Crimea: sóng gió một cuộc trưng cầuToàn cảnh sự kiện "Ukraine"Crimea bỏ phiếu trưng cầu dân ý, cờ Nga đầy trên phố
Người dân ở Crimea bỏ phiếu để quyết định có sáp nhập lại với Nga hay không - Ảnh: AFP |
Cuộc trưng cầu ý dân bị Kiev và phương Tây coi là “bất hợp pháp”, nhưng được Nga ủng hộ. Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, Kiev đã lên tiếng chỉ trích Nga chiếm một cơ sở phân phối khí và một làng ở khu vực giáp với Crimea, coi đó là hành động “xâm lược quân sự” của Nga. Theo Reuters, số quân của Nga tại Crimea đã lên tới 22.000 quân trong hôm qua.
Với phần đông dân số là người gốc Nga, quyết định tách khỏi Ukraine để sáp nhập với Nga dường như chỉ là vấn đề thủ tục đối với cộng hòa tự trị Crimea (vốn là lãnh thổ của Nga cho tới tận năm 1954).
Trách nhiệm giờ thuộc Nga
Với 58,5% dân là người Nga (24,4% người Ukraine và 12,1% người Tartar), Crimea gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu ủng hộ trở lại với nước Nga. Các hòm phiếu đóng cửa lúc 1g sáng nay theo giờ Việt Nam. |
Việc sáp nhập chính thức có thể sẽ diễn ra sau vài tuần hay vài tháng và kể cả nếu không diễn ra, một điều chắc chắn là Crimea giờ sẽ thuộc trách nhiệm của Nga. Nghị sĩ Leonid Slutsky của Nga coi Crimea như là nơi ghi dấu việc Nga đứng lại chống Washington và chấm dứt giấc mơ về “thế giới đơn cực” của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Ekho Moskvy, nghị sĩ Slutsky, người đứng đầu ủy ban về các nước láng giềng của Hạ viện, khen ngợi cách Kremlin xử lý cuộc khủng hoảng ở Crimea, củng cố “quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin” và là yếu tố quan trọng trong “củng cố xã hội” của nước Nga.
Washington Post trích lời giáo sư Mark Galeotti của Đại học NYU (Mỹ) cho rằng nước Nga đang để trái tim lên trên đầu trong xử lý vấn đề Crimea. Với ông, Kremlin đang hành động hết sức cảm tính.
Việc gia nhập nước Nga, dù chính thức hay không, sẽ buộc Matxcơva phải tiếp nhận thêm 2 triệu người. Mặt thuận là Nga đảm bảo chắc chắn đối với tương lai của hạm đội Biển Đen và có thể khai thác một vài mỏ khí ngoài khơi. Ngoài ra, tuyến đường dẫn khí tới châu Âu (thay cho đường đi qua Ukraine hiện tại) có thể đi qua Crimea - giúp Nga cắt giảm chi phí thay vì xây đường ống dưới biển.
Giá đắt với Matxcơva
Nhưng cái giá của Crimea, theo giới phân tích, là không hề rẻ. Theo Washington Post, kể từ khi Ukraine độc lập năm 1991, Crimea thường phải nhận tiền viện trợ từ chính quyền trung ương, giờ gánh nặng sẽ chuyển sang ngân khố của Nga. Các nhà kinh tế ước tính Matxcơva sẽ phải chi khoảng 3 tỉ USD/năm để nuôi Crimea. Hôm 14-3, Nga đã cam kết sẽ chi 1 tỉ USD trong năm tới dù Crimea có sáp nhập hay không.
Ngoài ra, hiện toàn bộ nguồn điện và nước uống của Crimea đều lấy từ Ukraine. Nga phải tiếp tục chi trả khoản tiền này cho đến khi xây dựng được cơ sở hạ tầng tại đây cũng như hoàn tất cây cầu dài nối Crimea với lãnh thổ của Nga. Một tính toán của tờ Moskovsky Komsomolets của Nga nói Kremlin sẽ phải chi 20 tỉ USD cho Crimea trong vòng ba năm tới.
“Có thể lên tới 30 tỉ USD” - nghị sĩ Slutsky nói. Theo ông, cái giá “đương nhiên là đắt” nhưng cho rằng để ủng hộ người Nga ở Crimea thì cái giá này là chấp nhận được. Là một trong những vùng nghèo nhất của Ukraine, du lịch là nguồn thu chính của Crimea. Nhưng du lịch ở đây sẽ cần nhiều tháng mới hồi phục được sau những bất ổn chính trị. Ngoài ra, Crimea sẽ phải cạnh tranh về du lịch với chính Sochi, nơi Nga đã bỏ ra hơn 50 tỉ USD cho Thế vận hội mùa đông 2014.
Tỉ lệ ủng hộ ông Putin tăng ở Nga Các cuộc thăm dò cho thấy chỉ số ủng hộ Tổng thống Putin ở nước Nga đã tăng mạnh kể từ sau Thế vận hội Sochi và cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cuộc điều tra của Levada, cơ quan điều tra độc lập, cho thấy chỉ số ủng hộ ông Putin đã tăng lên hơn 70% kể từ sau cuộc khủng hoảng (tương đương thời kỳ 10 năm đầu ông cầm quyền). Phần lớn người dân Nga đều cho rằng chính quyền ở Ukraine là bất hợp pháp và chỉ có 6% dân Nga “phản đối hoàn toàn” việc chiếm Ukraine bằng quân sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận