07/06/2015 09:43 GMT+7

Công ty “dạy làm người”

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TT - Người dân sống dọc quốc lộ 1 từ xã Tân Lý Tây tới thị trấn Tân Hiệp (huyện Châu Thành, Tiền Giang) từ mấy năm nay thường truyền nhau câu nói “học dở thì vào đại học Hoan Vinh”.

Ông Thanh và bà Thu hướng dẫn em Phan Thanh Hiếu làm việc. Hiếu bị di chứng chất độc da cam, không thể cử động cổ như người bình thường - Ảnh: Sơn Lâm
Ông Thanh và bà Thu hướng dẫn em Phan Thanh Hiếu làm việc. Hiếu bị di chứng chất độc da cam, không thể cử động cổ như người bình thường - Ảnh: Sơn Lâm

Nghe tên trường lạ, hỏi ra, ai cũng cười xòa chỉ về Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Hoan Vinh của ông Nguyễn Tấn Thanh.

Thì ra “đại học Hoan Vinh” là một công ty chuyên may hàng xuất khẩu, nhưng chứa đựng tinh thần như một lớp học làm người và đã giúp cho hàng trăm con người từng tiền án, tiền sự đến khuyết tật bẩm sinh, bị di chứng chất độc da cam... tìm cuộc mưu sinh bằng chính công sức của mình.

Cơ hội để làm người tốt

Ông Thanh năm nay 58 tuổi, nguyên trưởng Công an huyện Châu Thành. Năm 2009, ông cùng vợ lập ra Công ty Hoan Vinh và xin về hưu sớm. Ban đầu chỉ là một xưởng may với hơn 30 người, ông Thanh cười xòa kể: “Vợ chồng chỉ có một đứa con trai còn nhỏ, tính mở công ty để nhàn tuổi già và có thời gian dành riêng cho con. Nhưng hình như vợ chồng tui có duyên làm doanh nghiệp”.

Ngày 19-3-2015, bà Phan Thị Xuân Thu được Thủ tướng ký quyết định tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác xã hội từ thiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2013, bà Thu cũng từng được vinh danh là 1 trong 100 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc.

Xưởng may của ông Thanh bắt đầu thay đổi khi năm 2010, chị Nguyễn Thị Phượng, một thợ may trong xưởng, xin cho con gái của mình là Nguyễn Hạ Sương vào làm. Lúc đó Sương là một cô bé gầy gò 14 tuổi, bị khiếm thính lẫn câm bẩm sinh.

“Nhà chị Phượng khổ quá, chồng say xỉn suốt ngày. Lúc ấy chị bảo để Sương ở nhà với tình trạng câm điếc thì không yên tâm và không an toàn cho bé” - ông Thanh nhớ lại.

Công ty mới thành lập, tiền hoạt động còn phải tính từng li từng tí, nhận một bé câm điếc vào trả lương mà không biết có học nghề được hay không là việc cần đắn đo cân nhắc. Ông Thanh bàn với bà Phan Thị Xuân Thu, vợ mình.

Bà Thu kể lại: “Mình cũng là một người mẹ, nhìn thấy con bé chỉ có ánh mắt là biết nói thấy thương quá. Nếu mình không cho nó một cơ hội thì không biết đời nó ra sao”. Thế rồi vợ chồng ông Thanh nhận Sương vào xưởng. 14 tuổi, chưa thể làm hợp đồng lao động cho Sương, vợ chồng ông Thanh lại quầy quả đi xin để công ty có thể dạy nghề cho trẻ vị thành niên.

Đầu năm 2015, Sương đã được đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang trao quà khen thưởng, động viên vì là người khuyết tật đã vươn lên lao động sản xuất giỏi. Cô bé vốn nhiều khiếm khuyết ngày nào giờ đã là cô công nhân may trắng trẻo, xinh đẹp với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Chính trường hợp của Sương đã thay đổi lối tuyển dụng của Công ty Hoan Vinh. Vợ chồng ông Thanh sau đó đã nhận tất cả những trường hợp cơ nhỡ, khốn khó, khuyết tật... thậm chí là cả bệnh tâm thần vào công ty.

“Chúng tôi không hoàn toàn nhận bừa, mà chỉ nhận những người cần một cơ hội để làm người tốt” - bà Thu nói.

Học từ cái tóc đến thưa hỏi

Bà Thu rất nguyên tắc, chỗ làm của bà là một khoảng trống nằm lẫn giữa những chiếc máy may của công nhân xung quanh.

Không hút thuốc, không uống rượu bia kể cả những dịp liên hoan. 7g làm việc. 11g nghỉ trưa ăn cơm. 12g ngủ đến 12g30 sau đó làm việc tới 16g30. Đầu giờ sáng nghe đài, đầu giờ chiều nghe nhạc. Tất cả công nhân tại Hoan Vinh đều nhất nhất làm việc theo lịch trình đó, kể cả quản lý.

“Ai không ngủ trưa là kiểm điểm ngay, không đội nón bảo hiểm đi làm bắt được trừ 200.000 đồng, phát cho áo mưa mà đi làm không mặc để mưa ướt trừ 100.000 đồng”, anh quản lý của công ty nhắc đầu giờ làm việc.

Nghe thì có vẻ rất o ép, nhưng tất cả công nhân ở đây đều biết bà giám đốc ra quy định ấy chỉ để... hù. “Tiền mình cho tụi nó còn không đủ, lấy đâu mà đi thu phạt” - bà Thu cười.

Mới tuần trước, bà Thu đi ngang phòng nhân sự thấy em Ngô Thùy Linh, 16 tuổi, được mẹ dẫn vào xin việc. Thấy Linh đang tỏ thái độ cằn nhằn mẹ mình, bà Thu mời hai mẹ con vào phòng riêng hỏi chuyện. Linh là con một, học đến lớp 9 thì nhất quyết bỏ học.

Quay sang người mẹ, bà Thu hỏi: “Có chắc là giao cháu cho tôi dạy không? Đã giao là toàn quyền tôi dạy chứ không ý kiến nha”. Người mẹ vừa gật đầu, bà Thu quay sang "giũa" Linh một trận. Cô bé 16 tuổi lúc đầu còn ương bướng, nhưng sau dường như nhận ra cha mẹ không còn bảo vệ được mình, lần đầu tiên nhận ra mình “hỗn láo” và khóc.

“Còn biết khóc là được rồi, trường hợp này tôi nhận, khỏi qua phòng nhân sự” - bà Thu nói. Ngay hôm sau, cả gia đình Linh... hoang mang khi thấy cô con gái 16 tuổi lần đầu tiên biết thưa từ ông bà xuống cô cậu khi đi làm về.

Tất cả nhân viên trong Hoan Vinh đều bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Ông Thanh nhận định: “Giờ thị hiếu của giới trẻ rất phong phú và những trường phái đi xa với những lễ phép, tác phong căn bản thường dễ thu hút tụi nhỏ. Mình phải lấy tập thể ra để góp phần uốn nắn mới được”.

Một bạn trai có cha mẹ làm thợ hồ, suốt ngày lông bông với đầu tóc dài chấm vai. Ngày đầu tiên vào xin việc, phải đứng giữa để mọi người “bình phẩm” về đầu tóc của mình, thế là hôm sau tóc tai gọn gàng sạch sẽ bước vào công ty.

Nhưng được cả xưởng nhất trí phong cho là người nghiêm túc nhất, gặp ai cũng gập tay lên trán chào và luôn cười là Nguyễn Trường Thịnh. Chàng thanh niên 19 tuổi điển trai này cũng có thể là trường hợp lạ nhất ở Hoan Vinh, khi một tháng vẫn được mấy triệu đồng tiền lương dù mắc bệnh tâm thần.

Như một gia đình

Nói đến con mình, ba của Thịnh chỉ lặp đi lặp lại: “Ông bà Thanh sinh ra nó lần nữa”. Từ nhỏ Thịnh đã có biểu hiện của bệnh tâm thần khi gặp ai cũng nhe răng cười. Và cứ thế, Thịnh ở quanh quẩn trong nhà cười... cho đến lớn.

Nói vẫn biết nghe lời, nhưng ngoài nghe lời ra thì Thịnh chẳng còn biết làm gì khác. Cho đến năm 2012, cha mẹ Thịnh nghe danh “đại học Hoan Vinh” và năn nỉ ông Thanh cho Thịnh vào xưởng.

“Lúc đầu, Thịnh thỉnh thoảng còn lên cơn co giật. Tôi thấy cũng ngán, nhưng tiếc cho cái vẻ đẹp trai của cháu và cũng tội nghiệp nó quá, nên bàn với vợ nhận liều vào mấy bữa thử xem sao” - ông Thanh kể lại.

Thịnh vào làm trực tiếp dưới quyền của anh quản lý xưởng. Nhiệm vụ chính là vận chuyển đồ đạc từ phòng này qua phòng kia và... đứng nghiêm chào mỗi khi có người lạ. Có nụ cười và lời chào của Thịnh, những người trong xưởng thêm niềm vui.

Và dường như được tiếp xúc với môi trường công việc, Thịnh không những không tái phát động kinh mà ngày càng tiến triển tốt về mặt tinh thần và hằng tháng còn đưa được mấy triệu đồng về cho mẹ.

Tất cả nhân viên trong Hoan Vinh chẳng ai dám trái lời bà Thu. Nổi loạn như Lắm, 18 tuổi đã bị công an bắt khi đi mua ma túy đá.

Dính tới ma túy, Lắm đi xin việc chẳng nơi nào dám nhận, cha mẹ lại lên năn nỉ ông Thanh. Bà Thu đồng ý nhận Lắm vào với yêu cầu mỗi ngày trước khi vào làm phải uống thuốc cai nghiện do tự tay bà phát.

Vậy mà Lắm răm rắp làm theo cho đến khi nói với bà Thu: “Con hết ghiền rồi, cô không cần phải mua thuốc nữa”. Vốn nổi danh “giang hồ vùng Chợ Gạo”, toàn thân đầy hình xăm, Lắm giờ đã thành thợ may lương tháng gần 6 triệu đồng, gặp người lớn tự khắc vòng tay chào như một thói quen.

Với tất cả công nhân trong xưởng, từ người câm điếc như Sương, bị bệnh tâm thần như Thịnh, dữ dằn như Lắm hay như Trà từng phải ở tù vì tụ tập đánh nhau... bà Thu hầu như đều nắm rõ từng tính cách, hoàn cảnh và bà đều cảm hóa được.

“Bí quyết của tôi là luôn xem mỗi người mỗi hoàn cảnh như người thân của mình. Tình thương thì không giả dối được. Khi người ta cảm nhận được mình thương yêu họ thật sự thì những câu trách mắng của mình họ mới quý” - bà Thu bộc bạch.

Chẳng ai bỏ đi

600 công nhân, hơn 100 trường hợp đều có phần đặc biệt như vậy, nhưng Hoan Vinh vẫn đang ngày càng phát triển, lớn mạnh và luôn có hàng xuất khẩu đi Mỹ, Hàn Quốc, Anh...

Quy định tại Hoan Vinh là những trường hợp được nhận vào nếu chưa có tay nghề sẽ được dạy nghề, ăn uống miễn phí và được trả tiền công.

Theo bà Thu, mỗi người đều có thể làm một việc gì đó có ích cho đời, như trường hợp một em bẩm sinh một tay bị quýu lại không thể cầm nắm, bà phân cho ngồi gỡ số thứ tự mặt hàng.

Người khác bị chất độc da cam không thể cử động cổ như người bình thường, bà không phân vào các công việc vặt như ủi đồ, xếp áo như bất kỳ ai mới vào làm mà cho ngồi luôn vào bàn may chỉ dẫn tận tình để nhanh thành thợ...

“Mình lời là lời cả tập thể, khi đã đoàn kết với nhau được thì tất cả sẽ tạo ra lợi ích chung lớn hơn. Chúng tôi làm ăn ngày càng phát triển vì chúng tôi là một gia đình” - bà Thu nói.

Một quy định khác ở đây là khi thành nghề, mọi người đều có quyền quyết định ở lại làm việc hoặc tìm nơi khác thích hợp chứ công ty không ràng buộc, nhưng dường như chẳng ai bỏ “đại học Hoan Vinh” ra đi khi đã lành nghề.

Trao cơ hội cho hơn 100 hoàn cảnh đặc biệt trở thành người tốt giữa đời, có lẽ điều lớn nhất mà “đại học Hoan Vinh” luôn có và đang ngày càng nhân rộng chính là tình thương.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên