"Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều nhân tài" - ông Ishihara cho rằng nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn với Nhật Bản, quốc gia đối mặt với gánh nặng thiếu hụt lao động và dân số già. Tập đoàn Rakuten, vốn được mệnh danh là "đế chế thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản", cũng là một trong nhiều doanh nghiệp Nhật đã tìm đến Việt Nam.
* Kế hoạch phát triển nhân lực của Rakuten Fintech Việt Nam sắp tới ra sao, thưa ông?
- Công ty thẻ tín dụng Rakuten Card đã thành lập Rakuten Fintech Việt Nam làm trung tâm phát triển vào tháng 10-2021 với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường phát triển hệ thống cho dòng dịch vụ đang mở rộng và hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh liên tục cho các hệ thống CNTT để tạo thành nền tảng cho các dịch vụ của Rakuten Card.
Kể từ khi thành lập, Rakuten Fintech Việt Nam đã thuê các nhân tài CNTT ở Việt Nam để phát triển dịch vụ cho các ứng dụng hướng tới người tiêu dùng cũng như hệ thống cho các cửa hàng liên kết và các công cụ tự động hóa kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hiện chúng tôi đang có 75 nhân sự ở đây, trong đó có 65 nhân viên là kỹ sư điện tử. Chúng tôi kỳ vọng có thể tăng gấp đôi số lượng nhân viên lên khoảng
150 - 160 người tính đến cuối năm sau. Chúng tôi xem trọng việc trao đổi cởi mở để tạo ra một tổ chức vững mạnh.
Đương nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô công ty của mình và tập trung vào việc phát triển hệ thống thẻ tín dụng Rakuten Card. Dù vậy trong tương lai, nếu có thể, chúng tôi hy vọng có thể đủ lớn mạnh để hỗ trợ các công ty con khác trong Tập đoàn Rakuten.
* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường lao động trong mảng CNTT của Việt Nam?
- Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều nhân tài. Malaysia cũng có nguồn kỹ sư giỏi, nhưng quy mô dân số và nắm bắt về kỹ thuật cốt lõi (engineering core) chưa bằng Việt Nam. Và nếu so với Indonesia thì nguồn nhân tài của Việt Nam nhiều hơn.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp quan trọng để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong ngành CNTT, nâng cao kỳ vọng về lâu dài trong việc đảm bảo và triển khai nhân tài công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, sự chênh lệch múi giờ tối thiểu giữa Nhật Bản và Việt Nam là lý tưởng để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu kinh doanh tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, từ góc độ lịch sử, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ rất tốt. Đó cũng là một trong những lý do chúng tôi quyết định đặt văn phòng tại Việt Nam.
* Rakuten Fintech Việt Nam có kế hoạch gì để chiêu mộ nguồn kỹ sư CNTT tại Việt Nam?
- Chúng tôi liên tục mở rộng kênh tuyển dụng tại Việt Nam. Trước đây, chúng tôi chỉ tuyển qua bên thứ ba, nhưng hiện tại đã tuyển thêm thông qua các nền tảng tìm việc. Chúng tôi cũng tham gia các sự kiện hay ngày hội việc làm tại nhiều trường đại học nhằm thu hút sinh viên mới tốt nghiệp.
Bên cạnh việc tuyển dụng, chúng tôi cũng cung cấp cho các kỹ sư nhiều cơ hội để tìm hiểu thêm về dịch vụ của Tập đoàn Rakuten và công ty thẻ Rakuten Card. Tập đoàn Rakuten cũng cung cấp nhiều cơ hội đào tạo chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng mềm.
Chúng tôi thường mời diễn giả đến từ Nhật Bản sang Việt Nam chia sẻ, đồng thời tổ chức các khóa trao đổi Nhật cho các kỹ sư có cơ hội đối thoại và thảo luận với khối kinh doanh. Bằng những cơ hội này, tôi tin rằng Rakuten Fintech Việt Nam sẽ có thể thu hút nhân tài nhiều hơn nữa.
Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Rakuten Fintech Việt Nam là công ty phát triển hệ thống và đang tập trung phát triển thẻ Rakuten Card. Vì vậy, chúng tôi có thể đóng góp cho hoạt động của Rakuten ở Nhật Bản thông qua nguồn lực kỹ sư tại Việt Nam.
* Ông cho rằng các kỹ sư CNTT Việt Nam cần cải thiện điều gì để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của mình?
- Không hẳn là có gì cần "cải thiện", nhưng tôi mong các kỹ sư CNTT của Việt Nam hiểu thêm về ngành công nghệ tài chính nói chung và cụ thể là ngành thẻ tín dụng hiện nay.
Tất nhiên họ hiểu rất rõ về công nghệ, nhưng nếu họ kết hợp được cả kiến thức kinh doanh và kiến thức kỹ thuật, tôi nghĩ họ có thể đóng góp nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Rakuten có văn hóa làm việc nhóm, chúng tôi giao tiếp rất nhiều. Các kỹ sư của chúng tôi không làm việc với phong cách nhận yêu cầu từ công ty rồi ngồi viết mã (coding). Ở Rakuten, chúng tôi cùng nhau lên ý tưởng và trao đổi. Vì vậy, việc giao tiếp ở Rakuten là rất quan trọng. Để giao tiếp tốt hơn, các kỹ sư cũng cần hiểu chiến lược kinh doanh là gì và kế hoạch kinh doanh này sẽ đạt được mục tiêu như thế nào.
Đối với những kỹ sư trẻ tài năng, họ có cơ hội tìm hiểu về mảng công nghệ tài chính khi đến với chúng tôi. Đương nhiên chúng tôi mong họ sẽ cùng làm việc với Rakuten lâu dài. Song nếu họ học hỏi về ngành công nghệ tài chính sau quá trình làm việc cùng chúng tôi, họ có thể đóng góp cho thị trường này của Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam cần bổ sung nhân lực CNTT
Theo báo cáo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số do FPT Digital công bố vào tháng 4-2023, Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư CNTT và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm. Song chỉ có khoảng 30% lực lượng này có thể đáp ứng yêu cầu công việc thực tế.
Trong tổng số 51 triệu lao động tại Việt Nam, tỉ lệ nhân lực CNTT trên tổng số lao động quốc gia ước tính đạt 1,1%. Đây là tỉ lệ khá thấp khi so với các quốc gia định hướng phát triển công nghệ như Mỹ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận