11/05/2022 10:14 GMT+7

Công nghệ Trung Quốc có chọn lối riêng?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Liệu căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có xẻ đôi thế giới thành hai lối đi công nghệ cạnh tranh và tách biệt với nhau không?

Công nghệ Trung Quốc có chọn lối riêng? - Ảnh 1.

Một vị khách quan sát tấm bán dẫn tại Hội nghị bán dẫn thế giới năm 2020 ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Hiện Google, Facebook và Twitter bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, và điều này đã cho thấy phần nào sự tách biệt giữa Bắc Kinh với phương Tây. 

Nhưng giờ đây giới chuyên gia cảnh báo về một viễn cảnh lớn hơn: tham vọng xây dựng công nghệ riêng của Trung Quốc có thể dẫn đến sự tách biệt về công nghệ của nước này với thế giới.

Muốn chủ động công nghệ

Theo trang The Conversation, Trung Quốc là nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới từ những năm 1980. Động lực chính của điều này là "hệ thống đổi mới", vốn cân bằng giữa sự chèo lái của chính phủ và đội ngũ doanh nhân theo định hướng thị trường. 

Hiện nay Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy nghiên cứu và phát triển mạnh hơn, tạo ra các cơ sở sản xuất thông minh và một nền kinh tế số tân tiến. Các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Huawei đang sử dụng máy học (machine learning) và phân tích dữ liệu lớn (big data analytics) để đổi mới trong các lĩnh vực như nghiên cứu dược phẩm và xe tự hành.

Quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang cản trở hợp tác quốc tế trong các ngành như sản xuất chất bán dẫn và dược phẩm sinh học. Căng thẳng càng khiến Trung Quốc muốn "tự cung tự cấp" hơn. Đơn cử trong vấn đề phát triển vắc xin COVID-19, thời gian qua đã có hàng loạt dấu hiệu cho thấy sự hợp tác giữa Trung Quốc và phương Tây không suôn sẻ.

Ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn (tạo ra các con chip và vi mạch điều khiển các thiết bị điện tử hiện đại) có quy mô toàn cầu, nhưng cũng có nguy cơ bị chia tách. 

Dù là nước tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào hàng nhập khẩu. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ đồng nghĩa nhiều công ty bán dẫn toàn cầu không thể bán hàng cho Trung Quốc.

Do đó, Trung Quốc đang dốc nguồn lực đầu tư để tự đáp ứng mọi nhu cầu chất bán dẫn trong nước. Nếu họ thành công, nhiều khả năng các chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất có thể sẽ sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật khác với tiêu chuẩn hiện tại trên thế giới.

Hai bên cần hợp tác

Công nghệ là "mặt trận trung tâm" trong cuộc cạnh tranh địa chính trị căng thẳng Mỹ - Trung. Hiểu rõ Mỹ muốn hạn chế xuất khẩu công nghệ của họ sang Trung Quốc nên nước này đã và đang thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn.

Dẫu vậy trên thực tế, kịch bản Trung Quốc hoàn toàn tách biệt công nghệ với phương Tây cũng như thế giới không thể sớm xảy ra. Theo báo South China Morning Post, tháng 12-2021, Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer tại Trường Harvard Kennedy (Mỹ) dự báo trong thập niên tới, Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ trong các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, khoa học thông tin lượng tử, chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Hồi tháng 2, Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố báo cáo cho thấy Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nếu tách khỏi công nghệ Mỹ. 

Báo cáo viết: "Trong tương lai, Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ hơn và Trung Quốc có thể đạt được khả năng "tự cung cấp" trong một số công nghệ cốt lõi. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước khi Trung Quốc vượt Mỹ một cách toàn diện".

Báo cáo cũng nhận định cả Mỹ và Trung Quốc đều thiệt hại do việc chia tách công nghệ, nhưng Trung Quốc có thể sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều hơn.

Giới chuyên gia cho rằng vào thời điểm tình trạng căng thẳng giữa hai bên gia tăng, Trung Quốc và phương Tây cần nhận thức rõ giá trị của hợp tác quốc tế trong đổi mới. Việc Trung Quốc và phương Tây có các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau sẽ làm gia tăng rạn nứt trong đổi mới công nghệ của hai bên và có thể dẫn đến những tách biệt thêm nữa trong tài chính, thương mại và dữ liệu.

Trung Quốc sẽ loại 50 triệu máy tính ngoại trong 2 năm

Trung Quốc đã lệnh cho các cơ quan thuộc chính phủ trung ương và các công ty nhà nước thay toàn bộ các máy tính cá nhân nhập ngoại bằng đồ sản xuất trong nước trong vòng 2 năm.

Hôm 6-5, các nguồn tin giấu tên của Hãng tin Bloomberg cho biết Bắc Kinh dự kiến sẽ thay thế ít nhất 50 triệu máy tính cá nhân sau đó sẽ tiếp tục mở rộng tới các chính quyền cấp tỉnh.

Theo Bloomberg, quyết định này sẽ ảnh hưởng mạnh tới các hãng HP, Dell... nhưng sẽ giúp các thương hiệu máy tính, phần mềm, máy chủ của Trung Quốc như Levono, Kingsoft, Inspur... "lên đời" mau chóng.

ĐỖ DƯƠNG

Trung Quốc muốn ‘xóa sổ’ ít nhất 50 triệu máy tính ngoại nhập Trung Quốc muốn ‘xóa sổ’ ít nhất 50 triệu máy tính ngoại nhập

TTO - Chính quyền Trung Quốc đã lệnh cho các cơ quan thuộc chính phủ trung ương và các công ty nhà nước thay thế toàn bộ các máy tính cá nhân (PC) nhập ngoại bằng đồ sản xuất trong nước trong vòng 2 năm.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên