Nghe qua cứ tưởng các ông ấy vì dân vì nước, mở hầu bao cá nhân cho huyện mượn tiền để vượt qua cơn lận đận nhất thời. Nào ngờ...
Sự thật là các ông lãnh đạo huyện Hồng Dân “vung tay quá trán”, chi vượt ngân sách 2 tỉ đồng, bị thanh tra buộc phải thu hồi nhưng cứ nhùng nhằng mãi mà chẳng thu lại được đồng nào.
Tới khi không có tiền trả lương cho giáo viên thì mới phải bấm bụng tự giải quyết bằng cách rất “tiểu chủ” như vậy.
Theo như lời ông nguyên bí thư huyện, khoản tiền bội chi chẳng qua chỉ là để thăm hỏi người bệnh, giúp đỡ cán bộ hưu trí...
Thôi thì cứ bỏ qua cái việc xét nét về mục đích tiêu tiền, nhưng quả thật các “sếp” ở huyện Hồng Dân rất xứng đáng được gọi là “công tử Bạc Liêu”, xài tiền phóng tay đến nỗi thâm thủng ngân sách.
Đó là chưa kể các vị này còn ấu trĩ trong cung cách quản lý, coi tiền nhà nước như của tư gia, vô tư lấy tiền nọ đắp đổi tiền kia, bất chấp nguyên tắc tài chính.
Có lẽ không phải chỉ có huyện Hồng Dân, truy xét khắp cả nước ắt sẽ có không ít địa phương lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần do bội chi ngân sách.
Thực tế có địa phương nghèo rớt mồng tơi nhưng rất hay tổ chức tham quan đây đó hoặc chi tiêu tiếp khách hoành tráng. Có địa phương không làm ra tiền, quanh năm “ăn theo” nhưng có công trình ngàn tỉ, trụ sở nguy nga, xe cộ bóng loáng, mặc cho ngân sách oằn lưng gánh chịu.
Không chấp hành kỷ cương thu chi tài chính vốn là một căn bệnh kéo dài nhiều năm. Có những địa phương nợ nần chồng chất kéo hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác mà không ai chịu trách nhiệm, kết cục là cũng phải móc tiền dân ra để giải quyết.
Muốn chấm dứt tình trạng này có lẽ phải ban hành quy định: nếu địa phương nào để bội chi ngân sách mà không có lý do chính đáng thì chính lãnh đạo địa phương đó phải bỏ tiền túi ra bù vào.
Cứ chiếu theo các quy định ấy, chắc chắn các vị “công tử Bạc Liêu” ở huyện Hồng Dân sẽ “bỗng dưng” trở thành “người tử tế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận