22/08/2022 14:10 GMT+7

Cứ lên tàu, xe là hoảng hốt, chóng mặt, phải làm sao?

XUÂN MAI ghi
XUÂN MAI ghi

TTO - Ngoài tự chạy xe máy, tôi không thể đi bất kỳ phương tiện nào vì cứ ngồi lên tàu, xe là lại hốt hoảng và phải cần thuốc để giữ bình tĩnh. Tôi phải làm sao?

Cứ lên tàu, xe là hoảng hốt, chóng mặt, phải làm sao? - Ảnh 1.

Thường xuyên xuất hiện nỗi sợ khi ngồi sau xe máy hay đi các phương tiện khác, có thể bạn bị cơn panic attack (chứng hoảng loạn) rất khó trị - Ảnh: XUÂN MAI

* "Tôi là nữ, năm nay ngoài 40 tuổi, đã có gia đình. Tôi bị say tàu xe rất nặng và hay bị đau đầu từ nhỏ đến lớn. Phương tiện di chuyển giúp tôi tỉnh táo và thoải mái nhất là xe máy.

Cách đây 3 năm tôi bắt đầu xuất hiện triệu chứng mất thăng bằng, hoảng hốt khi ngồi sau xe máy do người khác chở. Một số triệu chứng đôi khi xuất hiện thêm là choáng váng, chóng mặt, không thở được, tay chân tê cứng, lạnh ngắt, toát mồ hôi... Nhiều lần tôi phải vào cấp cứu.

Tôi đi gặp bác sĩ thần kinh và uống thuốc suốt một thời gian dài. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn lo âu. Uống thuốc được 1 năm tôi bình phục. Được vài tháng sau tôi lại xuất hiện triệu chứng tương tự khiến tôi không thể nào ngồi xe máy cho người khác chở mà chỉ có thể tự cầm lái.

Tôi lại đi bác sĩ và được chẩn đoán rối loạn hoảng loạn, lại uống thuốc. Đến nay hơn 1 năm, tôi vẫn uống thuốc nhưng triệu chứng mất thăng bằng vẫn không giảm, vẫn không thể đi bất kỳ phương tiện nào ngoài việc tự chạy xe máy.

Tình trạng này kéo dài khiến tôi luôn sợ di chuyển. Tôi rất muốn khắc phục để có thể bình thường như bao người... Xin các bác sĩ cho tôi lời khuyên" (Bạn đọc ttkt…@gmail.com)

- BS.CKII Vũ Kim Hoàn - phó phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa tâm thần - nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - trả lời:

Với những triệu chứng nêu trên, có thể bạn bị cơn panic attack (chứng hoảng loạn) - một trong những bệnh lý rối loạn lo âu. Chứng này xảy ra một cách bất ngờ khi không có một mối đe dọa hoặc mối nguy hiểm nào rõ ràng xuất hiện. Một cơn hoảng loạn có thể kéo dài từ vài phút đến nửa ngày nhưng ảnh hưởng sau đó về mặt thể chất và tinh thần thường kéo rất dài.

Hiện nguyên nhân gây ra cơn panic attack vẫn chưa rõ ràng. Trong một số trường hợp, các cơn hoảng loạn có thể đi kèm với các rối loạn lo âu khác như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD - Post Trauma Stress Disorder), rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ không gian rộng hoặc các nỗi sợ khác, rối loạn ám ảnh cưỡng chế…

Các cơn hoảng loạn này rất khó trị và thời gian điều trị dài. Nếu không được điều trị, chúng sẽ khiến bạn sợ hãi những nơi công cộng do các cơn hoảng loạn tái đi tái lại ở những nơi này và tần suất xuất hiện cơn ngày càng nhiều và thời gian cơn sẽ kéo dài ra.

Bạn nên đến Bệnh viện Tâm thần hoặc các cơ sở chuyên khoa tâm thần để được bác sĩ thăm khám kỹ và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Tư vấn bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, phát hiện Tư vấn bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, phát hiện 'triệu chứng hoảng loạn'

TTO - Hoạt động qua một tuần lễ, hơn 2.000 y, bác sĩ trong mạng lưới 'Thầy thuốc đồng hành' đã gọi điện thoại cho trên 49.000 bệnh nhân COVID-19. Sự đồng hành của họ đã góp phần giảm tải cho các đồng nghiệp đang ở tuyến đầu.

XUÂN MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên