09/10/2016 15:33 GMT+7

​Cõng chữ trên những gánh hàng rong

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Dù cuộc sống còn chất chồng nhiều vất vả, kiếm cái ăn hằng ngày đã khó, đường đến trường lại càng gian nan, nhưng khát vọng đến trường, bám chữ của những tân sinh viên lại chưa bao giờ tắt.

Phạm Văn Tâm tự tin rằng vượt qua khổ cực hôm nay, tương lai sẽ tươi sáng hơn Ảnh: T.TRANG
Phạm Văn Tâm tự tin rằng vượt qua khổ cực hôm nay, tương lai sẽ tươi sáng hơn Ảnh: T.TRANG

Nếu không học thì không thể nào đổi đời, cái nghèo vẫn cứ bám lấy mấy mẹ con. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để chỉ rút ngắn thời gian học trong ba năm rưỡi

PHẠM VĂN TÂM

Hai gương mặt tân sinh viên cùng mong muốn đổi đời bằng sự học, dù khốn khó vẫn vây lấy mỗi ngày trên đường mưu sinh nuôi con chữ.

Gánh chiếu vào giảng đường

Trong căn phòng trọ vỏn vẹn 20m2, hành trang mang vào giảng đường ĐH của chàng tân sinh viên ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Cần Thơ Trần Văn Ngọc Quý (xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) là hàng trăm chiếc chiếu sắp đều lên nhau kín hết chỗ.

Những chiếc chiếu này do mẹ Quý dệt mang từ quê sang, Quý nói bất kể giờ nào miễn không đến lớp là để chiếu lên xe đạp chạy hết khắp ngõ ngách, bán để trang trải thêm chi phí học tập.

Quý kể đoạn đường đến trường của mình dài hơn so với các bạn. Hai năm trước, Quý vui mừng khôn xiết đón nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

Nhưng đúng lúc đó, cha Quý bị tai biến nằm một chỗ, gánh nặng oằn lên vai mẹ khi tiền chi phí thuốc thang, tiền ăn học của anh em Quý chỉ chờ vào những chiếc chiếu mẹ dệt thâu đêm. Trằn trọc suy nghĩ thiệt hơn, Quý cất lại giấy báo nhập học mà gia đình không hề hay biết Quý đã trúng tuyển ĐH.

“Nếu lúc đó báo tin mình đậu ĐH, cha mẹ sẽ vui lắm nhưng sẽ không đời nào để tôi nghỉ học. Gánh thêm việc này, mẹ sẽ cực lắm” - Quý tâm sự.

Rồi ban ngày, Quý đi làm ở một cơ sở đông lạnh, đêm thì làm bảo vệ cho một quán ăn. Quý nói có cơ hội kiếm tiền chính đáng nào để chữa bệnh cho cha, cho em ăn học là Quý làm, không quên mang sách theo bên mình để học bài.

“Lúc đó, tôi nghĩ chắc chắn có ngày tôi phải quay trở lại trường chứ không thể làm thuê hoài được” - Quý nói.

Tiền đi làm công nhân hai năm qua cũng đủ lo cho bệnh tình của cha tạm ổn, Quý quyết định thi ĐH trở lại. Bà Nguyễn Thị Thoại Em, mẹ Quý, thổ lộ: “Ai có ngờ nó đậu rồi giấu tui để đi làm. Giờ con học lại nên tui cũng đỡ áy náy”.

Quý tính toán cặn kẽ cho bốn năm học: “Mỗi ngày mình cố gắng bán vài ba đôi chiếu cũng lời được gần 30.000 đồng, tiền này để ăn và đóng tiền trọ hằng tháng. Mỗi cuối tuần mình xin trực ở phòng Internet được 80.000 đồng cộng thêm làm bảo vệ ở quán ăn sẽ tích cóp dành cho phần học phí”.

Trần Văn Ngọc Quý -  Ảnh: T.TRANG
Trần Văn Ngọc Quý - Ảnh: T.TRANG

Tâm và 10 năm bán bong bóng

Tâm có thâm niên gần chục năm bán bong bóng, rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Có hôm đi học bụng rỗng không có hột cơm nhưng chưa bao giờ sinh viên ngành kỹ thuật môi trường Trường ĐH Cần Thơ Phạm Văn Tâm (P.Hương Lợi, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có ý nghĩ không đến trường.

“Chỉ có con đường học vấn mai này mới giúp mình thoát khỏi những ngày thiếu trước hụt sau” - Tâm nói.

Bà Phạm Thị Thu (60 tuổi, mẹ Tâm) kể trước kia gia đình sống ở Campuchia. Tâm lên 5 tuổi thì cha mẹ chia tay, bà Thu tay xách nách mang đưa hai đứa con về Cần Thơ, nuôi con bằng nghề bán xôi chè. Nhiều bữa bán ế, cả nhà ăn xôi trừ cơm.

“Buôn bán ế ẩm lại hụt mất hết vốn liếng nên chỉ còn cách bán bong bóng, bán được cái nào thì lời cái đó, dư thì bữa sau vẫn bán được tiếp” - bà Thu nói.

Tâm theo mẹ bán bong bóng dạo ở trường học. Khi Tâm học lớp 4, sau một trận bệnh tưởng không sống nổi, mẹ Tâm yếu hẳn không đi lại được nhiều, Tâm thay mẹ chạy xe bán bong bóng, còn mẹ Tâm đứng bán một chỗ ở cổng bệnh viện.

“Biết con đậu ĐH tui mừng lắm nhưng đêm nằm không ngủ được, không biết lấy đâu ra tiền cho nó đóng học phí. Đến khi tui thấy tờ giấy đóng tiền gần 3 triệu đồng một học kỳ thì đúng là quá lớn, tui mượn mỗi chỗ một ít. Có nơi không lãi, có nơi lấy lời, mỗi ngày tui phải đóng 40.000 đồng” - bà Thu nói.

Hiện tại, ngoài giờ lên giảng đường, Tâm vẫn hằng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp bán bong bóng dạo ở các trường học.

20g tối nay, 9-10, tại Trường quay S1, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ sẽ diễn ra lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 202 tân sinh viên 11 tỉnh, thành ĐBSCL.

Tổng kinh phí hơn 1,4 ti đồng do Giải golf gây quỹ "Tiếp sức đến trường" tài trợ. Chương trình sẽ được trực tiếp trên VTV9, Đài PT-TH Cần Thơ, tv.tuoitre.vn và tuoitre.vn với sự tham dự của các văn nghệ sĩ đến từ TP.HCM.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên