03/06/2021 13:49 GMT+7

Công ty nào tại Việt Nam hoàn thiện vắc xin Sputnik V của Nga?

L.ANH
L.ANH

TTO - Vắc xin Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga sẽ được chuyển bán thành phẩm bằng đường hàng không đến Việt Nam để đóng ống và xuất khẩu.

Ông Đỗ Tuấn Đạt - chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế (Vabiotech) - cho biết công ty đã cơ bản đạt được thỏa thuận và hiện đang ở bước thẩm định quy trình gia công, tiến tới việc công ty sẽ tham gia khâu đóng ống vắc xin Sputnik V của Nga cho mục đích xuất khẩu theo yêu cầu của Nga.

Số vắc xin này là ngoài số 20 triệu liều Nga sẽ bán cho Việt Nam.

Theo ông Đạt, công suất đóng ống Sputnik V tại Việt Nam bước đầu là 5 triệu liều/tháng, sau này nếu nhu cầu sử dụng cao thì tăng công suất thêm.

Ông Đạt cũng cho biết giai đoạn đầu, việc đóng ống sẽ tiến hành trên dây chuyền hiện nay của công ty, tiến tới có thể mở riêng một nhà máy để đóng ống và sản xuất vắc xin.

Việc gia công vắc xin Sputnik V sẽ bắt đầu từ tháng 7 tới đây, vắc xin sẽ được chuyển bán thành phẩm từ Nga qua đường hàng không, và chuyển về công ty bằng xe lạnh.

Vabiotech là một trong những đơn vị sản xuất vắc xin có tiềm lực tại Việt Nam, đã và đang sản xuất vắc xin ngừa viêm gan B, viêm não Nhật Bản, vắc xin tả và vắc xin ngừa viêm gan A.

Công ty cũng đang nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 ở giai đoạn tiền lâm sàng (trên động vật), trong đó có thử nghiệm khả năng ngừa virus SARS-CoV-2 biến chủng Nam Phi, đây là chủng virus có biểu hiện kháng lại tác dụng của vắc xin.

Sáng nay 3-6, Bộ Y tế có thông báo cho biết đã bắt đầu quá trình đàm phán nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19 từ năm 2020 và hiện đã đàm phán xong việc mua/nhận 120 triệu liều vắc xin trong thời gian từ nay đến đầu năm 2022. 

Hiện Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người dân đã được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 vào loại thấp trong khu vực, thấp hơn so với Lào, Campuchia...

Mở cửa nhập vắc xin COVID-19: Các doanh nghiệp còn băn khoăn Mở cửa nhập vắc xin COVID-19: Các doanh nghiệp còn băn khoăn

TTO - Tắc nghẽn nhất hiện nay là vướng ở tiến độ tổ chức tiêm chủng. Cơ chế cũng có nhiều lúng túng, làm chậm trễ việc nhập khẩu và cả việc tiêm chủng cho người dân.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên