Bộ Công Thương đã có trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh gửi đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Nhiều giải pháp ngăn chặn các hành vi lừa đảo
Theo đó, cử tri phản ánh việc mua hàng online đang là hình thức phổ biến. Việc kinh doanh này giúp cho cả người bán và người mua tiết kiệm được thời gian, chi phí thanh toán.
Tuy nhiên, xảy ra tình trạng người dân đặt mua hàng online khi nhận về nhiều sản phẩm chất lượng kém, có dấu hiệu lừa đảo, gần như không có sự quản lý của cơ quan chức năng.
Đề nghị có giải pháp quản lý hiệu quả tình trạng trên để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trả lời nội dung này, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch trên không gian mạng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Trong đó, bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị định 85/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 52/2013 về thương mại điện tử.
Theo đó, đã tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ các thông tin hàng hóa vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ, minh bạch hóa thông tin hàng hóa/dịch vụ trên không gian mạng.
Đồng thời phải có cung cấp đầu mối phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc phản ứng nhanh với các vụ việc vi phạm pháp luật...
Tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2023 cũng bổ sung trách nhiệm của các chủ thể vận hành nền tảng số/nền tảng số trung gian với người tiêu dùng đối với các giao dịch trên không gian mạng.
Cùng với đó, bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành quyết định 319 phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Như xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội.
Cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Xử lý hàng trăm vụ vi phạm, phạt hành chính nhiều tỉ đồng
Bộ Công Thương cũng thông tin năm 2021 đã yêu cầu các sàn, các website rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm.
Năm 2022 gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm. 3 quý đầu năm 2023 gỡ bỏ/khóa 6.112 gian hàng với 19.319 sản phẩm vi phạm.
Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 10 tỉ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 5 tỉ đồng.
Điển hình như, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), lực lượng công an địa phương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook tại Hà Nội, Gia Lai.
Trong đó, thu giữ hàng nghìn sản phẩm trang sức mỹ ký, thời trang... được livestream bán trên mạng xã hội tại 3 cửa hàng ở Lào Cai.
Kiểm tra chuỗi kinh doanh xe đạp điện của một công ty, phát hiện hàng trăm xe vi phạm. Chuyển cơ quan điều tra khởi tố 2 bị can trong vụ buôn bán hàng giả là thực phẩm trên các nền tảng mạng xã hội tại Hà Nội...
Từ đó, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại bền vững tại Việt Nam.
Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử. Như xây dựng và trình Chính phủ dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng; chủ động yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phối hợp rà soát, gỡ bỏ thông tin sản phẩm, hàng hóa vi phạm pháp luật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận