04/01/2020 09:03 GMT+7

Công bố trúng tuyển sớm: Lợi cả đôi bên

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Kỳ thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tháng 3 hằng năm (đợt 1) và nhiều phương thức xét tuyển khác không cần đến điểm thi THPT nhưng các trường phải đến tháng 7, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, mới được công bố trúng tuyển.

Công bố trúng tuyển sớm: Lợi cả đôi bên - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt tháng 3-2019, dù có kết quả sớm nhưng vẫn phải chờ xét tốt nghiệp vào tháng 7 mới được xét trúng tuyển ĐH - Ảnh: TRẦN HUỲNH

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết tại cuộc họp tổng kết công tác lọc ảo phía Nam năm 2019 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây, đại diện nhiều trường ĐH kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép các trường công bố trúng tuyển có điều kiện đối với thí sinh sử dụng các phương thức xét tuyển khác ngoài phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia nhằm phân tầng việc xét tuyển, tăng tính tự chủ trong tuyển sinh của các trường.

Lọc ảo, phân tầng

Theo các chuyên gia, hiện có rất nhiều trường áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập 3 năm của học sinh chuyên thuộc các trường THPT chuyên; xét tuyển căn cứ trên điểm quy đổi của kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc điểm quy đổi của giải quốc gia môn tiếng Anh và điểm trung bình chung học tập ba năm lớp 10, 11, 12; xét kết quả thi năng lực... 

Tuy nhiên, các trường không được công bố trúng tuyển sớm đối với các thí sinh này mà phải chờ tới tháng 7, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng nên cho phép các trường công bố "trúng tuyển có điều kiện" đối với các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển này. "Điều kiện" ở đây có nghĩa là dù thí sinh được công bố trúng tuyển rồi nhưng phải nộp bằng tốt nghiệp THPT mới được công nhận trúng tuyển chính thức. 

Nếu biết trước mình đã trúng tuyển ĐH, các thí sinh này chỉ cần tập trung học để đậu tốt nghiệp, không cần phải tham gia đăng ký xét tuyển bất kỳ phương thức nào nữa. Việc này rất có lợi cho thí sinh về mặt tâm lý, tài chính và các trường cũng rất thuận lợi trong xác định nguồn tuyển.

Lý giải thêm về đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép công nhận trúng tuyển có điều kiện trước khi thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT, GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng do phải chờ thí sinh có bằng tốt nghiệp mới được phép xét công nhận trúng tuyển nên không thể phân tầng các trường tuyển.

"Với thí sinh dự thi năng lực đợt tháng 3 nếu được xét công nhận trúng tuyển có điều kiện thì những học sinh giỏi đó chắc chắn được vào đúng ngành nghề mình yêu thích, không phải lăn tăn gì nữa, mà chỉ tập trung học để tốt nghiệp phổ thông là đủ điều kiện nhập học ĐH. 

Khi đó, những trường tốp trên xét kết quả học tập THPT học sinh xuất sắc hoặc xét điểm thi đánh giá năng lực được công bố trúng tuyển trước vào những ngành hot. Những ngành học còn lại, những trường sức cạnh tranh không lớn sẽ tuyển các thí sinh còn lại, nên sẽ không ảnh hưởng đến phân khúc tuyển sinh của các trường tốp trên. 

Làm được như vậy sẽ giúp các trường thuận lợi hơn trong công tác lọc ảo khó khăn như hiện nay" - ông Ga phân tích.

Cần tăng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực

Cũng theo ông Ga, về lâu dài các trường cần phải tính đến việc chủ động có phương án xét kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Vì kỳ thi THPT quốc gia theo quy định của Luật giáo dục mới không bao hàm mục tiêu lấy kết quả tuyển sinh ĐH, nên nếu chỉ dựa vào điểm của kỳ thi này để xét tuyển là không phù hợp. 

Ông Ga đề xuất các trường cùng góp sức để tăng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực, từ đó nhiều trường căn cứ vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng kỳ thi THPT quốc gia hiện có hai mục đích (xét tốt nghiệp và tuyển sinh) nên kết quả thường phân tán, trong khi kỳ thi đánh giá năng lực đánh giá thí sinh toàn diện hơn. 

"Nhà trường vừa phân tích kết quả học tập của sinh viên sau bốn học kỳ của từng ngành cho thấy những em có điểm thi năng lực cao đều có điểm các môn học khá tốt. Tôi tin hàm lượng đánh giá năng lực của kỳ thi khá đúng. Do vậy, năm nay nhà trường tiếp tục tăng chỉ tiêu cho phương thức này" - ông Phúc cho hay.

TS Quách Hoài Nam (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang):

ong quach hoai nam_04012020 2(read-only)

Trường chúng tôi rất ủng hộ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Một số người cho rằng thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực chủ yếu để xét tuyển vào các trường ĐH Quốc gia TP.HCM, điều này chưa chính xác vì thực tế có nhiều thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi này chọn vào Trường ĐH Nha Trang.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

ong do van dung_04012020 2(read-only)

Tôi cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM rất tốt, đánh giá khá toàn diện năng lực của thí sinh, nhưng thực tế hiện nay đối tượng học sinh rất khác, số học sinh ở vùng quê nghèo còn nhiều. Các em này chủ yếu vẫn chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Nên nếu các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng điểm thi đánh giá năng lực thì chắc chắn sẽ giảm chỉ tiêu xét theo phương thức điểm thi THPT quốc gia, khi đó điểm chuẩn của phương thức này chắc chắn sẽ cao hơn và thí sinh vùng sâu vùng xa phải đạt điểm thi rất cao mới đậu ĐH.

Kiến nghị công bố trúng tuyển có điều kiện các phương thức khác Kiến nghị công bố trúng tuyển có điều kiện các phương thức khác

TTO - Đó là ý kiến của các trường được nêu ra tại buổi tổng kết công tác lọc ảo phía Nam năm 2019 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng nay 28-12.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên