12/01/2017 09:32 GMT+7

Công khai đề thi là lãng phí?

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Đó là khẳng định của TS Sái Công Hồng - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - trước băn khoăn của dư luận về chủ trương “giữ bí mật” đề thi và đáp án thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT.

Việc xây dựng đề thi THPT quốc gia 2017 được áp dụng theo công nghệ làm đề thi tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội. Trong ảnh: các thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội năm 2015 đang xếp hàng theo từng phòng thi - Ảnh: Nguyễn Khánh
Việc xây dựng đề thi THPT quốc gia 2017 được áp dụng theo công nghệ làm đề thi tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội. Trong ảnh: các thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội năm 2015 đang xếp hàng theo từng phòng thi - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngày 11-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Sái Công Hồng cho biết:

- Quy trình xây dựng đề thi THPT quốc gia năm nay khác nhiều so với các kỳ thi quốc gia trước đây. Mục tiêu của toàn bộ quá trình này là xây dựng được ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, chứ không phải chỉ xây dựng 1 đề chính thức, 1 đề dự phòng phục vụ duy nhất kỳ thi trước mắt.

Ngân hàng đề thi ít, nên phải “giữ bí mật”?

* Dư luận băn khoăn khi Bộ GD-ĐT không công khai đề thi, đáp án thi năm 2017...

- Việc không công bố đề thi, đáp án không phải là bất thường đối với một kỳ thi sử dụng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm được chuẩn hóa. Kinh nghiệm quốc tế đối với những kỳ thi tương tự, họ cũng chỉ công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm. ĐHQG Hà Nội trong các kỳ kiểm tra năng lực để tuyển sinh đầu vào các năm qua cũng không công bố đề thi, đáp án.

Ở các kỳ thi trước đây, Bộ GD-ĐT tập hợp một số chuyên gia để xây dựng đề thi sử dụng một lần. Nhưng cách làm năm nay khác, chỉ riêng đội ngũ tham gia viết 60.000 câu hỏi thô cho ngân hàng đề thi đã huy động hơn 1.000 giáo viên, với quy trình chặt chẽ và chi tiết suốt thời gian dài.

Bởi vậy việc không công bố đề thi, đáp án để có thể sử dụng lại vào các lần thi sau sẽ tiết kiệm được cả nguồn lực và ngân sách. Nếu phải công bố thì thật sự lãng phí...

Hơn nữa, nếu chỉ công bố 1-2 đề thi minh họa, đề thử nghiệm thì không sao. Nhưng công bố vài chục đề thi thì cộng đồng xã hội có thể dễ dàng phán đoán được độ bao phủ của đề thi. Việc này sẽ dẫn tới học tủ, học lệch, gia tăng việc luyện thi.

* Có chuyên gia cho rằng với 24 mã đề mỗi môn thi thì mới cần khoảng 1.500 câu hỏi/môn, chỉ là số lượng nhỏ trong ngân hàng đề thi sẽ phải chuẩn bị. Việc Bộ GD-ĐT lo “lộ câu hỏi thi cho các năm sau” phải chăng chứng tỏ ngân hàng đề thi của bộ còn quá ít ỏi?

- Để có 1.500 câu hỏi thi/môn, chúng tôi cần có ít nhất 6.000 câu hỏi thô. Quy trình dẫn tới việc ra câu hỏi thô, rồi từ thô sang câu hỏi được chuẩn hóa, qua các vòng biên tập, thử nghiệm và đo lường bằng các phần mềm về thi rất mất công, vất vả.

Nếu phải công bố đề thi, đáp án, công khai 1.500 câu hỏi thi năm nay, tôi nghĩ bộ phận xây dựng ngân hàng thi cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ không thể có sức để làm xuể được. Chưa kể nội dung của đề thi các năm sau vẫn tập trung ở kiến thức lớp 12, nên nếu công khai hết sẽ làm cạn kiệt nguồn dữ liệu có thể khai thác để viết câu hỏi sau này.

* Ông cho rằng nếu công bố đề thi sẽ dễ đoán được độ bao phủ kiến thức được đưa vào đề thi. Như vậy tính đa dạng của câu hỏi thi cũng không cao?

- Đề thi trắc nghiệm cho phép đánh giá kiến thức, kỹ năng trên diện rộng hơn so với đề thi tự luận nhưng không có nghĩa là phủ kín nội dung mà học sinh phổ thông được học. Nhất là các năm sau, khi Bộ GD-ĐT quy định nội dung đề thi ra cả ở lớp 10, 11, 12 thì bắt buộc việc ra câu hỏi thi phải chọn lọc kiến thức trọng tâm.

Ví dụ, trong một chương của môn học nào đó phải chọn những nội dung trọng tâm nhất để đặt câu hỏi. Mỗi một nội dung trọng tâm đó sẽ có nhiều câu hỏi khác nhau, mức độ khác nhau theo ma trận đề và bản đặc tả đề thi đã thống nhất.

Bởi thế nếu đề thi được công bố, những cơ sở luyện thi sẽ phán đoán điểm rơi trọng tâm của câu hỏi thi để luyện tủ.

* Ông nói các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế đều không công bố đề thi, nhưng thực tế cho thấy vẫn có những kỳ thi quốc tế tương tự công bố đề thi...

- Thông thường, trên thế giới các bài thi chuẩn hóa đều không công bố như SAT, ACT, GMAT, TOEFL, IELTS... Ở Việt Nam, một số trường tổ chức thi ngoại ngữ để cấp bằng tương đương trình độ B1, B2 cũng không công bố đề vì còn phải dùng lại nhiều lần.

Tất nhiên ở một số kỳ thi quốc tế người ta cũng có thể công bố đề, nhưng là sau khi đã triển khai nhiều năm, 10-20 năm. Khi công bố, họ cũng chỉ công bố những câu dễ, ở mức độ nhận biết. Những câu khó dùng để phân loại trình độ thí sinh thì không ai công bố cả. Trên thế giới có rất ít tổ chức dùng đề thi chuẩn hóa, sau khi thi thì công bố đáp án, nhưng họ chỉ thi bằng đề thi duy nhất.

Ai giám sát sai sót?

* Không công bố, nếu bộ phận ra đề thi có sai sót về kiến thức hoặc đưa những câu hỏi thi vượt quá trình độ thí sinh thì sẽ ra sao?

- Dư luận chủ yếu lo ngại về nguy cơ sai sót có thể xảy ra trong đề thi. Tuy nhiên, với quy trình xây dựng câu hỏi thi được chuẩn hóa mà Bộ GD-ĐT đang làm, tôi có thể khẳng định không thể có chuyện sai sót về kiến thức hay sai về mức độ yêu cầu đối với thí sinh.

Trong 8 bước của quy trình xây dựng đề thi trắc nghiệm, đầu tiên sẽ phải xây dựng ma trận đề thi và bản đặc tả đề thi. Trên cơ sở ma trận đề thi, bản đặc tả chia ra các đơn vị kiến thức khác nhau để viết các câu hỏi. Bản đặc tả đề thi phải bảo mật, vì để lộ bản đặc tả đề thi cũng có thể xem như lộ định hướng đề thi.

Hiện việc huy động giáo viên viết câu hỏi thô cho ngân hàng đề thi đã tiến hành nhiều đợt, được khoảng 60.000 câu hỏi. Nhưng từ câu hỏi thô còn phải rà soát, chọn lọc, biên tập, thẩm định. Mỗi môn sẽ có 20-30 người làm công việc này.

* Nhưng quy trình này cũng chỉ do một số lượng nhất định giáo viên, chuyên gia khảo thí thực hiện thì sai sót vẫn có thể xảy ra?

- Sau khi thẩm định câu hỏi được chuẩn hóa, chúng tôi sẽ thử nghiệm với 100% số câu hỏi đã chọn. Mẫu thử nghiệm sẽ được chọn đa dạng đối tượng, vùng miền.

Kết quả bài làm của học sinh qua các đợt thử nghiệm sẽ được quét trên phần mềm khảo thí để phân tích các thông số.

Những câu hỏi không đạt độ tin cậy (do quá sức thí sinh, do không nằm trong chương trình, do sai kiến thức không giải được...) sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ.

Bởi vậy tôi khẳng định nếu làm đúng quy trình này sẽ khó có thể lọt lưới các câu hỏi có sai sót như dư luận lo ngại.

* Bộ GD-ĐT có tiêu chí như thế nào trong việc chọn giáo viên viết câu hỏi thi và tham gia các khâu khác của việc xây dựng ngân hàng đề thi?

- Hiện nay trên toàn quốc, mỗi tỉnh thành chỉ chọn khoảng 2 giáo viên cốt cán/môn tham gia. Ngoài ra ở 10 trường đào tạo sư phạm, mỗi bộ môn cũng có 2-3 giảng viên được chọn tham gia viết câu hỏi thi. Như vậy có thể tin tưởng vào chất lượng giáo viên tham gia với tiêu chí đảm bảo về năng lực, phẩm chất và ý thức trách nhiệm.

TS Sái Công Hồng - Ảnh: QUỐC TOẢN
TS Sái Công Hồng - Ảnh: QUỐC TOẢN

* Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã làm tới bước nào của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi?

- Chúng tôi đang có khoảng 60.000 câu hỏi thô do giáo viên viết và đã thực hiện một số đợt rà soát, biên tập. Dự kiến khoảng ngày 18-1 chúng tôi sẽ thực hiện đợt cuối của việc chọn lọc, biên tập này.

Tuy nhiên, quy trình làm đề sẽ theo phương thức cuốn chiếu. Dự kiến tháng 2-2017 sẽ thực hiện thử nghiệm các câu hỏi nằm trong phạm vi chương trình của học kỳ 1. Tháng 4-2017 sẽ thử nghiệm các câu hỏi của chương trình học kỳ 2. Dự kiến tháng 5-2017 sẽ thử nghiệm đề thi hoàn chỉnh.

“Nếu áp lực thi cử thấp, sẽ chỉ cần một đề”

* Một số chuyên gia đã gợi ý Bộ GD-ĐT có thể tiết kiệm câu hỏi thi bằng cách sử dụng số câu hỏi ít hơn nhưng đảo thứ tự câu hỏi, đảo vị trí đáp án cho từng câu?

- Đúng là trước đây chúng ta từng áp dụng việc chỉ xây dựng một đề thi, sau đó xáo trộn vị trí câu hỏi để thành sáu mã đề khác nhau.

Tuy nhiên, cách làm này vẫn xảy ra tiêu cực. Chỉ hoán đổi vị trí câu hỏi và vị trí phương án đúng mà số liệu, nội dung câu hỏi vẫn giữ nguyên thì thí sinh vẫn gian lận được.

Năm 2017, Bộ GD-ĐT giao kỳ thi về cho sở GD-ĐT tổ chức. Muốn để các trường ĐH yên tâm sử dụng kết quả thi, cần phải thiết kế mỗi thí sinh một mã đề riêng để đảm bảo độ tin cậy.

Đề thi THPT quốc gia 2017 sẽ thực hiện theo xu hướng thống nhất từ câu dễ đến câu khó, giúp các em không phải đọc hết đề bài rồi chọn câu dễ làm trước, khó làm sau.

Thực tế, nếu áp lực thi cử thấp thì hoàn toàn có thể làm một đề thi, nhưng áp lực thi cử chưa giảm được bao nhiêu thì không có lựa chọn nào khác để đảm bảo độ tin cậy, khách quan cho kỳ thi hơn việc thiết kế mỗi thí sinh một đề thi riêng biệt.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên