29/09/2019 09:13 GMT+7

Công tử nhà Bin Laden và dòng chảy thông tin

SÁNG ÁNH
SÁNG ÁNH

TTO - "Người đàn ông ngưng nhai miếng bánh mì kẹp thịt, bị sặc và một miếng nhai dở bắn vào bức tranh của Renoir Hai chị em trên sân thượng trong khung nạm vàng, chiêu một ngụm Diet Coke rồi vội vã gọi vợ: "Mẹ Baron nó ơi!".

Công tử nhà Bin Laden và dòng chảy thông tin - Ảnh 1.

Osama Bin Laden và Hamza Bin Laden - Ảnh: China Daily

Ông vừa thấy ở khoảng cách rất gần từng tốp người tìm cách thoát thân, nhảy ra khỏi tòa nhà xa xa đang bốc cháy. "Mẹ nó ơi" - ông hối. Bà nhà đủng đỉnh gót son Louboutin đi về phía cửa sổ kính.

Chiếc phi cơ thứ nhì đâm vào World Trade Center (WTC). Ông thốt lên: "Tôi biết mà, tôi đã đoán được từ năm ngoái! Bà cúi xuống mà nhìn đây này, chứ cứ vênh lên thì thấy gì!", rồi nắm tay bà kéo. Bà rút tay ra, đánh vào bàn tay be bé của ông một cái, khiến ông phải buông ra và nhân tiện nhón thêm mấy miếng khoai tây chiên mang theo vội khi chạy ra ngoài.

Từ trạm tàu điện đại lộ 5/đường 53 đến WTC mất nửa tiếng và là cách nhanh nhất. Chiều hôm đó, khi về nhà, ông thấy trên truyền hình cảnh người Hồi ở New Jersey đang reo mừng vì đánh đổ được tòa tháp đôi. Riêng ông thì ghi nhận là sau khi tòa WTC đổ, Trump Building, một cao ốc khác ông làm chủ tại 40 phố Wall, giờ trở thành tòa nhà cao nhất miệt Hạ Manhattan".

Người đàn ông đó hiện là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Đoạn tả ly kỳ trên tất nhiên có phần hư cấu, nhưng khoảng 2/3 chi tiết trong đó là do chính ông Trump kể lại và vẫn khăng khăng là đúng cho tới nay. Nhà ông Trump cách tòa tháp 6km và 27 phút đường tàu điện.

Bức tranh Renoir treo trong căn hộ của ông là tranh giả (bức gốc nằm ở Viện Nghệ thuật Chicago từ năm 1933). Từ nhà ông rất khó thấy người nhảy khỏi tòa nhà cách đó 6km. Không có thước phim nào về người Hồi ở Mỹ reo mừng vào ngày 11-9-2001, bất chấp khẳng định của ông Trump.

Trong sách xuất bản năm 2000 khi định ra tranh cử tổng thống, ông cũng chẳng tiên đoán gì hết, chỉ nhắc đến Osama Bin Laden một lần và phê bình chính sách ngoại giao của ông Bill Clinton. Tòa nhà 40 phố Wall của ông không phải là thứ nhì trong khu vực sau tháp đôi, như ông phát biểu chiều 11-9-2001. Nó thậm chí không nằm trong 10 tòa cao nhất: nó cao thứ 32.

Còn phần hư cấu của người viết là tôi đây bao gồm việc gọi phu nhân ông là "Mẹ Baron": Năm 2005, bà Melania - nhũ danh Melanjia Knavs - mới thành hôn với Donald.

Trở lại thời hiện tại, thứ bảy vừa rồi, 3 ngày trước kỷ niệm thứ 18 cuộc khủng bố 11-9, cuộc gặp Taliban của ông Trump không thành.

Lý do cuộc gặp không quan trọng, quan trọng là Hoa Kỳ đã chính thức mời Taliban. Sau vụ 11-9, cái cớ để Hoa Kỳ xâm lăng Afghanistan là vì chính quyền Taliban không chịu giao nộp Bin Laden, chủ mưu vụ khủng bố. 18 năm sau, lại mời họ sang Mỹ vênh váo thì một bộ phận lớn quần chúng thấy khó coi. Hôm sau, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từ chức (theo Bolton) để phản đối hoặc bị sa thải (theo Trump).

Cử tri cốt lõi của ông Trump không phải thành phần muốn can thiệp quốc tế và bá chủ thế giới. Về ý thức hệ, họ thuộc thành phần cô lập nước Mỹ vĩ đại của họ và nhìn vào trong, chứ không nhìn ra ngoài.

Chuyện xây trường thành của ông Trump ăn khách và được lòng họ nhờ vậy: ngoại bất nhập cũng có nghĩa là nội bất xuất. Điều này mâu thuẫn với thành phần tư bản toàn cầu hóa.

Nhưng có một điều, là "Hồi giáo" đã xâm phạm lãnh thổ bất khả xâm phạm của Mỹ năm 2001. Đây là thù không thể quên và vẫn là niềm lo ám ảnh, còn lớn hơn nỗi sợ người Mexico sang buôn ma túy và giết người, hơn sự căm hận người da đen trong nước ăn hại và cướp bóc, hay ghét bọn Canada hút cần và cánh tả.

Suýt nữa mời Taliban sang Mỹ là một lầm lỗi của ông Trump. Lập tức, ông liền thông báo đã giết được con trai nối dõi của Bin Laden là cậu Hamza.

Những chuyện thế này luôn khuất tất, chẳng ai tỏ được ngay, mà phải đợi vài thập niên nữa. Vụ ám sát Osama trực tiếp lên hình rầm rộ đã 8 năm trước mà vẫn còn kín hở thập thò đó thôi.

Đây là một trong những cậu út ít và con của bà ba Khairia Sabar. Cậu con trai 11-12 tuổi đã thơ phú và đĩnh ngộ, là người xứng nhất nối nghiệp cha. Anh này lớn lên thời tao loạn của gia đình, hết trốn tránh Pakistan thì bị bắt giam tại Iran.

Năm 2017, lúc 27 tuổi, Hamza mới "được" liệt vào danh sách khủng bố quốc tế; năm 2019 mới bị Saudi Arabia tước quốc tịch, chẳng rõ là trước hay khi sau anh qua đời.

Cũng chẳng rõ chết hay chưa? Cách đây một năm hay mấy tháng? Thường thì Al Qaeda hay quảng bá ngay hi sinh của các chiến binh, nhưng lần này không thấy nói gì. Thường thì Mỹ hay khoe khoang ngay thành tích, nhưng lần này cũng ít thông tin.

Trong Al Qaeda, Hamza tuy nhiều triển vọng và con nhà thế tộc, cũng chỉ thuộc hàng tiểu tướng. Giá treo đầu anh là 1 triệu USD, trong khi lãnh tụ Al Zawahiri kế vị Osama giá cần cổ 25 triệu. Với Mỹ, việc Hamza sống hay chết và chết thế nào chẳng quan trọng mấy.

Nay ông Trump lại đích thân nhắc đến muộn màng (hay hơi bị sớm) là bị Mỹ giết, e rằng dòng chảy thông tin đã bị nắn theo... nguyện vọng cử tri, giống như câu chuyện cổ tích ông kể về vụ khủng bố WTC mà ông thấy tận mắt 18 năm trước!

Báo Mỹ: Con trai trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt Báo Mỹ: Con trai trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt

TTO - "Hoàng tử thánh chiến" Hamza bin Laden, con trai thứ 15 của trùm khủng bố, đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch quân sự của Mỹ. Y từng được xem là "kẻ báo thù nước Mỹ" với lời thề phục hận cho cái chết của cha.

SÁNG ÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên