Các "nhân dạng" ảo được lập lên để thao túng thông tin, tức "hành vi không xác thực" theo định nghĩa của Facebook. - Ảnh: BUZZFEED
Nhiều công ty truyền thông (PR) ở các quốc gia khác nhau vừa được "bêu tên" trong chiến dịch truy quét các hành vi thao túng thông tin trên Facebook, hé lộ một kiểu dịch vụ truyền thông mới: vận hành các mạng lưới trang, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin tuyên truyền theo ý "khách hàng".
Hôm 3-10, Facebook loan báo đã xóa 211 tài khoản, 107 trang fanpage, 43 nhóm trên Facebook và 87 tài khoản Instagram trong đợt "truy quét" mới nhất của chiến dịch ngăn hành vi lạm dụng mạng xã hội để tiến hành "hành vi không xác thực có phối hợp" (coordinated inauthentic behavior).
Kiểu vi phạm này được Facebook định nghĩa là "khi nhiều trang hoặc tài khoản cá nhân phối hợp với nhau để đánh lừa người khác về việc họ thực sự là ai và đang thực sự làm gì".
Những chiến dịch cần đến việc "hiệp đồng tác chiến" giữa các trang và nhóm Facebook thường chỉ xuất hiện khi một khu vực hay quốc gia đang có vấn đề nóng như các phong trào nổi dậy, bạo loạn hay bầu cử.
Các đối tượng điều hành chiến dịch thường dùng tài khoản giả để quản lý các trang và nhóm trên Facebook, thông qua các kênh này đăng các nội dung (bài viết, hình ảnh, video, liên kết đến các trang web) liên quan đến vấn đề, sự kiện đang "nóng" đó.
Chẳng hạn, trong số các tài khoản và trang, nhóm Facebook vừa bị xóa sổ có 69 tài khoản cá nhân, 42 trang và 34 tài khoản Instagram dùng để đăng các nội dung về cuộc bạo loạn ở Tây Papua (Indonesia). Các trang Facebook này có gần nửa triệu lượt người bấm "like", còn các tài khoản Instagram đều có ít nhất 120.000 người theo dõi.
Theo đại diện Facebook, các trang Facebook nói trên đều được thiết kế để trông giống như trang của các tổ chức truyền thông hay các nhóm vận động, song mục đích chính là để lan truyền các thông tin liên quan đến phong trào vận động đòi ly khai ở Tây Papua.
Những kẻ tổ chức đã chi tổng cộng 444.000 USD để chạy quảng cáo và quảng bá các bài viết trên Facebook trong chiến dịch này và bị Facebook phát hiện là có "hành vi không xác thực có phối hợp".
Nathaniel Gleicher, giám đốc chính sách an ninh mạng của Facebook, nhấn mạnh Facebook xử lý các tài khoản hay trang, nhóm dạng này vì "hành vi" chứ không phải "nội dung" được đăng tải, đồng nghĩa với việc vi phạm dạng này khác với việc truyền bá tin tức giả, dù cũng là một kiểu thao túng thông tin.
"Những người đứng sau các hoạt động (tạo trang, nhóm; chia sẻ thông tin; đăng tải các đường link) này phối hợp với nhau và sử dụng tài khoản giả để che giấu thân phận, có hoạt động và hành vi không chính danh, và đó là cơ sở để chúng tôi (xử lý chúng)" - Gleicher giải thích với trang ABC News của Úc.
Đây không phải lần đầu Facebook công bố đã "ra tay" với "hành vi không xác thực" trên nền tảng của mình. Song, điều đáng nói là hoạt động phối hợp để thao túng thông tin lần này có liên quan đến các công ty PR, trong khi một số trường hợp trước đây Facebook điều tra ra được nhiều chiến dịch "đánh lạc hướng có tổ chức" là do các chính phủ chống lưng.
Trong thông báo ngày 3-10, Facebook cho biết trong trường hợp ở Tây Papua, "dù những kẻ đằng sau hoạt động này đã cố che giấu nhân thân", mạng xã hội này có bằng chứng cho thấy các chiến dịch hợp đồng tác chiến này có liên quan đến công ty truyền thông InsightID (Indonesia).
Tương tự, hãng PR Charles Communications của UAE được cho là đứng sau chiến dịch thao túng thông tin, với các nhân viên dùng tài khoản giả để đăng tải thông tin tuyên truyền chống Qatar và ủng hộ UAE.
Để hiểu mục đích của chiến dịch tuyên truyền này, cần hiểu bối cảnh UAE (cùng với Ai Cập) đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng quốc gia này ủng hộ khủng bố. Công ty truyền thông MintReach ở Nigeria, và hai hãng PR Ai Cập là Flexell và El Fagr cũng liên quan đến các tài khoản bị xóa trong đợt "dọn dẹp" gần nhất của Facebook.
Những diễn biến mới này cho thấy dường như tổ chức các mạng lưới thao túng thông tin đang là dịch vụ mới mà các công ty PR sẵn sàng "thầu".
"Ngày càng có nhiều công ty PR hay công ty truyền thông chiến lược cung cấp dịch vụ tuyên truyền trên không gian số cho đủ loại khách hàng, trong đó có các chính phủ" - Samantha Bradshaw, nhà nghiên cứu thuộc dự án Tuyên truyền số của Đại học Oxford, nói với trang BuzzFeed News.
Trước đó, hồi tháng 9 Facebook cũng công bố đã xóa 168 tài khoản và 149 trang Facebook đến từ Iraq và Ukraine vì "hành vi không xác thực", trong đó công ty truyền thông Pragmatico được cho là có liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận