Phóng to |
Họp bàn phương án đòi nợ một doanh nghiệp nước ngoài |
Đúng 8g sáng một ngày giữa tháng hai, tôi ngồi lên chiếc xe bốn chỗ của Công ty TNHH dịch vụ thu nợ Dân An (không chỉ tư vấn mà có dịch vụ thu nợ trực tiếp) bắt đầu một ngày đi... đòi tiền. 10 phút vòng vèo qua các con phố, xe đỗ xịch trước cổng một văn phòng nhỏ cửa đóng im ỉm. “Lại không có nhà rồi”.
Nhưng điểm đến thứ hai đã có “đụng độ” ngay. Đó là một bãi đất trống trong ngõ phố Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) vừa được ai đó dựng lên một vài phòng để... đào tạo vệ sĩ. Tấm biển nhựa “Công ty dịch vụ thu nợ Dân An” được lôi ra khỏi cốp đặt lên nóc xe khiến người dân hai bên đường đổ dồn mắt nhìn.
Những cuộc chiến mặt đối mặt
“Rầm”. Vị giám đốc đập bàn làm bốn cái chén uống trà văng xuống đất, mặt tím bầm: “Tôi bảo các anh không được đến đây cơ mà. Đây là công ty mới, không liên quan gì đến món nợ”. “Chúng tôi đến công ty cũ nhiều lần nhưng anh không có nhà”. “Tôi đang bận, mời các anh về khi khác làm việc. Hùng đâu, mời các anh ra”. Một thanh niên đen trũi - huấn luyện viên võ thuật cho cánh vệ sĩ đang nhìn chúng tôi với ánh mắt hình viên đạn - rẽ đám đông tiến vào.
Ngay sau âm thanh một chiếc ghế bị đá bắn vào tường là giọng nói lè nhè: “Mấy ông đứng dậy cho tôi nhờ”. Quay sang phía vị giám đốc, trưởng phòng nghiệp vụ của Công ty dịch vụ thu nợ Dân An mới 26 tuổi cương quyết: “Chúng tôi là công ty hoạt động có giấy phép kinh doanh nên trước khi đến đây đã thông báo với chính quyền địa phương. Nếu anh bận, chúng tôi sẽ đợi ở cổng để giải quyết cho xong công việc”. “Vâng, mời các ông đợi”...
Thoát ra khỏi căn phòng có không khí sặc mùi “chiến tranh”, tôi thở phào. Đoàn Xuân Thân, trưởng phòng nghiệp vụ thu nợ, mặt đã quen với “sương gió” nên bình thản: “Nhiều con nợ cứ thấy chúng tôi xuất hiện là cãi nhau rồi chửi tứ tung. Anh em Dân An thường phải đi 2-5 người để đề phòng bị hành hung nhưng đôi khi vẫn phải nhờ đến linh cảm mách bảo “nguy hiểm đang đến gần” để... rút nhanh mới không bị thương tích. Đôi khi vẫn phải nhờ đến công an mới xong”.
Tôi cầm tập hồ sơ dày cộm về nhân thân vị giám đốc nóng tính kia: nguyên là bác sĩ thú y; lập công ty TNHH cách đây năm năm; hay bài bạc, nợ khá nhiều và đang nợ thân chủ của Dân An 528 triệu; đi đâu cũng mang theo một vài vệ sĩ. Một trong những bí quyết đòi được nợ là phải nắm được con nợ là ai, tính tình thế nào, gia cảnh, vợ con, chi tiêu. “Qua đó mới biết đối tượng có khả năng chi trả không và phải dùng cách nào để đòi được nợ” - Đoàn Xuân Thân nhân lúc rảnh rỗi ngồi đợi bắt đầu kể cho tôi nghe về cái nghiệp đi đòi nợ sau khi tốt nghiệp đại học luật của anh.
Vị giám đốc này thích nhờ đến vũ lực nhưng còn khá chừng mực. Nhiều trường hợp không thế. Một lần căng nhất là vào giữa năm 2005 khi Công ty thu nợ Dân An đòi một món nợ khoảng 5.000 USD. Thân chủ vừa dẫn đại diện công ty đến, con nợ đã đập chai rượu trên bàn hô anh em ra uy hiếp: “A, chúng mày định chơi trò xã hội đen? Chúng mày có tin tao gọi điện chỉ mấy phút sẽ có bọn xã hội đen khác đến giết hết mấy đứa mày không?".
Cả đám đông xấn tới, con nợ chạy lên nhà vác mã tấu hô to: "Chúng mày bước đến đây tao chém chết”. Lần sau, lựa lúc đối tượng đang vui vẻ sau một phi vụ làm ăn, gọi điện, hắn bảo nhẹ nhàng “đến đi”. Thế nhưng vừa bật cửa bước vào thì thấy gần 20 thanh niên mặt mày bặm trợn, trần trùng trục đang vác kiếm đứng đợi.
“Tôi từng gặp nhiều đối tượng cùng quẫn, cũng có kẻ côn đồ nhưng tính quân tử. Mỗi đối tượng như thế phải có phương án đòi thích hợp mới thành công. Có khi phải cương quyết nhờ chính quyền đoàn thể. Nhưng với trường hợp con nợ có máu xã hội đen kể trên, khi mình nhẹ nhàng thì hắn lại nói chuyện. Mình nói món nợ đó ảnh hưởng thế nào đến chủ nợ, sự phiền hà khi phải ra pháp luật, ảnh hưởng đến chuyện làm ăn ra sao.
Xét người không có vũ khí, chỉ độc một cái cặp đầy giấy, hắn hỏi: Chúng mày không phải xã hội đen thật à? Sau đó, chỉ nói một vài câu tác động đến máu quân tử, đối tượng vốn định “xin tí máu” đã vui vẻ: Tao không phải dạng cù nhầy. Mấy đồng bạc, nói dễ nghe thì tao trả”.
Riêng với vị cựu giám đốc công ty TNHH nói trên, trước khi vụ việc được chuyển đến phòng nghiệp vụ, phòng phân tích hồ sơ của Dân An đã nhận định “đủ căn cứ pháp lý” nên chắc chắn sẽ đòi được nợ. Một nhân viên nhận định: “Hôm nay có thể đợi mất công nhưng thấy mình kiên quyết đợi cho bằng được, chắc chắn hắn sẽ phải nói chuyện”.
Kỹ nghệ đòi nợ thời công nghiệp
Phóng to |
Một trong những “nghiệp vụ” của nghề đòi nợ là... kiên trì ngồi đợi |
Xe đưa chúng tôi quành về đường Láng Hạ đẹp bậc nhất thủ đô. Tưởng lại vào một ngõ hẻm, ai ngờ xe đỗ xịch trước cửa một công ty điện tử danh tiếng của nhà nước. Đoàn Xuân Thân chưa vào nhưng đã biết kết quả “chắc chắn bảo vệ sẽ nói sếp đi họp, hay đi công tác tuần sau mới về”.
Y như rằng, khi nhóm bốn người chúng tôi vừa chạm chân đến cửa, bảo vệ đã gọi giật lại. Cuộc trao đổi đúng như phán đoán, nhưng có thêm một đoạn: “cho xem giấy tờ. Khi nào sếp tôi về thì các bạn mới được vào”. Có lần đợi, thấy vị giám đốc đứng trên lầu hai nhìn xuống nhưng một lát lại thấy cảnh sát 113 đến bảo “có người báo các anh tụ tập ở đây gây rối”.
Gặp không được, gọi điện, câu trả lời duy nhất: “Làm việc với luật sư của tôi”. Nhưng vị luật sư nọ lại chẳng có thông tin gì, chỉ ngồi ậm ừ. “Một kiểu đòi nợ cân não - Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Công ty Dân An, bảo: Thật ra đến công ty đòi chỉ để xem viên giám đốc này có đếm xỉa đến dị nghị của cơ quan mới không”.
Hồ sơ thu nợ ghi rõ: ông tổng giám đốc này vừa được bổ nhiệm từ cương vị giám đốc một xí nghiệp. Nợ phát sinh khi ông ta lãnh đạo xí nghiệp. Đối tác Thụy Sĩ đã giao hàng nhưng bằng những tiểu xảo trong qui trình mua bán, ông này đã chối bay khi nhận được giấy đòi nợ: “Tôi không mua của Thụy Sĩ, tôi mua của một đại lý ở Hong Kong”.
Đối tác Thụy Sĩ cay đắng tưởng mất trắng nhưng khi chuyển qua Công ty Dân An, giám đốc Nguyễn Thanh Sơn nhanh chóng "OK". Ông tiết lộ một chút về nghiệp vụ để thu được nợ của ông tổng giám đốc nọ: “Chúng tôi đã điều tra và chứng minh được ông ta tham ô, kê khống giá trị máy móc cùng đầy đủ các chứng từ chuyển ngân. Số tiền chênh lệch cụ thể lên tới 21.000 USD. Nước cờ cuối cùng, chúng tôi sẽ mời cơ quan công an nhập cuộc và tin chắc khi kẻ tham nhũng ra đi, người mới lên sẽ kế thừa các khoản nợ!”...
Ngày càng nhiều khoản nợ có yếu tố nước ngoài được đem đến công ty nhờ thu hồi nợ. Giá trị khoản nợ ngày càng tăng. Một ông chủ Hàn Quốc nhờ đòi hộ một ông Hàn Quốc khác. Nhưng con nợ này lại chỉ đứng sau điều hành một công ty do người Việt đứng ra làm tổng giám đốc. “Chúng tôi đã điều tra xem nguồn vốn đến từ đâu, các dự án mà công ty của con nợ đã và đang làm, các đối tác quan trọng của họ - Phan Xuân Hùng, người phụ trách đòi nợ vụ này của Công ty Dân An, cười - Mất gần 100 ngày (gần ba tháng) liên hệ mới làm việc được.
Nói chuyện con nợ vẫn chối và kiên quyết không trả”. Chỉ khi con bài nghiệp vụ cuối cùng được tung ra: “Chúng tôi biết các ông đang có những dự án này. Nếu ông cố tình không trả, chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến tất cả các đối tác, đơn vị giao thầu và cả cơ quan công an chứng minh năng lực tài chính của ông không đủ và các khoản nợ của ông là hình thức chiếm dụng vốn bất hợp pháp - theo luật của Việt Nam”. Ngay ngày hôm sau điện thoại của nhân viên thu nợ đã réo vang, chủ nợ như sống lại thông báo: "May quá, qui trình trả nợ đã được ký kết, các anh đã cứu tôi thoát khỏi nguy cơ phá sản".
Nghề cần tri thức
Tỉ lệ với số lượng các khoản nợ là mức độ bất hợp tác của những đối tượng. Trốn tránh - hành động hay gặp nhất “nhưng họ không thể không đến cơ quan”. Có trường hợp ban đầu kiên quyết không chấp nhận một công ty được ủy quyền đến đòi tiền. “Theo luật pháp, hình thức uỷ quyền được chấp nhận”. “Tôi không tin chữ ký uỷ quyền là thật”. Chủ nợ ngoài cửa lập tức bước vào. Con nợ: OK, các anh cứ về, khi nào có tiền tôi sẽ đến trả. Chủ nợ giẫy nảy: 10 năm nữa anh mới có tiền thì chết tôi.
Các cuộc đôi co bao giờ cũng nóng bỏng như thế nhưng kết thúc thì muôn hình vạn trạng. Một người nhận tiền đặt cọc (trị giá tới 50 cây vàng) bán ngôi nhà giá hàng ngàn cây ở phố Bà Triệu nhưng mãi không chịu chuyển quyền sở hữu. Bên mua chán nản đòi lại tiền nhưng bên bán cãi: “đã đặt cọc rồi không được rút lại. Khi dàn xếp với các thành viên gia đình xong, tôi sẽ bán cho anh”.
Thời gian dây dưa kéo dài đến 1 năm 4 tháng. Mệt mỏi, tức giận, chủ nợ thuê công ty thu hồi nợ. Sau bốn lần hẹn, một tuần điều tra, ngay cuộc gặp gỡ thứ hai đã cho kết quả khi nhân viên thu nợ lịch sự thông báo: “Tôi khuyên anh nhanh chóng rút tiền từ hai tài khoản ở Ngân hàng Công thương để thanh toán. Chúng tôi biết số tiền đặt cọc đó anh đem gửi tiết kiệm”.
Con nợ mặt biến sắc và hoàn toàn thần phục khi nhân viên thu nợ nhỏ nhẹ: “Chủ nợ không biết chứ với chúng tôi, nếu anh không trả, hồ sơ vụ kiện đã chuẩn bị được trình ra tòa. Như anh biết đấy, nhận tiền đặt cọc rồi mà không bán có thể phải trả gấp đôi. Thậm chí theo Bộ luật dân sự, căn nhà có thể bị niêm phong, đấu giá nếu anh cố tình chây ì”.
Thời hạn hợp đồng là sáu tháng, chủ nợ đã sửng sốt khi chỉ chưa đầy hai tuần đã nhận được điện: “anh đến ngay để nhận lại tiền”. Đôi khi chỉ phân tích có tình có lý được một chi tiết phạm luật rất nhỏ của con nợ cũng giúp khoản nợ kéo dài gần chục năm được thành toán một cách rốt ráo.
Vì vậy, hầu hết nhân viên của Công ty TNHH thu nợ Dân An đều có bằng cử nhân luật. Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Dân An, người khai phá loại hình dịch vụ đặc biệt khó và nhạy cảm này, tiết lộ: “Làm theo luật là câu thần chú của nghề vẫn còn quá mới mẻ ở VN này”.
Có khổ chủ tìm đến Dân An trong trạng thái suy kiệt nặng cả về tinh thần cũng như thể xác. Tài sản tích góp cả đời bỗng tiêu tan vì món nợ khó đòi. Niềm tin đặt nhầm chỗ hóa ra nợ nần, con cái phải bỏ dở học hành... Có người đến Công ty Dân An khẩn khoản xin chia 50-50 nếu đòi được khoản nợ hơn 10 tỉ nhưng phòng phân tích hồ sơ buộc phải từ chối vì không đủ tính pháp lý.
Đội trưởng đội nghiệp vụ công ty thu nợ Dân An nói với những kinh nghiệm (dù mới theo nghề được mấy năm), anh đang có ý định viết hẳn một cuốn sách về nghiệp vụ đòi nợ và tránh bị lừa tiền thời công nghiệp. Đúng là trong tương lai khi giao dịch thương mại tăng, đặc biệt là khi giao dịch điện tử chính thức được công nhận vào tháng 3-2006, thì cẩm nang đó hứa hẹn giúp nhiều chủ doanh nghiệp tránh được nguy cơ trắng tay vì một vài sơ suất nhỏ.
Và quan trọng hơn, đòi nợ thuê cần phải có hệ lý thuyết cũng như hành lang pháp lý cho tương xứng với tiềm năng của một thiết chế tài chính chứ không phải kiểu hoạt động nhạy cảm, khó nắm bắt như hiện nay.
Khi món nợ được thu hồi, công ty dịch vụ thu nợ sẽ được hưởng 30-35% tổng số tiền đòi được. Nhân viên trực tiếp đi thu sẽ được hưởng 1-2% lợi nhuận của công ty trong 30-35% đó. Lương tháng cố định khoảng 2-2,5 triệu đồng, trung bình thu nhập của người theo nghề nhạy cảm và quá mới này chỉ khoảng… 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với giá trị khoản nợ ngày càng cao, đã có hợp đồng trị giá tới gần 20 tỉ đồng thì chắc hẳn nếu khung pháp lý “mở” cho hoạt động đòi nợ thuê thì tương lai thu nhập của nghề này sẽ không thể nói là thấp! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận