28/12/2018 13:35 GMT+7

'Công dân trẻ tiêu biểu' rủ bạn Tây về Việt Nam khởi nghiệp

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Hồ Đức Hoàn 25 tuổi, hoàn thành du học, làm việc tại Pháp nhưng quyết định trở về khởi nghiệp. Người ta vẫn nhắc vắn tắt như vậy về anh, một trong 9 gương mặt vừa được bầu chọn là 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' năm 2018

Công dân trẻ tiêu biểu rủ bạn Tây về Việt Nam khởi nghiệp - Ảnh 1.

Hồ Đức Hoàn - 1 trong 9 "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" 2018 - được bình chọn tiêu biểu ở lĩnh vực khởi nghiệp - Ảnh: Q.L.

Nhận tin vui ngay những ngày sắp qua năm mới, nhìn lại chặng đường hơn 3 năm qua, Hoàn nói phía trước còn nhiều chướng ngại lắm, song anh đang sở hữu "một đội quân khởi nghiệp lỳ đòn" và sẽ đi đến cùng.

Hồ Đức Hoàn chia sẻ: "Tạm gọi là phương châm tôi tự xác định cho chính mình ngay từ ngày đầu khởi nghiệp là Đương đầu với thử thách lớn, và điều này dường như đã "ngấm" vào từng nhân viên rồi. Chúng tôi đang bước cùng nhau, tin vào nhau".

* Khi đã ổn định ở một nơi nào đó, lại là một nước châu Âu, ít ai nghĩ chuyện trở về lắm, mà lại còn chọn khởi nghiệp như anh nữa...

- Thực ra ba mẹ cũng muốn tôi ở lại, bởi sau lưng tôi còn bảy đứa em, tôi là con lớn. Nếu ở lại và ổn định được, có thể sau này tôi sẽ hỗ trợ được cho các em. Ba mẹ nghĩ thế, và tôi cũng từng nghĩ thế, dù ngay khi được nhận học bổng qua Phần Lan học, rồi tiếp tục sang Pháp theo chương trình trao đổi sinh viên, tôi đã xác định sẽ trở về.

Cũng mất hơn nửa năm suy nghĩ, và tôi quyết định trở về. Điều duy nhất tôi nghĩ khi đó là chắc chắn Việt Nam sẽ cho tôi nhiều cơ hội, nhiều tiềm năng phát triển hơn là ở lại!

Những năm học ở nước ngoài, tôi đi làm đủ việc, tằn tiện chi tiêu và dành thời gian đến nhiều nước châu Âu. Tôi nhận ra nếu không phải là người bản xứ, bạn phải thật sự xuất chúng mới nổi lên được. Nếu tôi ở lại và có làm thật tốt cũng chỉ là làm thuê, đóng góp cho họ. Vậy tại sao không phải là tự mình làm chủ, đóng góp chút gì đó cho quê hương?

* Nhưng sao lại là khởi nghiệp vì anh biết sẽ vất vả? Và với mác "du học bên Tây", anh chắc không quá khó để tìm việc?

- Tôi tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM rồi mới đi học nước ngoài, trở về đã 25 tuổi rồi. Mà tuổi ấy tôi cho rằng đẹp nhất để khởi nghiệp. Cộng với chút ít vốn liếng tích lũy được sau hơn một năm đi làm trợ lý, rồi quản lý nhà hàng của một Việt kiều tại Pháp, cùng vài công việc khác nữa, tôi khởi nghiệp luôn.

Tháng 6-2015, tôi thành lập Công ty cổ phần chỉ số tín nhiệm quốc tế Ebrand index value (EBIV), đánh giá về chỉ số tín nhiệm của cá nhân, tổ chức ở các lĩnh vực. Lúc đó, gần như trong nước chưa có đơn vị nào có loại hình này.

* Anh còn rủ được cả mấy người bạn Tây cùng qua khởi nghiệp với anh?

- Đầu tiên là người bạn Canada cùng học chung với tôi tại Pháp. Sau khi được (hay bị) thuyết phục, bạn này đã đồng ý qua Việt Nam và cùng tôi hùn hạp mở công ty. Người mới nhất là một chuyên gia công nghệ thông tin người Thụy Điển, sẵn sàng bỏ mức lương vài ngàn đôla mỗi tháng sang làm với tôi chỉ có vài trăm đôla thôi.

Dĩ nhiên tôi phải có cách để "chiêu dụ" được họ. Điều tôi có thể nói chính là chúng tôi cùng chung niềm tin, nhìn về tương lai đang định hình của những việc chúng tôi cùng làm, cùng chia sẻ ý tưởng với nhau mỗi ngày.

Công dân trẻ tiêu biểu rủ bạn Tây về Việt Nam khởi nghiệp - Ảnh 2.

Anh Hồ Đức Hoàn trao đổi công việc cùng nhân viên công ty - Ảnh: Q.L.

* Con đường khởi nghiệp của anh bằng phẳng và theo đúng hoạch định của anh?

- Nhìn bên ngoài sẽ khó thấy thất bại, trừ chúng tôi là những người trong cuộc, do thiếu kiến thức, không kinh nghiệm, ít trải nghiệm nên kế hoạch ban đầu không như dự tính. Việc đánh giá chỉ số tín nhiệm của các lĩnh vực như tính toán ban đầu không thể đạt được vì quá rộng.

Mọi thứ vẫn chạy trơn tru nhưng không có doanh thu, tiền vận hành công ty toàn từ khoản tích lũy, vay mượn cũng cạn dần, 90% đội ngũ ban đầu từ từ rời đi. Thậm chí, chúng tôi ngỏ lời với mấy chục quỹ đầu tư mà chỉ nhận lại cái lắc đầu. Quãng thời gian đó, suốt 3 tháng tôi mất ngủ. Tôi đã tự hỏi mình không dưới chục lần: "Liệu mình có nên bước tiếp không, và sao phải chọn con đường này?".

Chúng tôi cùng ngồi lại, cơ cấu lại công ty. Từ nhiều lĩnh vực, công ty thu hẹp phạm vi, chỉ đánh giá chỉ số tín nhiệm ở lĩnh vực giáo dục. Đó là lý do vì sao sản phẩm đánh giá giáo dục và đặt chỗ khóa học Edu2Review ra đời (edu2review.com).

Cho đến nay, sản phẩm của công ty đang được vận hành tại 175 đơn vị giáo dục, chủ yếu là các trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM, Hà Nội, cung cấp thêm nhiều góc nhìn, ý kiến đánh giá, giúp người học thêm thông tin trước khi chọn nơi học.

“Sau trung tâm ngoại ngữ, công ty chúng tôi muốn tiến đến với các đơn vị giáo dục diện rộng hơn, có thể từ mầm non đến đại học, hướng đến chỉ số hạnh phúc của trường đại học. Tôi mong muốn cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt để phụ huynh, người học có nhiều lựa chọn, tối ưu hóa vòng đời học tập của một người”

Anh Hồ Đức Hoàn - Công ty cổ phần chỉ số tín nhiệm quốc tế Ebrand index value (EBIV)

* Người khởi nghiệp như anh kỳ vọng điều gì ở chính sách, cơ chế cho khởi nghiệp?

- Chúng tôi đã nhận được một số khoản đầu tư từ một vài quỹ đầu tư ở Mỹ, Canada, Singapore, nghĩa là có thêm nguồn lực để phát triển công ty. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng chính phủ, lãnh đạo TP.HCM sẽ có chính sách riêng cho khởi nghiệp.

Chẳng hạn ưu đãi về thuế, vườn ươm cho dự án khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ cho cộng đồng khởi nghiệp. Có khi chờ đợi một thủ tục, một khâu nào đó được xét duyệt thì cơ hội qua mất rồi. Có vậy mảnh đất khởi nghiệp mới bớt cằn cỗi.

* Anh có nghĩ mình đã khởi nghiệp thành công?

- Tôi không thích chữ thành công. Tôi luôn nghĩ về chữ hạnh phúc nhiều hơn. Tôi thấy mình đang khởi nghiệp hạnh phúc. Bởi mỗi sáng thức dậy tôi biết việc hôm nay mình cần làm, có động lực để lên công ty vì biết mình có thể làm được gì.

Tôi cũng biết khởi nghiệp chẳng có gì là chắc chắn cả. Nếu hỏi tôi dự đoán thế nào về công ty của mình trong tương lai, tôi cũng chỉ dám nói rằng tôi có thể nhìn thấy con đường mình đi trong 3- 5 năm tới được khoảng 60% thôi.

Nhưng tôi tự tin là chúng tôi luôn mạnh dạn bước cùng nhau, thử thách qua 3 năm rưỡi chứng minh phần nào "độ lỳ" của đội ngũ. Chúng tôi có niềm tin vào nhau và sẵn sàng "Đương đầu với thử thách lớn"!

'Trí thức trẻ Việt Nam cần linh hoạt khi hội nhập quốc tế'

TTO - Từ Hàn Quốc, anh Võ Đình Nam (nghiên cứu sinh ngành Công nghệ thông tin ĐH Chung-Ang, bí thư chi bộ Bắc Seoul) gửi về Đại hội Hội sinh viên Việt Nam trăn trở của bản thân cũng như nhiều du học sinh khác.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên