Hãng tin Reuters ngày 29-11 cho biết toàn bộ 41 công nhân trong vụ sập hầm Silhyara ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ đã được giải cứu thành công. Các chuyên gia y tế khẳng định tất cả nạn nhân đều ổn về sức khỏe vật lý nhưng cần được chăm sóc tinh thần lâu dài do căng thẳng sau chấn thương.
Giải cứu toàn bộ 41 thợ mỏ mắc kẹt 17 ngày dưới đường hầm ở Ấn Độ
Nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng cứu hộ, các công nhân đã được kéo ra khỏi đường hầm sau 17 ngày bị mắc kẹt. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá rằng đây là “tấm gương tuyệt vời về lòng nhân đạo, tinh thần đồng đội”.
Lực lượng cứu hộ sau đó chuyển các công nhân đến bệnh viện chuyên khoa ở thành phố Rishikesh để chữa trị. Hiện tại tất cả họ đang tìm cách thích nghi lại với điều kiện sống trên mặt đất. Ngoài ra đội ngũ bác sĩ cho biết các nạn nhân sẽ cần được hỗ trợ về mặt tinh thần trong một khoảng thời gian dài.
Ông Deepak Kumar, một trong số các công nhân trong vụ sập hầm được giải cứu, nói với Hãng tin AFP: “Chúng tôi đã rất sợ hãi, mỗi giây phút trôi qua cảm giác như cái chết đang cận kề. Chúng tôi không rõ liệu mạng sống của mình có được cứu vớt hay không”.
Ông Kumar còn chia sẻ bản thân vô cùng đau lòng khi nghe thấy giọng nói đầy “lo lắng và vô vọng” của vợ ở bên ngoài đường hầm.
"Tôi nói với gia đình mình rằng: 'Con vẫn ổn và khỏe mạnh, đừng lo lắng, mọi chuyện sẽ ổn, tụi con sẽ sớm ra ngoài'. Nhưng khi tôi nói những lời này với họ, đôi khi tôi có cảm giác mãnh liệt rằng tôi sẽ không bao giờ có thể gặp lại bố mẹ mình", ông Kumar nghẹn ngào.
Sau khi được giải cứu, ông Kumar cùng các nạn nhân khác đã được chào đón bằng những tiếng reo hò nồng nhiệt. “Thế giới lại tươi đẹp trở lại với chúng tôi”, ông nói.
Vợ của ông Kumar - bà Musarrat Jahan - xúc động: “Không chỉ chồng tôi có được cuộc sống mới mà chúng tôi cũng có được cuộc sống mới. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên chuyện này”.
Công nhân Birendra Kishku, 39 tuổi, chia sẻ với Hãng tin Reuters: “Trong ngày đầu tiên bị mắc kẹt, mọi người đều rất tuyệt vọng và buồn bã. Chúng tôi không rõ liệu có ai ở bên ngoài biết chúng tôi bị mắc kẹt hay không”.
“Nhưng khi họ (lực lượng cứu hộ) tiếp cận chúng tôi qua đường ống, chúng tôi mới biết chính phủ đang làm việc để đưa chúng tôi ra ngoài - ông nói thêm - Tôi, gia đình tôi và dân làng hiện giờ rất hạnh phúc”.
Trong thời gian bị mắc kẹt, các công nhân đã đi bộ và tập yoga trên đoạn đường hầm dài 2km để giữ tinh thần tỉnh táo và duy trì sức khỏe. Họ cũng tâm sự với nhau về cuộc sống và gia đình.
Thủ tướng Narendra Modi đã trò chuyện với các công nhân sau khi họ được giải cứu thành công vào ngày 28-11. Một công nhân tên Saba Ahmed đã nói với ngài thủ tướng rằng: “Chúng tôi đã sống với nhau (bên trong đường hầm) như những anh em ruột”.
Phần lớn công nhân trong vụ sập đường hầm thuộc tầng lớp lao động nghèo đến từ các vùng khác nhau của Ấn Độ. Họ đến chân núi Himalaya lạnh giá - cách nơi họ sống hàng trăm km - để làm việc. Lực lượng cứu hộ đã lập đường dây điện thoại để các nạn nhân liên lạc với gia đình trong lúc mắc kẹt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận