diễn canô trên biển Cù Lao Chàm - Ảnh: TẤN VŨ

Giữa năm 2014, khi Cù Lao Chàm mở tuyến đường nối vòng quanh đảo, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự khi ấy đã bỏ ra hai ngày cuối tuần đi xem cây cổ thụ già nhất cánh rừng vừa được phát hiện.

Sau khi đi một vòng trên con đường đất mới san ủi đầy bụi, ông đưa cả đoàn ghé lại khu vườn gần đó mua trái cây giải khát.

Chủ nhân khu vườn là hai ông bà lão tuổi chừng ngoài 60, con cái đã vào đất liền sinh sống, nhưng vì muốn giữ lại mảnh đất tổ tiên nên ông bà vẫn bám trụ mưu sinh bằng nghề bán trái cây cho khách du lịch.

Đêm đó, ngay tại bãi Hương, ông Sự đã nói rõ quan điểm phát triển Cù Lao Chàm với các thuộc cấp.

Đại ý câu chuyện: nếu muốn dựng lên những khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Cù Lao Chàm như mấy hòn đảo bên Bali ông đã làm từ lâu.

Nhưng hễ ông còn nhiệm kỳ nào thì quyết không bao giờ để xảy ra chuyện đó, vì ông muốn phát triển bền vững để dân trên đảo ai cũng có công ăn việc làm, chứ "khách đã vào mấy khu nghỉ dưỡng thì họ ăn uống và sinh hoạt trong đó, ai mà ra làng làm chi".

Thứ đến vì Cù Lao Chàm là khu bảo tồn sinh quyển, viên ngọc quý của thiên nhiên nên phải phát triển thận trọng, tránh tác động lớn.

Mấy ngày qua, khi chuyện mở tour từ Đà Nẵng ra Cù Lao Chàm căng thẳng, nhiều người chợt nhớ hai lý do phát triển bền vững mà ông Sự nói năm nào.

Điều gì làm cho Cù Lao Chàm trở nên hấp dẫn với những người làm tour khắp nơi? 

Hòn đảo vừa hiếm ở chỗ chặng hành trình di sản, vừa quý vì nơi đây là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận ở miền Trung. Đi chơi sông, núi, biển ở Huế - Đà Nẵng - Hội An riết rồi cũng chán vì địa phương nào cũng có. "Duy ngã độc tôn", muốn đi đảo khách phải nương nhờ vào Cửa Đại, Hội An.

Vậy có cần phải khai phá ồ ạt trên hòn đảo vốn bé tẹo với vài điểm tham quan nghèo nàn, mà nếu cưỡi ngựa xem hoa chỉ lượn trong một buổi sáng là xong? Bởi nhìn về những "điểm nóng" trên bản đồ du lịch, Cù Lao Chàm có chỗ tựa hệt như Sa Pa có khả năng lâm vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng, có thể tranh chấp nước sinh hoạt với nông nghiệp.

Không chỉ đảo nhỏ, dân ít, cua đá, rau rừng, san hô ở khu sinh quyển này cũng cần có thời gian phục hồi. Giá trị du lịch cao, nguy cơ rủi ro lớn, tại sao lại phải đi tận thu?

Cù Lao Chàm quá gần với các đô thị, nhưng bao năm nay vẫn giữ được sự cuốn hút riêng của mình bởi ở đó vẫn còn những cánh đồng lúa, những cây ngô đồng, giếng cổ và những người dân bao đời sống nhờ vào thiên nhiên.

Và bởi đó còn là nơi nói không với túi nilông bằng một chính sách kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Trong khi Đà Nẵng đang tính đến chuyện "chọn lọc du khách", dẹp "tour 0 đồng" vì lo ngại cơ sở hạ tầng quá tải thì Cù Lao Chàm "của riêng còn một chút này", tại sao không để dành cho những lần quay lại miền đất di sản của du khách phương xa?

Tour du lịch Đà Nẵng - Cù Lao Chàm: Bài toán cần tính kỹ lưỡng Tour du lịch Đà Nẵng - Cù Lao Chàm: Bài toán cần tính kỹ lưỡng

TTO - Phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển dài lâu. Đó là ý kiến phản hồi của bạn đọc về dự định mở tuyến du lịch biển từ Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và việc gìn giữ môi trường ở khu dự trữ sinh quyển này.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên