Phóng to |
Một “cửu vạn” gánh 2 can dầu được bọc trong bao tải xuống bến Tân Long chờ chuyển qua bên kia sông |
Có mặt tại Lao Bảo ngày 16-7, tức chỉ 2 ngày sau khi Chỉ thị 1529 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về việc chống buôn lậu xăng dầu qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo có hiệu lực, chúng tôi đã chứng kiến những dòng xăng dầu đang ngày đêm không ngừng chảy sang bên kia biên giới.
Dòng sông chảy ngược, xăng dầu chảy xuôi
Bắt nguồn từ con suối La La lịch sử trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, trước khi chảy ngược về bên đất bạn Lào, sông Sê Pôn có hơn 10km là đường biên giới hữu nghị với một bên là các xã Tân Thành, Tân Long và thị trấn Lao Bảo của huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), một bên là huyện Denxavẳn, tỉnh Xavannakhẹt của Lào.
Lợi dụng địa thế “núi liền núi, sông liền sông” này, nhiều năm qua sông Sê Pôn trở thành một điểm “nóng” về buôn lậu trên dọc dài tuyến biên giới Việt Nam – Lào với hàng hóa chủ yếu là thuốc lá, điện tử, mỹ phẩm, đường… nhập lậu vào Việt Nam.
Từ khi giá xăng dầu biến động với mức chênh lệch giữa Việt Nam và Lào có thời điểm lên đến 4 - 5 ngàn đồng/lít, con sông hiền hòa này lại trở thành con đường vận chuyển, buôn bán trái phép xăng dầu qua biên giới. Đứng tại bờ sông cách trạm kiểm soát đường sông chỉ vài bước chân, trong vòng hơn 20 phút sáng 16–7, chúng tôi đã đếm được hơn 10 ghe thuyền “xuất bến” chở theo hàng chục can xăng dầu vượt sông. Con sông chỉ rộng hơn 100m mà lúc nào cũng nhộn nhịp ghe thuyền, buôn bán tấp nập chẳng kém gì chợ nổi trên sông tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Phóng to |
Vượt biên giới sang Việt Nam đổ xăng |
Anh Khang cũng cho biết, đường đi của những can xăng dầu này bắt đầu từ các trạm xăng dầu trong Khu thương mại Lao Bảo được chuyển vào ban đêm xuống các bến sông, sau đó chờ thời cơ thuận tiện đưa xuống đò hàng chuyển qua bên kia sông. Phương thức này là “đánh” lớn – mà trước đó vài ngày, các lực lượng kiểm tra đã bắt giữ trong đêm ngay tại đường biên giữa sông một đối tượng người Lào chở 80 can xăng dầu với số lượng 2.200 lít. Còn vận chuyển nhỏ lẻ thì sáng ra người dân đi chợ Karôn bên đất Lào chỉ cần xách 1 can loại 30 lít sang bên kia sông là đã có hơn 30 ngàn đồng. Khi về, họ lại xách vài chục cây thuốc lá, hoặc bao đường là coi như ngày đó kiếm được cả trăm ngàn đồng.
Còn trên bộ, tuy không nhộn nhịp như dưới sông, nhưng xăng dầu xuất lậu lại công khai và lớn hơn nhiều. Mỗi ngày có hàng trăm phương tiện mà đa số là xe tải nặng của các doanh nghiệp Lào vận chuyển hàng hóa vào Khu thương mại Lao Bảo, khi về đổ đầy xăng dầu vào hai bình chứa (350 – 400 lít) là mỗi bác tài đã kiếm lời được cả triệu đồng. “Với cách này thì chúng tôi chịu, không sao kiểm soát được. Mặt khác, mình đâu có quyền gì cấm, hoặc kiểm tra xăng dầu trong thùng của họ được” – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo Lê Chí Dụng than thở.
Chống xuất lậu xăng dầu bằng cách nào?
Phóng to |
Ghe thuyền chở hàng lậu và xăng dầu tấp nập trên sông Sê Pôn, biên giới Việt - Lào |
Về nội dung chỉ đạo “Các trạm xăng dầu chỉ bán trực tiếp vào phương tiện, không bán xăng dầu vào các thùng chứa, can chứa”, nhiều trạm xăng dầu trong Khu thương mại Lao Bảo nói mới chỉ biết được qua truyền hình (!?). Đi từ cổng A tại Cửa khẩu Lao Bảo về cổng B tại Khe Sanh dài hơn 20 cây số, chúng tôi đếm được có đến gần 20 trạm xăng dầu lớn nhỏ, trong đó chiếm chủ yếu của tư nhân và các doanh nghiệp liên doanh.
Tại Trạm xăng dầu Lao Bảo (Công ty Xăng dầu Quảng Trị), một nhân viên bơm xăng nói với chúng tôi: “Nghe nói chỉ thị căng lắm, ai vi phạm là bị kỷ luật liền”. Nói là vậy, nhưng chỉ 10 phút sau người nhân viên này thản nhiên bơm đầy dầu vào bình 30 lít cho một người dân. Khi tôi đưa máy ảnh lên chụp, anh ta liền van nài “Đừng chú, cháu bị đuổi việc mất”. Tại trạm xăng dầu doanh nghiệp tư nhân Tân Long, người bán hàng còn thản nhiên nói: “Đã được phép bán, thì bán ở mô mà chẳng được, mắc gì lại cấm tụi tui không được đổ vào can”.
Việc kiểm tra và xử lý các vụ vận chuyển, buôn bán xăng dầu qua biên giới theo chỉ thị của Chính phủ và của tỉnh Quảng Trị, theo các lực lượng chống buôn lậu tại Cửa khẩu Lao Bảo, là rất khó khăn.
Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Lao Bảo Nguyễn Viết Tân nói: “Hàng ngày lực lượng tuần tra trên sông chỉ kiểm tra và bắt giữ xăng dầu khi đã được chất lên các ghe thuyền đẩy ra giữa sông. Còn những can xăng dầu đang ở trên bờ, hoặc trong nhà dân thì mình lại không được kiểm tra, bắt giữ họ do hành vi buôn bán và xuất lậu chưa diễn ra. Thời gian qua, ngoài vụ hơn 2.000 lít dầu ta bắt giữ được, còn lại là vài can với số lượng nhỏ chẳng đáng là bao. Hay tại các trạm xăng dầu, nhân viên bán hàng bơm vào các can, thùng cho người mua, ta cũng không xử lý họ được vì việc làm này không thể cho là hành vi vi phạm được. Chẳng lẽ ta phạt tiền hay thu giữ xăng dầu của họ sao?”.
Chống xuất lậu xăng dầu bằng biện pháp nào vào thời điểm hiện nay? Câu hỏi này của chúng tôi đưa ra cho các lực lượng chống buôn lậu tại Cửa khẩu Lao Bảo và điều thực tế là đều nhận được câu trả lời: “Rất khó”. Nhiều cán bộ có trách nhiệm tại đây còn nói rất vô tư: “Cứ tăng xăng dầu bằng giá với họ là chống được ngay”. Rõ ràng, các giải pháp chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới, không riêng gì đối với Cửa khẩu Lao Bảo, vẫn chưa cụ thể, chưa kiên quyết từ phía địa phương và các ngành chức năng. Trong khi đó, dòng xăng dầu vẫn đang ngày đêm không ngừng chảy qua biên giới...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận