05/07/2024 10:02 GMT+7

Công nhân thất nghiệp nhiều tháng nhưng vẫn không muốn đi làm lại ngay, vì sao?

Thất nghiệp trong đợt công ty cắt giảm lao động từ tháng 8-2023 đến nay đã gần năm song vợ chồng chị Ngọc Mỹ (46 tuổi, quê Cà Mau) vẫn chưa đi làm lại.

Các sàn việc làm, hoạt động kết nối tuyển dụng diễn ra thường xuyên nhưng việc tuyển lao động vẫn gặp khó - Ảnh: VŨ THỦY

Các sàn việc làm, hoạt động kết nối tuyển dụng diễn ra thường xuyên nhưng việc tuyển lao động vẫn gặp khó - Ảnh: VŨ THỦY

Trái với ái ngại của chủ trọ lẫn người xung quanh, họ vẫn "bình chân như vại". Ngay cả khi công ty cũ mời gọi công nhân cũ đi làm lại họ chẳng mấy mặn mà. Hai vợ chồng làm công nhân ở công ty trước đó hơn 15 năm, mức lương trên chục triệu mỗi tháng.

Công ty cắt giảm, bị nghỉ việc và họ lãnh trợ cấp thất nghiệp trên 6 triệu đồng/tháng/người. Cả hai đã lãnh hơn 10 tháng qua và đang chờ đủ 12 tháng nghỉ việc để thỏa điều kiện làm thủ tục lãnh bảo hiểm xã hội một lần.

"Đi làm ở công ty mới lương cũng không cao, thậm chí còn thấp hơn khoản trợ cấp thất nghiệp nên tụi tui chỉ làm thời vụ cho mấy xưởng nhỏ" - chị Mỹ cho biết.

Tình huống như hai vợ chồng chị Mỹ cũng phần nào lý giải tình trạng tuyển dụng khó khăn, không tìm ra người lao động của nhiều doanh nghiệp hiện tại.

Tại họp báo 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), bà Nguyễn Thị Hồng Liên - trưởng Phòng quản lý lao động - nói đây cũng là lý do khiến hoạt động kết nối việc làm của các đơn vị không hiệu quả.

6 tháng đầu năm 2024, các khu chế xuất, khu công nghiệp không có trường hợp cho giảm nhiều lao động vì thiếu đơn hàng như năm trước. Hiện tình hình của các doanh nghiệp may mặc, da giày đã khởi sắc, ổn định đơn hàng và có nhu cầu tuyển dụng để bù đắp số lao động đã giảm thời gian qua.

Trong một khảo sát, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 7.400 người thì may mặc cần đến 3.400 người, quy mô tuyển từ 50 đến vài trăm lao động.

"Việc tuyển dụng khá khó, lao động vừa thừa lại vừa thiếu. Có những doanh nghiệp phải cắt giảm do chấm dứt hoạt động nhưng cũng có doanh nghiệp đang cần mà không tuyển được" - bà Liên chia sẻ.

Ban quản lý đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành Đoàn TP.HCM) kết nối người lao động bị cắt giảm, nghỉ việc với các doanh nghiệp đang cần tuyển.

Tuy nhiên đa phần người lao động nghỉ việc lại không có nhu cầu tìm việc ngay. Họ muốn thêm thời gian nghỉ ngơi, làm thời vụ để lãnh bảo hiểm thất nghiệp hoặc chờ lãnh bảo hiểm xã hội một lần.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI có quy trình tuyển dụng tuân thủ quy định thì phần lớn không tiếp nhận lao động thời vụ. Bên cạnh đó, người lao động hiện nay cũng có thêm nhiều lựa chọn khác, trong đó có khả năng quay về quê làm việc ở các khu công nghiệp gần nhà.

Chưa kể nhiều người chuyển sang làm công việc tự do, không gò bó thời gian như tài xế công nghệ… "Các hoạt động kết nối thường chỉ làm vào thời điểm tập trung đông người lao động. Còn nếu một năm sau đó thì cũng không thể tiếp xúc với họ được nữa" - bà Hồng Liên cho biết.

Xin nghỉ việc về quê cũng khó, một Xin nghỉ việc về quê cũng khó, một 'sếp' Vận tải biển Sài Gòn 3 năm 3 lần nộp đơn

Công ty cổ phần Vận tải biển Sài Gòn liên tục nhận được đơn từ nhiệm từ các lãnh đạo gần đây, từ chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc đến thành viên ban kiểm soát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên