02/11/2011 11:19 GMT+7

"Cú sốc" Hy Lạp đẩy thị trường thế giới trượt dốc

H.MINH
H.MINH

TTO - Ngày 1-11, nội các Hy Lạp đã thông qua việc ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng George Papandreou về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý càng sớm càng tốt đối với kế hoạch cứu trợ mới nhất dành cho nước này.

sKIKfhXC.jpgPhóng to

Chỉ số công nghiệp Dow Jones ở Mỹ đã giảm hơn 300 điểm sau những tin tức từ Hy Lạp - Ảnh: Getty Images

CNN dẫn lời các bộ trưởng sau cuộc họp rằng cuộc bỏ phiếu ở nội các diễn ra vài giờ trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, các nhân vật cấp cao ở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) có cuộc gặp khẩn cấp với các quan chức Hy Lạp ở Cannes, Pháp, ngay trước hội nghị thượng đỉnh G-20.

Ngay sau tuyên bố của ông Papandreou, thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu đã giảm điểm mạnh. Nếu người dân Hy Lạp không chấp nhận các giải pháp thắt chặt chi tiêu của chính phủ kèm theo gói cứu trợ, đồng nghĩa với việc nước này sẽ buộc phải rút ra khỏi khối các nước sử đụng đồng euro, được coi là một cú sốc lớn với tài chính toàn cầu.

Các thị trường chứng khoán Đức và Pháp đều đóng cửa với mức giảm khoảng 5% vào ngày 31-10, trong khi chỉ số FTSE của London giảm 2,4% và Dow Jones của Mỹ giảm gần 300 điểm.

Giá dầu thô thế giới trong các phiên giao dịch ngày 1-11 tiếp tục trượt dốc. Tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 giảm 1 USD xuống còn 92,19 USD/thùng. Tại London, giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng tháng đã giảm 2 cent xuống còn 109,54 USD/thùng.

Chỉ trích gay gắt

Ông Papandreou đang tìm kiếm sự ủng hộ của người dân Hy Lạp đối với kế hoạch cứu trợ này, đã mất vài tháng mới đạt được. Tuy nhiên, động thái mới đã làm xáo trộn tình hình chính trị Hy Lạp và lời kêu gọi trưng cầu ý dân của ông Papandreou đã làm phật lòng các nước châu Âu.

Ông Sarkozy và bà Merkel đã ra một tuyên bố chung với lời lẽ gay gắt vào ngày 31-10 nói họ “quyết tâm đảm bảo việc triển khai toàn diện, không trì hoãn, những quyết định đã được thông qua ở hội nghị thượng đỉnh, vốn lúc này cần hơn bao giờ hết”.

Cựu thứ trưởng tài chính Hy Lạp, Petros Doukas, một thành viên của Đảng dân chủ mới đối lập, nói với CNN rằng ông nghi ngờ về khả năng cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra. Ông Papandreou hiện đang đứng trước áp lực lớn từ châu Âu, thị trường và các đảng đối lập ở Hy Lạp rút lại đề xuất này, theo lời Doukas.

Ông Doukas cho rằng hành động của Papandreou giống như một canh bạc chính trị sai lầm khi tìm cách khiến các phe phái đối lập cũng phải chia sẻ gánh nặng của những cải cách không được lòng dân. Tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý cũng đã đặt ông Papandreou lung lay về quyền lực khi một nghị sĩ bỏ đảng cầm quyền khiến thủ tướng chỉ còn giữ được đa số hơn hai ghế ở quốc hội.

Các thỏa thuận đạt được tuần trước sẽ giúp Hy Lạp giảm một nửa số nợ công đang ở mức rất cao, nhưng kèm theo là hàng loạt biện pháp thắt chặt chi tiêu có thể dẫn đến biểu tình và bạo động trên đường phố. Các nhà lãnh đạo nước ngoài đang yêu cầu Athens phải tăng thuế, bán bớt các công ty nhà nước và cắt giảm chi tiêu chính phủ, đồng nghĩa với việc phải sa thải hàng chục nghìn nhân công trong lĩnh vực nhà nước.

Hiện vẫn chưa có ngày cụ thể cho cuộc trưng cầu dân ý, dù truyền thông địa phương nói nó có thể diễn ra vào tháng 1. Một cuộc thăm dò công bố cuối tuần trước ở Hy Lạp cho thấy 60% người dân nước này phản đối thỏa thuận cứu trợ. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò khác lại cho thấy 70% người dân nước này muốn tiếp tục ở lại trong khối đồng euro.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên