40% người dân trên thế giới bắt đầu gặp vấn đề về giấc ngủ kể từ khi đại dịch bùng phát - Ảnh: CNBC
Theo Đài CNBC, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học về giấc ngủ vào tháng 2 cho thấy 40% người dân trên thế giới bắt đầu gặp vấn đề về giấc ngủ kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, đây là thời điểm lý tưởng để nghiên cứu về giấc ngủ.
Công ty Sleep Junkie của Mỹ đang tìm kiếm những người khó ngủ để thử nghiệm một loạt sản phẩm mới, bao gồm "ứng dụng di động, gối, mặt nạ và bộ trải giường".
Thử nghiệm này kéo dài 2 tháng. Các ứng viên được chọn sẽ dùng thử 8 sản phẩm khác nhau và thử mỗi sản phẩm trong vòng một tuần.
Sau đó, họ sẽ hoàn thành đánh giá xem liệu họ có nhận thấy sự khác biệt về chất lượng giấc ngủ của mình hay không.
Mỗi người tham gia sẽ được trả tổng cộng 2.000 USD, tương đương với 250 USD/giờ.
Từ những dữ liệu đó, Sleep Junkie sẽ tạo ra hướng dẫn để có một giấc ngủ ngon cho những người khó ngủ trên toàn thế giới.
Người hứng thú có thể nộp đơn ứng tuyển ngắn gọn để trình bày vì sao mình phù hợp với nghiên cứu. Yêu cầu duy nhất là các ứng viên phải từ 21 tuổi trở lên, có điện thoại tương thích với ứng dụng của công ty và bị khó ngủ.
Đơn ứng tuyển của Sleep Junkie đóng vào ngày 14-2 và nghiên cứu sẽ bắt đầu vào ngày 28-2.
Sleep Junkie kỳ vọng có thể công bố kết quả cuối cùng trước ngày 18-3, tức Ngày giấc ngủ thế giới.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc tham gia thử nghiệm sản phẩm mới cũng có thể khiến người tham gia khó ngủ hơn, hoặc gây đau mỏi người sau khi thức dậy.
Theo chuyên gia về giấc ngủ Timothy Morgenthaler của tổ chức Mayo Clinic, việc sử dụng gối có độ dày không phù hợp khả năng cao sẽ gây đau mỏi vai gáy.
Ví dụ, những người thích ngủ nghiêng nên sử dụng gối cao khoảng 7-10cm hoặc đủ dày để giữ thẳng cổ.
Ngược lại, những người nằm ngửa hoặc sấp khi ngủ nên tránh gối dày, vì khiến phần cổ gập lại, tạo áp lực lên các đốt sống cổ, đĩa đệm và cơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận