22/07/2019 19:41 GMT+7

Cử nhân Anh văn 63 tuổi đăng ký xét tuyển vào đại học lần nữa để thỏa đam mê

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Chiều 22-7, 'thí sinh' Đào Thị Thư, 63 tuổi, đến đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Văn Hiến. Trước đó, bà Thư có bằng cử nhân tiếng Anh khi đã 60 tuổi.

Cử nhân Anh văn 63 tuổi đăng ký xét tuyển vào đại học lần nữa để thỏa đam mê - Ảnh 1.

Bà Thư nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học- Ảnh: M.G

Nhà bà Thư ở quận 8, TP.HCM. Bà đã chuẩn bị khá kỹ càng các hồ sơ mang theo để đăng ký xét tuyển với chứng chỉ tú tài phổ thông cấp năm 1974 đã nhàu nát được ép nhựa cẩn thận và một bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh của Trường đại học Hà Nội cấp năm 2016 còn mới tinh.

Bà Thư đăng ký xét tuyển vào ngành piano và tiếng Pháp bậc đại học. Được biết, bà tuy là giáo viên dạy organ ở hai trường mầm non nhưng với piano, bà thú nhận là chưa biết nhiều. Bà bảo đã mua sách về tự học, đánh được nhiều bài nhưng kỹ thuật còn rất yếu. 

"Tuổi cũng đã lớn nên việc học piano có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Tôi thích piano nên đi học cái chính là để thỏa đam mê của mình mà trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Hơn nữa, tôi muốn học thêm piano để có thêm kiến thức, dạy các bé tốt hơn" bà Thư nói.

Đọc báo thấy Trường đại học Văn Hiến miễn học phí đại học cho người trên 60 tuổi, bà Thư quyết định đăng ký xét tuyển. 

Đi học là đam mê nhưng nó cũng giúp mình xả stress vì gặp được nhiều người, có niềm vui. Mình lớn tuổi nên đầu óc hay quên nên việc học chắc cũng sẽ khó khăn. Nhưng không sao, quên thì mình phải học nhiều hơn để quên ít hơn!

Bà Đào Thị Thư

Mình cũng có thể học tốt được! 

Năm 1974, bà Thư chọn học hóa sinh ở Đại học Khoa học để lấy chứng chỉ dự bị đại học chuyển sang Đại học Y khoa. Học được một năm, miền Nam được giải phóng. Bà Thư vẫn tiếp tục học thêm một năm nữa sau 1975. Tuy nhiên, điều kiện gia đình bấy giờ quá khó khăn nên bà bỏ ngang việc học. 

Chẳng bao lâu sau thì bà Thư lấy chồng. Chuyện gia đình, con cái đã chôn vùi ước mơ đi học của bà Thư 32 năm đằng đẵng, cho tới năm 2007. Khi đó, con cái đã trưởng thành, yên bề gia thất, bà quyết định quay lại trường học thực hiện ước mơ của mình.

Nhưng học gì ở tuổi 51? Bà Thư chọn học tiếng Anh bởi trước đây bà từng rất thích học môn này. Bà học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ Trường đại học Sư phạm TP.HCM và bà phải học lại căn bản A, B, C từ đầu. Ngay từ khóa đầu tiên, điểm số của bà Thư khá cao và bà nhận thấy "mình cũng có thể học tốt được".

Bà Thư có 3 năm liên tiếp học tiếng Anh ở Đại học Sư phạm TP.HCM rồi từ chứng chỉ tiếng Anh, bà chuyển qua học thi TOEIC. Bà khoe, khi kết thúc 3 năm học tại đây, điểm TOEIC của bà đạt mức 600. 

Năm 2011, bà Thư tiếp tục dự thi đại học từ xa của Trường đại học Hà Nội. Sau 5 năm miệt mài, bà Thư tốt nghiệp cử nhân ngành ngôn ngữ Anh năm 2016 với điểm tốt nghiệp trung bình khá.

Cử nhân Anh văn 63 tuổi đăng ký xét tuyển vào đại học lần nữa để thỏa đam mê - Ảnh 4.

Bằng tốt nghiệp ĐH ngành ngôn ngữ Anh của bà Thư - Ảnh: M.G

Háo hức ngày xưa

Trước đây, bà Thư thích học y khoa và tiếng Anh nhưng cha mẹ bà lại không muốn cho con gái học nhiều, bà lại là chị hai, phía sau còn cả một đàn em nhỏ, nhà không khá giả gì.

Khi tôi thi xong tú tài, ba mẹ vứt hết sách vở ra đường, không cho đi học nữa. Hàng xóm lượm rồi lén đưa lại cho tôi. Cũng buồn nhưng vẫn đăng ký vào Đại học Khoa học. Vì không muốn cho con đi học nên ba mẹ không cho tiền mua sách vở, tôi lấy vở cũ, xé những tờ giấy chưa viết đóng lại thành tập để đi học. Ba mẹ ngăn hoài không được nên sau đó cũng xuôi.

Bà Thư nhớ lại.

Cử nhân Anh văn 63 tuổi đăng ký xét tuyển vào đại học lần nữa để thỏa đam mê - Ảnh 6.

Bà Thư thử đánh một vài bản nhạc trên đàn piano tại Trường đại học Văn Hiến - Ảnh: M.G

Học vì đam mê nhưng chính đam mê ấy đã đưa bà Thư sang một ngã rẽ khác. Sau khi có bằng B tiếng Anh, bà được mời dạy ở một số trung tâm ngoại ngữ nhỏ. Khi có bằng đại học tiếng Anh, bà lại được mời dạy ở hai trường tiểu học tại quận 5, TP.HCM. 

Hàng ngày tiếp xúc với các bé, niềm vui cuộc sống của bà như được nhân đôi. Có lẽ vì vậy mà nhìn vẻ ngoài, bà rất trẻ so với tuổi 63. Bà Thư đang theo học tiếng Pháp ở trung tâm ngoại ngữ. Bà chia sẻ nếu không trúng tuyển đại học ngành piano, bà sẽ chọn học tiếng Pháp. 

Nói về thí sinh đặc biệt này, ông Huỳnh Hoàng Cư - trưởng khoa nghệ thuật Trường đại học Văn Hiến - cho biết, người lớn tuổi học nghệ thuật nhiều nhưng đó là các khóa ngắn hạn. Đây là lần đầu tiên ông thấy có một học viên lớn tuổi như vậy đăng ký học đại học chính quy.

Khi lớn tuổi, học ngành gì cũng sẽ khó khăn hơn so với lúc trẻ. Với nghệ thuật, các ngón tay và phản xạ không còn nhanh nhạy nhưng nếu có đam mê và cố gắng, tôi nghĩ ai cũng có thể học được. Nếu có đam mê, chúng ta có thể vượt qua trở ngại tuổi tác. Học sớm sẽ dễ dàng hơn nhưng muộn vẫn hơn không!

Ông Huỳnh Hoàng Cư - trưởng khoa Nghệ thuật trường Đại học Văn Hiến

Cử nhân Anh văn 63 tuổi đăng ký xét tuyển vào đại học lần nữa để thỏa đam mê - Ảnh 8.

Chứng chỉ tú tài phổ thông của bà Thư - Ảnh: M.G

Miễn học phí cho người từ 61 tuổi

Kỳ tuyển sinh năm 2019, Trường đại học Văn Hiến công bố chương trình Học tập suốt đời ở bậc đại học. Theo đó, các thí sinh từ độ tuổi từ 22 đến 61 tuổi sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi từ 20% đến 100% học phí.

Độ tuổi càng lớn thì mức ưu đãi càng cao. Thí sinh từ 61 tuổi trở lên được miễn 100% học phí. Đại diện nhà trường cho biết đây là chính sách để hỗ trợ những người vì lý do nào đó chưa thể học hoặc học dở dang đại học, giúp họ thực hiện ước mơ học tập của mình.

Về việc hồ sơ bà Thư thiếu điểm học kỳ 2 môn văn trong học bạ do điểm khác biệt về đạo tạo thời kỳ trước giải phóng, trường cho biết sẽ trình lên ban lãnh đạo nhà trường xét đặc cách cho thí sinh đặc biệt này. Bà Thư sẽ được miễn phí 100% học phí suốt khóa học.

Các mốc thời gian xét tuyển đại học thí sinh cần ghi nhớ Các mốc thời gian xét tuyển đại học thí sinh cần ghi nhớ

TTO - Nhiều trường đại học hiện đã công bố điểm sàn. Để có thể vào được đúng trường, đúng ngành yêu thích, thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian xét tuyển mà Bộ GD-ĐT quy định.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên